Báo Đồng Nai điện tử
En

Cây quýt góp phần làm giàu cho nhiều nông dân ở xã Gia Tân 1

09:10, 07/10/2005

Những năm gần đây có một số hộ nông dân ở xã Gia Tân 1 đã chuyển sang trồng cây quýt đường mang lại hiệu quả kinh tế cao đã vươn lên khá giả, làm giàu cho gia đình mình.

Những năm gần đây có một số hộ nông dân ở xã Gia Tân 1 đã chuyển sang trồng cây quýt đường mang lại hiệu quả kinh tế cao đã vươn lên khá giả, làm giàu cho gia đình mình.

Người mở đầu cho nghề trồng quýt đường ở xã Gia Tân 1 (huyện Thống Nhất) là anh Nguyễn Cao Khải ở ấp Dốc Mơ 3. Năm 2000, khi đi tham quan vườn quýt đường của nhà một người bạn ở Phương Lâm, anh nghĩ đất rẫy nhà anh hoàn toàn phù hợp để cây quýt sinh trưởng và phát triển. Nghĩ là làm, cuối năm 2000, anh đã mua ngay 400 gốc quýt đường về trồng thử nghiệm. Đến đầu năm 2001, thấy cây quýt phát triển tốt, anh lại trồng thêm 600 gốc nữa. Với sự cần mẫn, chịu khó mày mò học hỏi kinh nghiệm của anh em đã trồng quýt lâu năm ở Phương Lâm áp dụng vào sản xuất, vụ thu hoạch năm 2004 vừa qua gia đình anh thu được 22 tấn trái, bán với giá bình quân 7.000 đồng/kg. Sau khi trừ tất cả chi phí, ra anh còn lời trên dưới 100 triệu đồng. Đây là một số tiền mà chưa bao giờ anh có được. Đầu năm 2005, anh Khải tiếp tục mua thêm gần 1,5 hécta đất rẫy để trồng 1.000 gốc quýt. Khi chúng tôi vào thăm, những cây quýt hiện đang phát triển tươi tốt. Anh Khải vui mừng cho biết, từ đầu năm đến nay, anh đã thu được gần 7 tấn trái quýt bán trái mùa, với giá tương đối cao: từ 8.000-10.000 đồng/kg. Mới đây, thương lái đến trả anh tiền thu trái cả vụ (từ nay đến cuối năm) là 250 triệu đồng cho vườn quýt 5 sào do anh trồng từ cuối năm 2000. Nếu anh chấp thuận thì số tiền lời từ cây quýt năm nay của gia đình chắc chắn sẽ cao gấp rưỡi vụ thu hoạch năm ngoái.

Có thể nói, trong thời buổi kinh tế thị trường như hiện nay, việc những người nông dân tìm tòi học hỏi xem giống cây trồng, vật nuôi nào nuôi trồng phù hợp, mang lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao quả là một điều đáng nhân rộng. Gia đình chị Vũ Thị Vóc, ở ấp Dốc Mơ 1 và gia đình anh Lương Văn Việt, ở ấp Dốc Mơ đều là những điển hình như thế. Vốn có rất nhiều đất rẫy, từ trước đến nay gia đình anh chị trồng rất nhiều loại cây ăn trái như: chôm chôm, sầu riêng nhưng do giá bán không sánh bằng trái cây của Thái Lan, nên những năm gần đây chị Vóc và anh Việt chuyển sang trồng trên 4.000 cây quýt đường.

Thực ra, đối với những người trồng cây ăn trái ở tỉnh Tiền Giang, Long An hay Phương  Lâm (Phú Lâm, Tân Phú), cây quýt đường không phải là giống cây trồng mới. Nhưng với những nông dân ở xã Gia Tân 1 thì đây là một loại cây trồng hoàn toàn mới lạ, đòi hỏi người trồng phải biết kỹ thuật chăm sóc. Vì vậy, đến nay trên địa bàn toàn xã cũng chỉ có từ 4-5 hộ dân trồng cây quýt đường và diện tích cũng còn khá khiêm tốn: chỉ khoảng 6-7 hécta. Hiệu quả kinh tế, năng suất  của cây quýt thì đã rõ, nhưng đa số người nông dân cũng chưa dám đưa về trồng. Theo số liệu thống kê của xã Gia Tân 1, toàn xã đang có trên 900 hécta cây trồng lâu năm, trong đó có khoảng  700 hécta cây ăn trái, nhưng thực tế với số diện tích cây quýt đường còn quá ít như hiện nay thì quả là điều đáng tiếc.

Để cây quýt đường cũng như các loại cây có hiệu quả khác được phát triển rộng rãi trên địa bàn xã, thiết nghĩ chính quyền xã Gia Tân 1 cũng cần phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Thống Nhất  mở các lớp tập huấn và tổ chức cho người nông dân tham quan các mô hình cây ăn trái ở các địa phương trong và ngoài tỉnh. Đồng thời tiến hành triển khai quy hoạch những vùng đất thích hợp cho cây quýt đường và các loại cây trồng có giá trị kinh tế khác, tránh tình trạng nông dân chuyển đổi cây trồng ồ ạt, kể cả ở những vùng đất không thích hợp, dẫn đến năng suất thấp, đầu ra khó tiêu thụ, hiệu quả kinh tế không như mong muốn.

Minh Tân

(Đài TT huyện Thống Nhất)

Tin xem nhiều