Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng vùng cây ăn trái chuyên canh, tập trung - Lối ra của các nhà vườn...

10:06, 24/06/2005

Trong những năm gần đây, khi đến mùa trái cây, hầu hết các nhà vườn đều bất an và luôn phập phồng cầu mong cho trái cây đừng rớt giá. Để giảm bớt điều âu lo này, nhiều chủ vườn hiện nay đã phải trồng "xen canh" để cây nọ "gánh" bớt cho cây kia khi đụng hàng, ế chợ. Tuy nhiên, việc "xen canh" thực ra chỉ là một biện pháp tạm thời...

Anh Nguyễn Thanh Thu (ở ấp 7, xã Bình Sơn, huyện Long Thành) bên công sầu riêng giống nhập nội Monthoong Thái Lan của mình

Trong những năm gần đây, khi đến mùa trái cây, hầu hết các nhà vườn đều bất an và luôn phập phồng cầu mong cho trái cây đừng rớt giá. Để giảm bớt điều âu lo này, nhiều chủ vườn hiện nay đã phải trồng "xen canh" để cây nọ "gánh" bớt cho cây kia khi đụng hàng, ế chợ. Tuy nhiên, việc "xen canh" thực ra chỉ là một biện pháp tạm thời...

* "Đầu ra" khó do đâu?

Đồng Nai hiện có diện tích gần 50 ngàn hecta cây ăn trái, hàng năm đã mang lại giá trị tương đương với 1.000 tỷ đồng, chiếm gần 20% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Diện tích là vậy nhưng các vườn cây hầu hết nằm phân tán ở khắp các huyện và chủ yếu là vườn tạp. Bên cạnh đó, chất lượng trái cây không đồng đều, nên các nhà vườn năm nào vào mùa thu hoạch cũng trông chờ vào cầu may. ông Nguyễn Văn Giàu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cho biết: "Trong những năm qua, tỉnh đã đầu tư kinh phí khá nhiều cho việc phát triển diện tích các vườn cây ăn trái, với mong muốn sẽ hình thành các vùng cây ăn trái có chất lượng cao ở một số cây có giá trị kinh tế như sầu riêng, măng cụt...". Tuy nhiên, việc chưa hình thành được những vùng chuyên canh, cũng như chất lượng trái cây kém ở hầu hết các nhà vườn hiện nay cũng là những nguyên nhân gây ra tình trạng "tắc nghẽn" trong tiêu thụ. Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Trung tâm khuyến nông (TTKN) Đồng Nai cho rằng, nếu không có những vùng trồng cây ăn trái tập trung để sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng cao và đồng đều thì các nhà vườn vẫn phải chịu cảnh bán hàng rẻ do không cạnh tranh nổi với trái cây ngoại. Hiện tại, trên thị trường giá sầu riêng loại đạt chất lượng bán tại vườn vẫn ở vào khoảng 20.000 đồng/kg, trong khi giá sầu riêng hàng "dạt" chỉ từ 6.000 - 8.000đ/kg. Chôm chôm cũng vậy, với loại chôm chôm nhãn ngon được khách hàng mua với giá khoảng 7.000 đồng/kg, còn chôm chôm thường thì chỉ 2.000- 3.000đ/kg.

Sản xuất trái cây manh mún, chưa mang tính chuyên nghiệp sản phẩm sẽ rất khó tham gia thị trường xuất khẩu, do không đáp ứng được cả về chất lượng lẫn sản lượng. Theo đánh giá của một số thương buôn thì yếu điểm lớn nhất của trái cây Việt Nam nói chung là chất lượng kém và không đồng bộ nên khó được các nhà máy chế biến chấp nhận.

* Xây dựng vùng cây ăn trái gắn với thương hiệu

Khi đề cập đến vấn đề phát triển vườn cây ăn trái trong tương lai, ông Huỳnh Thành Vinh, giám đốc TTKN tâm sự: "Khi nhắc đến trái bưởi người ta nghĩ ngay đến Tân Triều; nói đến sầu riêng, chôm chôm, mọi người hình dung ra các vườn cây ở Long Khánh, Cẩm Mỹ hoặc nhắc đến măng cụt, dâu là biết có ở mạn Long Thành, Nhơn Trạch. Cho nên chỉ có xây dựng vườn theo hướng chuyên canh tập trung để sản xuất ra được những sản phẩm có chất lượng cao và đồng đều như ở các vùng nói trên, nhà vườn mới bớt lao đao, khốn khó". Tiến sĩ Bùi Xuân Khôi, Phó viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam cũng cho rằng, việc tạo thương hiệu cho các vùng trái cây cũng là cách tốt nhất để giải quyết "đầu ra" cho sản phẩm. Đối với nước ngoài, việc giới thiệu rộng rãi nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm là cách để giúp cho người tiêu dùng yên tâm hơn khi sử dụng. Tiến sĩ Khôi nhận xét: "Đồng Nai là tỉnh có nhiều vùng trồng cây ăn trái có truyền thống lâu đời, rất nổi tiếng và hiện đang tiếp tục phát triển khá mạnh. Do vậy, cần phải có định hướng trồng tập trung theo từng vùng cụ thể để sản phẩm sản xuất ra không chỉ bán được cho các thương lái, mà còn bán trực tiếp cho khách du lịch nhà vườn". Thật vậy, muốn hướng đến thị trường xuất khẩu và giữ được thị phần trong nước, trái cây Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng phải có khả năng cạnh tranh cao, giá thành hạ, chất lượng ngon, mẫu mã đẹp. Để đáp ứng được yêu cầu này cần phải có những vùng trồng cây chuyên canh và những giống cây đặc trưng theo vùng. Ngoài ra, các chủ vườn ở những vùng chuyên canh cây ăn trái cần phải được trang bị kỹ thuật thật tốt để làm ra sản phẩm đồng đều, tránh tình trạng "mạnh ai nấy làm", dẫn đến chất lượng trái cây khác biệt.

 Vân Nam

 

Tin xem nhiều