Báo Đồng Nai điện tử
En

Vĩnh Tân phát huy mạnh mô hình kinh tế ao - chuồng...

12:07, 07/07/2005

Mấy năm gần đây, ở xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) việc phát triển mô hình ao - chuồng (nuôi heo kết hợp với nuôi cá) khá thành công. Nhiều hộ dân thoát khỏi nghèo khó cũng nhờ vào mô hình này.

Bà Nguyễn Thị Hợp, chủ 1 ao cá ở ấp 1, xã Vĩnh Tân đang cho cá ăn.

Mấy năm gần đây, ở xã Vĩnh Tân  (huyện Vĩnh Cửu) việc phát triển mô hình ao - chuồng (nuôi heo kết hợp với nuôi cá) khá thành công. Nhiều hộ dân thoát khỏi nghèo khó cũng nhờ vào mô hình này.

Đến xã Vĩnh Tân vào những ngày này, chúng tôi thấy ở các ấp có rất nhiều hộ đào ao thả cá. Phần đông các ao có diện tích nhỏ, khoảng 1-2 sào, chỉ có một số ao có diện tích rộng trên 1 hécta. Điều này  phụ thuộc vào khả năng kinh tế của từng gia đình. Các ao cá được đào và kè bờ bằng đá rất công phu, trên bờ ao là những dãy chuồng heo được xây dựng khá bài bản. Ông Nguyễn Đức Tường, Phó chủ tịch Hội nông dân xã Vĩnh Tân nói: " Cả xã Vĩnh Tân hiện có khoảng 140 hécta mặt nước nuôi cá. Diện tích ao ngày một tăng. Mới từ đầu năm đến nay đã tăng thêm gần 30 hécta ao nữa. Việc phát triển kinh tế theo mô hình nuôi heo kết hợp với nuôi cá đã có hiệu quả cao nên các hộ dân rất quan tâm". Thực chất, theo ông Tường, đây chính là mô kinh tế VAC (vườn - ao - chuồng), nhưng do tính đặc thù của địa phương khó phát triển vườn cây nên các hộ chỉ tập trung khai thác mạnh về ao và chuồng...

Thăm ao cá của gia đình bà Nguyễn Thị Hợp ở ấp 1, chúng tôi được chủ nhà cho biết: "Khu vực ao cá một của gia đình bà trước đây là ruộng lúa, rộng gần 2 sào, mỗi năm thu được hơn 1 tấn thóc. Nếu trừ chi phí, tính ra gia đình bà chỉ lãi được hơn 1 triệu đồng. Từ khi chuyển sang đào ao nuôi cá, diện tích mặt nước chỉ còn lại được 1,5 sào nhưng mỗi năm đã thu được từ 1-1,2 tấn cá, lãi hàng năm luôn ổn định ở mức từ 7-8 triệu đồng". Nhiều hộ cho rằng, nếu nuôi cá kết hợp với chăn nuôi heo thì phần chi phí thức ăn cho cá sẽ giảm được khoảng 2 triệu đồng/ sào ao/ năm. So sánh giữa làm ruộng và nuôi heo kết hợp thả cá, rõ ràng lợi nhuận chênh chệch rất cao. Đây cũng chính là lý do để nhiều hộ dân ở Vĩnh Tân mạnh dạn đi vay mượn tiền để đầu tư sản xuất. Vốn đầu tư đào 1 sào ao mất khoảng 10 triệu đồng.

Một trong những hộ chuyển đổi cơ cấu từ cây trồng sang chăn nuôi khá thành công là gia đình anh Nguyễn Như Tư, ngụ tại ấp 4 - người đã mạnh dạn chuyển toàn bộ 2 hecta ruộng lúa sang đào ao và trồng cỏ để nuôi cá. Anh Tư nói: "Trồng lúa cực lắm, trừ chi phí đầu tư giống, phân bón, thuốc trừ sâu đi rồi mỗi năm 2 hecta lúa, lãi chưa được 10 triệu đồng. Bây giờ giá vật tư tăng cao, nếu cứ theo cây lúa thì không có ăn". Với 1,4 hecta mặt nước nuôi cá hiện nay, mỗi năm gia đình anh đã thu hoạch trên dưới 11 tấn cá, tương ứng khoảng hơn 100 triệu đồng. Số tiền này nếu trừ chi phí đầu tư cá giống và thức ăn cho cá khoảng 40 triệu đồng, gia đình anh còn lãi ròng 60 triệu đồng/ năm. Anh Tư cho biết, 2 năm nay, nhờ xây dựng một dãy chuồng heo trên bờ ao, nên khoản tiền chi phí vào thức ăn cho cá đã giảm đi được một nửa. Anh Tư nói: "Nuôi heo kết hợp với nuôi cá, con nọ gánh cho con kia cũng yên tâm hơn. Heo chỉ cần hòa vốn là mình đã có lãi rồi. Vì 1 năm gia đình tôi nuôi 70 con heo, phân và cám dư của heo tạo thức ăn cho cá, tôi đã giảm được số tiền mua thức ăn cho cá khoảng 20 triệu đồng. Gặp khi heo cao giá như vừa qua thì sẽ lãi cả heo lẫn cá. Ở khu vực này cứ 10 hộ thì có 8 hộ  đào ao nuôi cá, đa số là ao nhỏ".

Hơn 1 năm nay, dịch cúm gia cầm đã đẩy giá cá tăng từ 9.000đ/kg lên 13.000đ/kg rồi 15.000đ/kg và cá nuôi 2 năm được thương lái mua tại ao với giá 17.000đ/kg. Sự tăng giá liên tục này là điều kiện thuận lợi cho các hộ nuôi cá nói chung và ở Vĩnh Tân nói riêng phát triển. Ông Nguyễn Đức Tường cho biết, đa số các hộ dân ở xã Vĩnh Tân có diện tích ruộng lúa ở gần nhà nay đều đã chuyển thành ao nuôi cá, vì hiệu quả của nuôi cá đã đạt cao hơn nhiều lần so với trồng lúa.

Vân Nam

 

Tin xem nhiều