Báo Đồng Nai điện tử
En

Đắc Lua : "Sống lại" nghề trồng dâu, nuôi tằm?

11:07, 04/07/2005

Cây dâu, con tằm đã gắn bó với người dân xã Đắc Lua (huyện Tân Phú) hơn 10 năm nay. Có thời kỳ trồng dâu, nuôi tằm ở vùng ngập lụt này bùng lên thành một phong trào khá mạnh.

Bà Trần Thị Thơm bên nong tằm ngủ 3 (7 ngày tuổi).

Cây dâu, con tằm đã gắn bó với người dân xã Đắc Lua (huyện Tân Phú) hơn 10 năm nay. Có thời kỳ trồng dâu, nuôi tằm ở vùng ngập lụt này bùng lên thành một phong trào khá mạnh. Thế rồi có những năm giá kén tằm xuống thấp, nhiều người dân Đắc Lua lại vội vã chặt dâu chuyển sang trồng cây khác. Mấy năm gần đây, giá kén tằm tương đối ổn định, nghề trồng dâu, nuôi tằm lại được người dân Đắc Lua quan tâm trở lại.

* Khá lên nhờ vào nghề nuôi tằm

Đưa chúng tôi đi trên con đường chạy song song với sông Đồng Nai, dọc 2 bên đường là những vườn dâu xanh mướt, cao ngập đầu người, ông Phó chủ tịch Hội nông dân xã Đắc Lua Nguyễn Văn Đềm bảo: "Nhiều hộ dân ở đây đã khá lên nhờ vào nghề trồng dâu nuôi tằm. Nghề này vốn đầu tư không nhiều nên bà con cũng dễ theo và sống được, nhất là 2 năm gần đây khi giá kén tằm luôn ở mức trên 20 ngàn đồng/kg, người dân nuôi tằm vùng lũ này phấn khởi hẳn". Tính từ khi con tằm về nhả tơ ở xã Đắc Lua cách nay hơn 10 năm thì năm 2004 được xem là năm có giá kén cao nhất. Lúc cao điểm, giá kén lên đến 42 ngàn đồng/ kg, còn bình thường luôn ở mức 25 ngàn đồng/kg. Nhiều người dân ở đây đã tiếc hùi hụi khi thấy giá kén tằm trong mùa khô vừa rồi lên cao nhưng vườn dâu của mình lại không có nước tưới. Anh Đoàn Trung Hậu, một hộ nuôi tằm ở ấp 8 tiếc nuối: "Gia đình tôi có 3 sào dâu, nuôi 1 hộp trứng tằm/ lứa (thời gian nuôi 1 lứa tằm từ 21-23 ngày). Mùa khô vừa rồi thấy giá kén tằm cao quá cũng tiếc nhưng đành chịu vì không có nước tưới. Tính ra nếu nuôi tằm chỉ cần đạt năng suất kén ở mức trung bình 30kg/hộp trứng thì hơn 20 ngày cũng thu lãi khoảng 1 triệu đồng".

Nghề nuôi tằm không đòi hỏi vốn đầu tư nhiều, do vậy có thời kỳ giá kén xuống thấp, dưới 10 ngàn đồng/ kg nhưng một số hộ dân nuôi tằm ở Đắc Lua vẫn không từ bỏ con tằm. Những hộ nuôi tằm cho hay, nếu giá kén cao thì người nuôi lãi nhiều, còn giá kén thấp thì lãi ít. Hầu như các hộ nuôi tằm ở đây không mấy ai lỗ do tằm rớt giá, chi phí nuôi tằm rất thấp, tiền giống tằm chỉ mất 60 ngàn đồng/ hộp trứng và thêm vài chục ngàn tiền mua nong để đựng là có thể nuôi được. Trong khi vườn dâu thì hầu như không tốn phân hóa học hoặc thuốc bảo vệ thực vật. Vì phân bón dành cho cây dâu chủ yếu là phân tằm thải ra, còn giá kén chỉ cần ở mức trung bình 20 ngàn đồng/kg thì trồng dâu, nuôi tằm sẽ có lãi gấp đôi so với trồng bắp. Bà Trần Thơm, ở ấp 11, một trong những hộ nuôi tằm rất sớm ở Đắc Lua tâm sự về nghề được mệnh danh là "ăn cơm đứng" của mình: "Tôi thấy nuôi heo bây giờ mà không nuôi theo dạng công nghiệp thì còn vất vả hơn cả nuôi tằm. Tính ra nuôi tằm chỉ vất vả trong thời gian chúng ăn rỗi vào khoảng 1 tuần, còn 2/3 thời gian là tằm ngủ và làm kén thì mình rất nhàn, mà thu nhập cũng khá. Gia đình tôi chỉ có 2 công lao động, trồng  8 sào dâu và nuôi 4 hộp trứng tằm/lứa, nhưng mỗi lứa trung bình cũng lãi được khoảng 3 triệu đồng. Riêng mùa khô vừa rồi giá kén lên cao, lãi được khoảng 4 triệu đồng/ lứa". Thấy nuôi tằm có lãi, bà Thơm không màng đến việc làm ruộng. 2 hécta ruộng lúa của bà đã được bà cho người khác mượn canh tác. Từ 2 bàn tay trắng, nhờ vào nghề nuôi tằm mà gia đình bà Thơm đã tích lũy mua được gần 3 hécta đất, xây dựng nhà cửa khang trang. Không chỉ có gia đình bà Thơm, ở Đắc Lua còn có khá nhiều gia đình thoát nghèo nhờ vào nghề này.

* Con tằm liệu có còn "sống" tốt ở Đắc Lua?

Công nhân đang kéo tơ tằm tại cơ sở của ông Lãnh.

Nghề nuôi tằm có ở Đắc Lua từ năm 1994. Thoạt đầu mới có khoảng 10 hộ nuôi tằm, diện tích dâu chỉ vài chục hecta. Cho đến năm 2000 - 2001, diện tích trồng dâu ở xã Đắc - Lua đã tăng đột biến lên hơn 300 hecta. Cả xã lúc đó đã bùng lên phong trào nhà nhà trồng dâu nuôi tằm. Thế nhưng qua một thời gian biến động, đến nay diện tích trồng dâu ở Đắc Lua chỉ còn hơn 100 hecta. Nguyên nhân, theo ông Nguyễn Văn Lành, chủ nhiệm câu lạc bộ dâu tằm tơ xã Đắc Lua là do: "Năm 1999, Đắc Lua bị ngập lụt lớn, sau khi nước rút hầu hết các cây trồng đều bị chết, riêng cây dâu vẫn còn sống. Nghề nuôi tằm lúc ấy tuy lãi không cao nhưng vẫn có ăn, vậy là người dân đổ xô vào trồng dâu nuôi tằm. Do chạy theo phong trào, một số người không nắm chắc kỹ thuật nuôi nên khi tằm bị chết, một vài lứa họ đã chán nản, bỏ nghề. Năm 2002, khi giá kén xuống thấp, nhiều người tiếp tục bỏ tằm, phá dâu. Những ai còn giữ nghề thì hiện tại rất khá". Theo nhận định của ông Lành thì nghề trồng dâu, nuôi tằm ở đây vẫn còn cơ hội phát triển tốt. Hiện tại ở Đắc Lua đã có tới 2 cơ sở kéo tơ của tư nhân, trong đó có cơ sở của gia đình ông Lành. Toàn bộ số kén tằm do người dân địa phương sản xuất ra đều được tiêu thụ tại chỗ. Với số hộ nuôi tằm ở Đắc Lua như hiện nay, sản lượng làm ra mới chỉ đáp ứng được 60% lượng kén cho 2 cơ sở này sản xuất; số kén còn lại, chủ 2 cơ sở nói trên phải đi mua của người dân ở các xã giáp ranh tỉnh Lâm Đồng về sản xuất.

Việc trồng dâu, nuôi tằm ở Đắc Lua đang gặp thuận lợi nhờ giá kén cao, lại có cơ sở sản xuất tại chỗ. Kén tằm người dân nơi đây làm ra không còn phải mang qua tỉnh Lâm Đồng để tiêu thụ như trước nữa. Xu hướng trồng dâu, nuôi tằm đang phát triển trở lại. Ông Lê Văn Hải, Phó chủ tịch UBND xã Đắc Lua nói: "Cây dâu, con tằm khá phù hợp với vùng đất ven sông Đồng Nai ở xã Đắc Lua. Qua một thời gian thăng trầm của cây dâu, con tằm, những người dân biết bám giữ lấy nghề nay đã có thu nhập tốt".

Vân Nam

 

Tin xem nhiều