Báo Đồng Nai điện tử
En

Hợp tác xã nông nghiệp Phước Bình "vỡ mộng" với dứa cayen!

10:08, 13/08/2005

Về xã Phước Bình, huyện Long Thành nhắc đến chuyện trồng dứa cayen, nhiều người đến nay còn nổi gai ốc! Nơi này trước đây từng có 17 hécta dứa cayen nhưng người trồng đã dở khóc dở cười, vì không có thu nhập phải mang nợ vào thân...

Anh Nguyễn Vĩnh An - nông dân trồng dứa cayen ở ấp 6, xã Phước Bình bên chồi dứa cayen.

Về xã Phước Bình, huyện Long Thành nhắc đến chuyện trồng dứa cayen, nhiều người đến nay còn nổi gai ốc! Nơi này trước đây từng có 17 hécta dứa cayen nhưng người trồng đã dở khóc dở cười, vì không có thu nhập phải mang nợ vào thân...

* Vỡ mộng ngay lần đầu tiên

Vùng đất của xã Phước Bình từ xưa tới nay vốn rất khó khăn trong việc chọn lựa cây trồng, do đất không có nguồn nước tưới và nghèo chất dinh dưỡng. Người dân chỉ quanh quẩn với  2 loại cây: bắp và mì, mỗi năm thu nhập  trên dưới 10 triệu đồng/hécta. Năm 2001, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Phước Bình đã ký hợp đồng với Công ty xuất nhập khẩu ngũ cốc (Grainco) đưa cây dứa cayen về cho dân trồng  với hy vọng sẽ chuyển đổi được cơ cấu cây trồng, giúp cho bà con nông dân có nguồn thu nhập khá hơn. Ông Lê Tiến Thụy, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Phước Bình cho biết: "Lúc đó tôi thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng có nói nhiều về hiệu quả kinh tế của cây dứa cayen và được biết Công ty Grainco cũng đang có hướng phát triển vùng nguyên liệu dứa này. Qua tính toán cho thấy trên 1 hécta dứa cayen,  người trồng sẽ lãi được từ  35-40 triệu đồng/năm, cao gấp 3-4 lần so với trồng bắp và mì. Trong hợp đồng ký với HTX, Công ty Grainco nhận thu mua toàn bộ sản phẩm  dứa cho các hộ ở đây và tiền giống đầu tư được công ty trừ vào sản phẩm".

Nhận  thấy sản phẩm làm ra có nơi bao tiêu và lợi nhuận cũng đạt khá cao nên nhiều người dân ở đây rất hồ hởi đăng ký trồng dứa. Ban chủ nhiệm HTX nông nghiệp Phước Bình cho biết, lúc đầu  HTX dự định chỉ đăng ký trồng  khoảng 10 hécta thử nghiệm trước, nếu thành công sẽ nhân rộng tiếp. Thế nhưng nhiều hộ hình như sợ mất đi cơ hội làm giàu nên đã đến xin HTX đăng ký giống bổ sung để trồng. Vậy là bản hợp đồng trồng dứa cayen giữa HTX nông nghiệp Phước Bình và Công ty Grainco được tăng thêm 7 hécta nữa. Giống dứa cayen mà Công ty Grainco đầu tư cho HTX được nhập khẩu từ Trung Quốc. Tháng 10-2001, tàu chở chồi dứa từ Trung Quốc cập cảng Đồng Nai. Tại đây, HTX nông nghiệp Phước Bình đã nhận trên 850.000 chồi dứa giống, với giá 816,14 đồng/chồi.

Một vài cây dứa cayen được anh Nguyễn Vĩnh An ấp 6, xã Phước Bình chăm sóc khá kỹ còn sống sót tại vườn của mình.

Thế nhưng khi cây dứa trồng xuống chỉ đón được 2 trận mưa là trời hạn và chuyển  sang mùa khô. Không có nguồn nước tưới, cây dứa từ từ héo và chết. Đến tháng 7 -2002  thì diện tích dứa  bị hạn chết lên đến hơn 11 hécta. Công ty Grainco đã hướng dẫn các hộ trồng dứa dồn những cây dứa  còn sống sót trồng tập trung lại để tiếp tục chăm sóc. Tuy nhiên, mọi việc lại không mấy khả quan, vì những chồi dứa còn lại sống èo uột và qua một mùa khô  nữa cũng chết hết. Vậy là giấc mộng  làm giàu của người dân trồng dứa cayen  nơi đây cũng bị tàn  theo cây dứa!

* Trở thành con nợ vì dứa

Anh Trương Quốc Thuận  ở ấp 6, xã Phước Bình, một nông dân  hợp đồng trồng dứa cayen  cho Công ty Grainco cho hay, gia đình anh trồng 2 hécta dứa, chi phí tiền công, phân bón tốn hơn 10 triệu đồng nhưng không thu được gì. Trong khi trước đây, trên 2 hécta đó anh trồng mì cũng có thu nhập trên 20 triệu đồng/năm. Ở đây không chỉ riêng anh Thuận mà còn rất nhiều hộ đồng cảnh ngộ như gia đình anh. Hầu hết người trồng dứa chẳng những không có nguồn thu, mà còn trở thành con nợ đối với Công ty Grainco (trên mỗi hécta, tiền đầu tư giống khoảng 40 triệu đồng) và họ gần như hoàn toàn mất khả năng trả nợ. Ông Vũ Thịnh Lợi, Phó chủ nhiệm HTX nông nghiệp Phước Bình nói: "Chúng tôi đại diện đứng ra ký hợp đồng  với Công ty Grainco, vậy khoản nợ tiền giống đương nhiên là công ty nắm lấy chúng tôi. Thế nhưng cây dứa do dân trồng bị chết, không có thu  nhập thì lấy đâu tiền giao cho chúng tôi để trả cho công ty được?". Việc xác định cây dứa chết do nắng hạn, không có nước tưới là hoàn toàn đúng. Nhưng không hiểu vì sao những vùng bị thiếu nước tưới như ở Phước Bình mà cán  bộ kỹ thuật  khảo sát dự án vẫn cho triển khai  trồng dứa cayen. Chính ông Lê Hồng Thái,  Giám đốc Công ty Grainco cũng khẳng định rằng, trồng dứa dứt khoát phải có đủ nước tưới. Ông Thái nói: "Chúng tôi dự kiến  sẽ đưa dứa về khoảng tháng 7, nhưng do gặp phải tình hình mưa bão nhiều nên phải dời lại đến tháng 10 mới đưa giống về được. Khi đó chúng tôi cũng nói  ngay là nếu bên trồng chủ động được nguồn nước tưới  thì mới triển khai theo hợp đồng và mọi người đều nhất trí là có nguồn nước tưới". Thế nhưng, khi tiếp xúc với các hộ  dân trồng dứa ở Phước Bình thì mọi người lại cho biết, chính cán bộ kỹ thuật  của công ty xuống hướng dẫn, phổ biến với mọi người rằng, đây là giống dứa chịu hạn rất tốt ở Trung Quốc người ta đã trồng ở trên các quả đồi!

Công ty xuất nhập khẩu ngũ cốc (Grainco) thuộc Bộ NN-PTNT, được thành lập năm 1993 là một doanh nghiệp chuyên chế biến lương thực và rau quả xuất khẩu. Công ty có nhà máy sản xuất đồ hộp rau quả xuất khẩu đặt tại thị xã Long Khánh - Đồng Nai  với số vốn đầu tư 60 tỷ đồng (hoạt động vào tháng 12-2003). Với dây chuyền chế biến theo công nghệ của Ý, các loại sản phẩm cô đặc do nhà máy chế biến bao gồm: nước xoài (công suất máy chạy 5 tấn nguyên liệu xoài/giờ), nước đu đủ (công suất máy chạy 4 tấn nguyên liệu đu đủ /giờ), nước ổi (công suất máy chạy 4 tấn nguyên liệu ổi/giờ), nước cà chua (công suất máy chạy 2 tấn nguyên liệu cà chua/giờ), nước dứa  (công suất  máy chạy 10 tấn nguyên liệu dứa/giờ)  v.v...  Hiện tại nhà máy đang đưa một số trái cây mới như bí đỏ, lạc tiên vào chế biến.

Dứa đã chết hết, thiệt hại cho cả nhà đầu tư  và người trồng dứa ở Phước Bình là có thật. Để giải quyết  vấn đề nợ tiền  đầu tư dứa giống, HTX nông nghiệp Phước Bình đã làm làm đơn gửi tới Công ty Grainco và các cơ quan có thẩm quyền để xin xóa nợ, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Ông Lê Hồng Thái  cho biết, công ty đã nhiều lần làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai để giải quyết vấn đề này, thế nhưng tiến độ còn chậm. Để thực hiện dự án này, công ty đã phải đi vay vốn cho nên việc thanh toán nợ đầu tư kéo dài, thì công ty càng gặp khó khăn vì hàng tháng vẫn phải chịu tiền lãi vay cho phía ngân hàng.

Vân Nam

 

 

 

Tin xem nhiều