Báo Đồng Nai điện tử
En

Nông nghiệp và nông thôn Đồng Nai trên đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa

11:06, 10/06/2005

Nằm tiếp giáp với TP.Hồ Chí Minh, một "cửa ngõ" giao lưu, quan hệ quốc tế quan trọng, đồng thời là một trung tâm kinh tế và thị trường tiêu thụ lớn của quốc gia nên Đồng Nai từ lâu đã được xem là một tỉnh có rất nhiều lợi thế để phát triển.

Phát triển vùng nguyên liệu bông vải trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ.

Nằm tiếp giáp với TP.Hồ Chí Minh, một "cửa ngõ" giao lưu, quan hệ quốc tế quan trọng, đồng thời là một trung tâm kinh tế và thị trường tiêu thụ lớn của quốc gia nên Đồng Nai từ lâu đã được xem là một tỉnh có rất nhiều lợi thế để phát triển. Đặc biệt, trong hơn 10 năm qua, nhờ thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực công nghiệp, nhất là công nghiệp chế tạo máy và chế biến nông sản, đã góp phần giúp Đồng Nai đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) nông nghiệp, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết 5 của Trung ương (Khóa VII) và nghị quyết 25 của Tỉnh ủy...

 

* Tốc độ cơ giới hóa, điên khí hóa tăng nhanh...

Hiện nay, ngoài các đơn vị quốc doanh trung ương và địa phương, Đồng Nai cũng đang có hàng trăm cơ sở chế tạo thiết bị cơ khí của các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) rải đều trên khắp các huyện, thị trong tỉnh. Hàng năm, các cơ sở quốc doanh và dân doanh này đã sản xuất và cung ứng cho nông nghiệp và nông thôn Đồng Nai rất nhiều chủng loại sản phẩm, trong đó bao gồm cả các loại động cơ diesel, động cơ xăng, máy xới, máy xay xát, máy bơm nước, gặt đập-tuốt lúa và các thiết bị sấy-sơ, chế-chế biến nông sản...Nổi bật nhất là Công ty Vinappro và Công ty Vikyno, những đơn vị đã có nhiều cố gắng trong việc nghiên cứu, cải tiến và thiết kế, chế tạo các loại động cơ, máy móc nhỏ, có chất lượng cao, giá thành hạ, đáp ứng nhu cầu cơ giới hóa nông nghiệp trong nước và xuất khẩu, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt, để giới thiệu rộng rãi các sản phẩm này, 2 đơn vị nói trên đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều buổi trình diễn các thiết bị phục vụ nông nghiệp ngay trên đồng ruộng, nhằm giúp nông dân có khả năng chọn lựa được các sản phẩm phù hợp với thực tế sản xuất của mình. Trong đó có cả việc tổ chức các chương trình bán trả chậm để tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nông dân đang gặp khó khăn về vốn có thể mua được sản phẩm phục vụ sản xuất...Sở Công nghiệp Đồng Nai cho biết, hơn 10 năm trở lại đây, mức độ trang bị cơ giới hóa nhờ đó đã tăng gấp 3 lần (năm 1995 toàn tỉnh chỉ mới đạt 61,3 mã lực/100 hécta đất trồng cây hàng năm, thì đến nay đã tăng lên đến 180 mã lực). Đặc biệt, trong 4 năm: 2001-2004, số lượng máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp (động cơ diesel, máy xới, máy bơm, máy gặt đập, tuốt lúa, máy sấy, sơ chế nông sản...) do các đơn vị quốc doanh và dân doanh bán ra trên địa bàn tỉnh đã đạt tới 13.260 cái, trị giá lên đến gần 74 tỷ đồng. 

Trong khi đó, từ năm 1997 trở đi, nhờ huy động các nguồn vốn xây dựng lưới điện nông thôn (gồm vốn của ngành điện, nguồn phụ thu tiền điện, vốn ngân sách tỉnh, vốn huy động nhân dân và vốn vay từ quỹ hỗ trợ phát triển), toàn tỉnh đến cuối năm 2004 đã đầu tư hơn 298 tỷ đồng vào lĩnh vực này. Trong đó, đã thực hiện được 1.480 km đường dây điện trung thế, 1.189 km điện hạ thế, lắp đặt hơn 166.000 điện kế, giúp 90,5% số hộ toàn tỉnh và 86,4% số hộ thuộc khu vực nông thôn có điện sử dụng. Điện về, đã giúp cho nhiều vùng nông thôn thay đổi hẳn bộ mặt đời sống, sản xuất; cơ cấu kinh tế nhiều nơi đã chuyển dịch theo hướng đẩy phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và các ngành nghề truyền thống, thu nhập của người dân nhờ đó tăng cao, rút ngắn dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị...

* Công nghiêp chế biến phát triển mạnh...

Trước những năm 1990-1991, ngành công nghiệp chế biến nông sản (CBNS) ở Đồng Nai tập trung chủ yếu vào một số DN nhà nước là chính, nhưng các đơn vị hầu như vẫn không hoạt động hết công suất do gặp khó khăn về nguyên-vật liệu và "đầu ra" trên thị trường. Từ năm 1992 đến nay, nhờ những lợi thế riêng và có chính sách thông thoáng, Đồng Nai đã thu hút được rất nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến. Toàn tỉnh, đến cuối năm 2004 nhờ đó đã phát triển lên đến hơn 4.000 cơ sở công nghiệp CBNS, tăng 51% so với năm 1996, trong đó có khoảng 35 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký lên đến hơn 1 tỷ USD. Nhiều dự án nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực sản xuất bột ngọt, chế biến thực phẩm và thức ăn gia súc có quy mô khá lớn, như các công ty: Ajnomoto (61 triệu USD), Vedan (416 triệu USD), Proconco (10,8 triệu USD), CP (125 triệu USD), Cargill (79 triệu USD), Nestle (55 triệu USD)...

Công nghiệp CBNS phát triển đã tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương ở Đồng Nai chuyển dịch cơ cấu cây trồng-vật nuôi theo hướng gắn sản xuất với thị trường và thúc đẩy đầu tư, ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Một số loại cây trồng-vật nuôi có khả năng cung cấp và sử dụng nguồn nguyên liệu từ ngành công nghiệp chế biến như: mì, mía, bắp, điều, rau quả, heo, gà...đã tăng rất nhanh về số lượng và chất lượng, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn ngày càng phát triển hợp lý. Trong đó, riêng tỷ trọng ngành chăn nuôi trong nông nghiệp đã được nâng từ 18,4% trong năm 1995 lên 26% vào năm 2004. Đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận nông dân ở các vùng nông thôn đã được cải thiện một bước đáng kể.

* Những vấn đề còn lại..

Rõ ràng sự phát triển công nghiệp, nhất là trong lĩnh vực CBNS, chế tạo máy nông nghiệp và đưa lưới điện về nông thôn trong thời gian qua đã góp phần tích cực vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, giúp cho bộ mặt đời sống, sản xuất ở nhiều nơi trên địa bàn nông thôn Đồng Nai thay đổi hẳn. Tuy nhiên, so với một tỉnh giàu tiềm năng kinh tế như Đồng Nai, sự phát triển nói trên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều nhà chuyên môn cho rằng, do trình độ công nghệ của ngành cơ khí trên địa bàn còn lạc hậu, đầu tư còn hạn chế, nên các sản phẩm cơ khí cung ứng cho nông nghiệp chất lượng còn thấp và giá thành còn khá cao so với mức thu nhập hiện nay của nông dân. Trong khi đó, trang thiết bị và công nghệ ở hầu hết các doanh nghiệp CBNS trong nước hiện cũng đang nằm trong tình trạng khá cũ kỹ, lạc hậu, chưa có sự tác động tích cực, để giúp nông dân đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa một cách ổn định. Một số vùng nguyên liệu như: mía, mì, điều, bông vải...đến nay tuy đã hình thành, phát triển nhưng vẫn còn thiếu sự gắn kết bền vững giữa nhà nông với doanh nghiệp nên khi giá cả và tình hình tiêu thụ trên thị trường bị biến động, thường dẫn đến những tác động khá tiêu cực (tranh mua, tranh bán hoặc mua bán nhỏ giọt cầm chừng), gây ảnh hưởng không ít đến sự phát triển của vùng nguyên liệu. Đặc biệt, theo tính toán của các nhà chuyên môn, để phát huy hết công suất của các cơ sở công nghiệp CBNS hiện có trên địa bàn (nhất là đối với các các ngành CBNS có vốn đầu tư nước ngoài), hàng năm Đồng Nai cần phải có một khối lượng nguyên liệu lên đến khoảng 1 triệu tấn mì tươi, 800.000 tấn mía cây, 1 triệu tấn bắp và đậu nành, 40.000-50.000 tấn hạt điều, 40.000 tấn trái cây các loại...Thế nhưng, trên thực tế đến nay, nông dân Đồng Nai chỉ mới đáp ứng được khoảng từ 30-40% nhu cầu khoai mì, 75-80% mía cây, các loại nông sản còn lại, kể cả bắp, đậu nành và cây ăn trái các loại đều không đáng kể nên phần lớn các doanh nghiệp phải nhập khẩu từ nước ngoài...

Nhiều nhà chuyên môn cho rằng, sắp tới, bên cạnh việc tiếp tục phát triển lưới điện nông thôn; đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp thông qua các chương trình đầu tư, đổi mới công nghệ đối với các doanh nghiệp cơ khí, tăng cường hình thức bán máy trả chậm cho nông dân, Đồng Nai cần phải tiếp tục tập trung phát triển công nghiệp CBNS gắn với vùng nguyên liệu để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Trong đó có cả việc đẩy mạnh đầu tư, đổi mới máy móc thiết bị cho ngành CBNS trong nước; thu hút các doanh nghiệp CBNS đầu tư về vùng nông thôn và quy hoạch phát triển ổn định các vùng nguyên liệu nông sản hàng hóa tập trung trên cơ sở thực hiện tốt mối quan hệ gắn kết giữa nông dân với doanh nghiệp thông qua hợp đồng đầu tư và tiêu thụ nông sản theo tinh thần quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ...

Hồ Chừng

Tin xem nhiều