Báo Đồng Nai điện tử
En

Vườn cây một trăm năm tuổi ở Trảng Bom

09:08, 25/08/2005

Giữa thị trấn Trảng Bom (huyện Trảng Bom) có một vườn cây khá lớn, trông như một khu rừng. Nơi đây có những cổ thụ to hơn 2 người ôm. Đó chính là vườn sưu tập thực vật của Trung tâm khảo cứu lâm học (thời Pháp thuộc) nay thuộc Trung tâm khoa học sản xuất lâm nghiệp (KHSXLN) Đông Nam bộ.

Những cây dầu 60 năm tuổi ở vườn sưu tập thực vật Trảng Bom.

Giữa thị trấn Trảng Bom (huyện Trảng Bom) có một vườn cây khá lớn, trông như một khu rừng. Nơi đây có những cổ thụ to hơn 2 người ôm. Đó chính là vườn sưu tập thực vật của Trung tâm khảo cứu lâm học (thời Pháp thuộc) nay thuộc Trung tâm khoa học sản xuất lâm nghiệp (KHSXLN) Đông Nam bộ. Người dân ở Trảng Bom vẫn xem khu vườn này như là một lá phổi lý tưởng cho thị trấn Trảng Bom và Trung tâm KHSXLN Đông Nam bộ cũng đang dự kiến nâng cấp khu vườn này thành nơi bảo tồn, khảo cứu và là một công viên lớn trong vùng.

 

* Vườn cây trăm tuổi

 

Đến nay, vườn sưu tập thực vật Trảng Bom vừa tròn 100 tuổi. Năm 1905, người Pháp lập ra 3 khu vườn do cơ quan thủy lâm Đông Dương quản lý, bao gồm: Thảo cầm viên TP. HCM là công viên của Sài Gòn; Trung tâm khảo cứu lâm học Trảng Bom (Đồng Nai) và Trung tâm khảo cứu lâm học Lang Hanh (Lâm Đồng). Mục đích của Trung tâm khảo cứu lâm học là nghiên cứu sự tăng trưởng của cây rừng; sự phù hợp với điều kiện tự nhiên của cây rừng bản địa trong môi trường nhân tạo với những điều kiện và phương pháp gây trồng khác nhau. Ngoài 300 hécta đất rừng làm thí nghiệm, Trung tâm khảo cứu lâm học Trảng Bom còn có một vườn thực vật có tên là vườn sưu tập thảo mộc rộng 2,5 hécta, có khoảng 70 loài cây rừng mọc tự nhiên, thuộc 34 họ thực vật. Năm 1944, vườn sưu tập thảo mộc này đã bị đốn bỏ trồng lại, vì các cây cũ đã quá già. Khi thực dân Pháp rút khỏi Việt Nam , Trung tâm khảo cứu lâm học này được Viện khảo cứu thuộc Bộ Canh nông của chế độ cũ Sài Gòn quản lý. Sau năm 1975, do phải trải qua một quá trình lịch sử nhiều thăng trầm. Trung tâm khảo cứu lâm học đã bị biến đổi bởi chiến tranh tàn phá và thay đổi mục đích sử dụng đất. Đến nay, toàn bộ 300 hécta của trung tâm này không còn nữa và chỉ duy nhất giữ lại vườn sưu tập thảo mộc sau này được đổi tên thành vườn sưu tập thực vật Trảng Bom.

 

* Vườn cây "3 trong 1"

Anh Nguyễn Văn Viện, cán bộ bảo vệ vườn sưu tập thực vật Trảng Bom bên cây lim xanh.

 

Khi mới trồng lại vào năm 1944, vườn sưu tập thực vật Trảng Bom chỉ có 150 loài thực vật thuộc 48 họ, có nhiều loại cây du nhập từ nước ngoài về trồng. Nhưng đến nay, vườn đã được bổ sung nhiều loài cây mới nên đã nâng lên đến 200 loài cây thân gỗ, thuộc 55 họ thực vật và 17 loài tre. Diện tích của vườn cũng được mở rộng thêm 5 hécta, nâng tổng diện tích vườn lên 7 hécta. Trao đổi với chúng tôi, ông Kiều Thanh Tịnh, Phó giám đốc Trung tâm KHSXLN Đông Nam bộ cho biết, hiện tại khu vườn này đang thực hiện 3 chức năng chính là bảo tồn, khảo cứu và tạo cảnh quan cho đô thị. Trong vườn có nhiều loại cây quý được đưa từ các nơi khác đến trồng như: cây lim, lát hoa hoặc một số cây gòn Ấn Độ (loại gòn này chỉ có ở Malaysia ) v.v...

Khu vườn hiện nay không chỉ là nơi sưu tầm và tập trung các loài thực vật của Việt Nam và nước ngoài, mà còn là điểm hẹn nghiên cứu của các nhà chuyên môn và học sinh, sinh viên về sinh vật học. "Nếu chỉ nói đến các loại cây ở miền Đông Nam bộ thì nơi đây có khá đầy đủ. Hàng năm, vườn thực vật này đón hơn 20 lượt đoàn khách nghiên cứu ở các cơ quan và trường học xin đến nghiên cứu. Chúng tôi rất khổ, vì các em sinh viên đến đây thực tập đã sử dụng phương pháp ngắt lá và đẽo vỏ cây để xem và xác định các loại cây. Những cây to thì không sao nhưng những cây nhỏ bị đẽo nhiều quá sẽ chết", ông Tịnh nói. Trong tương lai, khu vườn thực vật có nhiều cây quý này sẽ được Trung tâm KHSXLN Đông Nam bộ lên dự án nâng cấp thành nơi không chỉ để cho các nhà khoa học tới nghiên cứu, mà còn biến nơi này thành công viên để cho mọi người có thể vào tham quan và thư giãn. Ông Tịnh tiết lộ: "Khi dự án được triển khai, chúng tôi sẽ xây dựng lại hàng rào bao quanh, gắn biển tên lên mỗi cây và cho người dân vào tham quan, nghỉ ngơi, thư giãn như một công viên để không bị lãng phí một vườn cây khá đẹp ở giữa khu dân cư như thế này".

Vườn thực vật Trảng Bom nằm trong khu đô thị mới hình thành và khu công nghiệp đang xây dựng nên vị thế của vườn cũng khá quan trọng. Đây là một trong những vườn cây có lịch sử khá lâu đời và rất quan trọng trong hệ thống các vườn thực vật quốc gia, nên việc nâng cấp, bảo tồn thiết nghĩ là rất cần thiết.

 Vân Nam

 

 

Tin xem nhiều