Trồng và chế biến củ nghệ ở huyện Thống Nhất :
Nghề làm chơi ăn thật...

12:07, 02/07/2005

Những năm gần đây, do tình hình hạn hán và tiêu thụ nông sản thiếu ổn định, giá vật tư phục vụ cho sản xuất nông nghiệp lại tăng cao, cộng với ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm...

Những năm gần đây, do tình hình hạn hán và tiêu thụ nông sản thiếu ổn định, giá vật tư phục vụ cho sản xuất nông nghiệp lại tăng cao, cộng với ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm... đã gây không ít khó khăn trong đời sống - sản xuất của người dân. Là một huyện thuần nông, Thống Nhất cũng không nằm ngoại lệ. Tuy nhiên, nhờ biết chuyển đổi nghề và cơ cấu cây trồng hợp lý, nhiều hộ dân ở đây đã thoát được nghèo, có công ăn việc làm ổn định. Trong đó, việc trồng và chế biến củ nghệ đang được coi là một nghề làm chơi nhưng ăn thật...

 

* Thoát nghèo nhờ... cây nghệ

Theo số liệu của Phòng Kinh tế huyện Thống Nhất, hiện nay trên địa bàn huyện có khoảng trên 100 hecta trồng cây nghệ. Cây nghệ được trồng xen canh rải rác ở các xã: Hưng Lộc, Bàu Hàm 2, Lộ 25 và Xuân Thạnh. Trong đó, Hưng Lộc là xã có diện tích trồng nghệ chiếm tỷ lệ rất cao và cũng là nơi tập trung nhiều cơ sở chế biến bột nghệ nhất. Những năm trước, nghệ chủ yếu được chế biến và tiêu thụ trong nước, nhưng vài ba năm trở lại đây, nghệ đã được xuất khẩu sang các nước và vùng lãnh thổ, như: Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc... Với đặc tính dễ trồng, thích nghi với nhiều loại đất, giá cả lại cao (từ 1.500 đồng - 2.000 đồng/kg nghệ tươi), cây nghệ đã thực sự trở thành "phao" thoát nghèo của nhiều hộ dân. Anh Lê Văn Hán, một trong những hộ vừa mới thoát nghèo nhờ cây nghệ, cho biết: "Không có đất trống, tôi phải trồng nghệ xen canh với cây điều. Không ngờ, cây nghệ dễ trồng lại cho năng suất rất cao. Chưa đầy một năm, gia đình tôi đã thu được trên 14 triệu đồng". Cũng trồng xen canh cây nghệ như anh Hán, anh Lê Văn Trọng một trong những hộ trồng nghệ ở xã Hưng Lộc, nói với chúng tôi: "Cây nghệ không đòi hỏi kỹ thuật, chăm bón cũng đơn giản, vả lại giá thành đầu vào lại nhẹ hơn so với các cây khác nên khi canh tác, tôi cũng như bà con rất yên tâm. Mặc dù chỉ trồng xen canh, nhưng năng suất thấp nhất cũng đạt hơn 20 tấn/hecta". Cũng như anh Hán, anh Trọng, nhiều hộ dân trồng nghệ ở huyện Thống Nhất không những thoát được nghèo mà còn làm ăn khá giả.

* Mở rộng diện tích và cần một thương hiệu...

Khi cây nghệ đã thực sự có đầu ra thì nghề làm bột nghệ ở huyện Thống Nhất cũng từ đó phát triển. Nhiều hộ đã mạnh dạn bỏ vốn, thuê nhân công mở xưởng chế biến. Quy mô tuy không lớn, nhưng những cơ sở này cũng phần nào giải quyết được việc làm cho một số lao động nhàn rỗi ở địa phương.

Cơ sở sản xuất nghệ của ông Phạm Thời ở ấp Hưng Nhơn (xã Hưng Lộc) khi vào mùa, một ngày có thể chế biến 3 - 4 tấn nghệ tươi, giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động, với mức lương từ 900.000 - 1.100.000 đồng/tháng. Thu nhập từ nghề chế biến bột nghệ của gia đình ông mỗi năm hơn 200 triệu đồng. Trao đổi với chúng tôi, ông Thời cho biết, nghề chế biến nghệ là  nghề truyền thống của gia đình. Thời gian gần đây, nhu cầu tiêu thụ nghệ trên thị trường tăng rất nhiều so với những năm trước nên ông đã mạnh dạn bỏ vốn đầu tư. Thường thì khi nghệ mua về, người  ta phân ra thành nhiều loại để tiện việc chế biến. Nghệ củ to được lựa riêng sau khi chế biến sẽ xuất khẩu; nghệ củ nhỏ và  nhánh thì chế biến nghệ mật ong; nghệ thô thì làm kem; hàng dạt thì lựa riêng để làm cà ri, ngũ vị hương... Sau công đoạn phân loại, củ nghệ mới được chế biến thành bột. Giai đoạn chế biến nghệ thành bột đòi hỏi người chế biến phải thực sự có kinh nghiệm. Bởi nếu không, bột nghệ thành phẩm sẽ có màu sẫm, chất lượng kém, rất khó tiêu thụ.

Mặc dù đã có đầu ra, nhưng cây nghệ mới chỉ được trồng xen canh, chưa đại trà nên số lượng không nhiều, các cơ sở chế biến muốn mở rộng sản xuất cũng rất khó. Bà Ngô Thị Thủy, chủ cơ sở chế biến nghệ ở ấp Hưng Nghĩa (xã Hưng Lộc) cho biết: "Mỗi ngày cơ sở của gia đình tôi chế biến được gần 3 tấn nghệ tươi, thu nhập mỗi năm đạt gần 200 triệu đồng. Làm ăn được, tôi cũng muốn mở rộng sản xuất, tạo công ăn việc làm cho bà con trong ấp, nhưng với lượng nghệ thô không đủ sản xuất như hiện nay thì có muốn cũng không được...".

Được biết, toàn huyện Thống Nhất hiện có hơn 20 hộ chuyên chế biến nghệ. Do công nghệ chế biến còn lạc hậu nên chất lượng sản phẩm cũng như sức cạnh tranh chưa cao. Với nhu cầu của thị trường như hiện nay, thiết nghĩ việc mở rộng diện tích, liên kết các hộ sản xuất lại với nhau để thành lập hợp tác xã và xây dựng một thương hiệu riêng cho cây nghệ đang là điều rất đáng để các địa phương và người dân suy ngẫm!

K.Luôn

Tin xem nhiều