Có người nói ông "dại" vì đất bằng phẳng, đất ruộng không mua mà lại đầu tư một số tiền lớn vào khu đất khô cằn, sỏi đá nằm ở vùng sâu, vùng xa cách quốc lộ 51 gần 10 km, đường sá đi lại khó khăn.
Có người nói ông "dại" vì đất bằng phẳng, đất ruộng không mua mà lại đầu tư một số tiền lớn vào khu đất khô cằn, sỏi đá nằm ở vùng sâu, vùng xa cách quốc lộ 51 gần 10 km, đường sá đi lại khó khăn. Đúng là thời bấy giờ, khu Nùng ở ấp Tân Cang, xã Phước Tân (huyện Long Thành) có rất nhiều đất bị bỏ hoang vì canh tác nông nghiệp không hiệu quả, nhưng ông vẫn có quyết định của riêng mình...
* Bỏ phố về quê trồng rừng
Khi còn là thuyền trưởng tàu chở dầu cho Công ty vận tải vận chuyển xăng dầu VITACO, trong một dịp tình cờ ghé thăm khu Nùng, ấp Tân Cang, xã Phước Tân (huyện Long Thành) vào gần những năm 1989-1990, ông Nguyễn Văn Sót đã quyết định mua 10 hécta đất trống, đồi trọc tại đây. Nghe tin này, những người thân và bạn bè đã không khỏi lo lắng cho ông. Thế nhưng, sau một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu nhiều mô hình cải tạo đất, ông đã quyết định trồng rừng tràm, vì nhận thấy cây tràm phù hợp với đất đồi, không tốn công chăm sóc lại mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sau khoảng 3-4 năm, cây tràm cho thu hoạch và cứ 5 hécta rừng tràm, ông thu được từ 20-30 triệu đồng. 10 năm sau, nhờ thu được một số vốn kha khá nên ông đã quyết định dành hết số tiền dành dụm và vay mượn thêm bạn bè để mua thêm 10 hécta đất trống, đồi trọc nữa. Đến năm 1999, khi về nghỉ hưu, ông đã quyết định rời TP. Hồ Chí Minh về lập nghiệp tại khu Nùng. Hiện nay với 20 hécta đất, ông trồng theo cách mỗi năm thu hoạch 5 hécta tràm, trồng mới 5 hécta tràm và cứ luân phiên làm như vậy nên năm nào gia đình ông cũng có cây tràm thu hoạch. Đó là chưa kể, vào đầu vụ tràm, ông còn trồng xen canh cây mì. Tính ra, một năm thu hoạch 5 hécta tràm và mì, trừ hết các khoản chi phí thì thu nhập của gia đình ông cũng khoảng 75-80 triệu đồng .
Theo ông Sót, trồng tràm không phải đầu tư nhiều nhưng cái khó là việc phòng chống cháy rừng. Vì, nếu rừng bị cháy thì không chỉ gây thiệt hại kinh tế gia đình mà còn ảnh hưởng đến môi trường, gây nguy hiểm cho các hộ dân xung quanh. Do đó, đối với ông, việc thường xuyên đi kiểm tra và cho người dọn cỏ, lá khô, làm các làn ranh cản lửa, phòng chống cháy rừng là việc phải được đưa lên hàng đầu. Nhờ làm tốt công tác phòng cháy và chăm sóc rừng nên rừng tràm của ông chưa bao giờ bị cháy. Hiện nay, với 20 hécta rừng, hàng năm ông Sót đã giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho 15 lao động tại địa phương, với thu nhập từ 20.000-35.000 đồng/ngày công. Ngoài ra, trên những thửa ruộng trồng lúa cho năng suất thấp cũng đã được ông sử dụng đào ao thả cá với diện tích lên đến 1 hécta, mỗi năm cho thu hoạch 10 tấn cá các loại, thu nhập gần 100 triệu đồng. Nhiều hộ nông dân, nhất là số bà con dân tộc Nùng đã tới học hỏi và áp dụng mô hình canh tác của ông. Khi nói về lý do bỏ phố về quê trồng rừng của mình, ông tâm sự:"Gỗ đang là nguồn nguyên liệu khan hiếm. Ngay từ khi đặt chân đến đây, tôi đã thấy tiếc vì người dân còn để quá nhiều đất trống, đồi trọc trong khi ở đây nếu trồng được rừng, có khả năng sẽ cung cấp một lượng gỗ lớn cho thị trường. Thế là tôi quyết tâm làm và tôi đã đúng. Trồng rừng đối với tôi không chỉ làm kinh tế mà còn để phủ xanh đồi trọc, tạo môi trường sinh thái chung cho khu vực".
Có thể nói, đối với ấp Tân Cang, Phước Tân, ông Sót là người tiên phong trồng rừng trên đất trống, đồi trọc. Bởi, trước những hiệu quả kinh tế mà ông thu được, nhiều người dân nơi đây cũng đã biết tận dụng những khu đất trống, đồi trọc kể cả đám ruộng xấu để trồng rừng. Hiện nay, cả ấp Tân Cang đã có khoảng 200 hécta đất trống, đồi trọc được phủ xanh bằng rừng...
* Ông trưởng ấp "đa năng"
Đối với xã Phước Tân, ấp Tân Cang là ấp duy nhất có nhiều bà con dân tộc Nùng sinh sống, cả ấp có 74 hộ dân tộc Nùng. Thời điểm năm 1999, ở ấp Tân Cang, đường sá đi lại rất khó khăn, không có trường mẫu giáo, không có văn phòng ấp, thu nhập của người dân thấp. Tuổi thơ của ông Sót đã từng đi ở đợ, đi coi trâu mướn nên ông hiểu được những khó khăn, vất vả của người dân ở vùng quê nghèo. Chính vì vậy, khi mới về đây sinh sống, thấy đường vào khu Nùng đi lại khó khăn, ông đã bỏ ra 3 triệu đồng để mua cống đặt ngang ruộng làm đường đi cho mọi người. Sau này, khi được bà con bầu làm trưởng ấp Tân Cang, vấn đề ông quan tâm trước tiên là làm đường giao thông nông thôn (GTNT) cho ấp. Hàng năm, nhờ vận động nhân dân làm đường, cả ấp Tân Cang đến nay đã xây dựng hoàn thành 9 con đường GTNT, với kinh phí gần 300 triệu đồng, chưa tính hàng chục hécta đất của người dân tự nguyện hiến để làm đường. Ngoài ra, ông Sót cùng các đoàn thể còn vận động nhân dân làm mới và sửa chữa 5 cây cầu lớn nhỏ; đặt hàng chục cống thoát nước; xây 25 căn nhà tình thương; tặng 5 con bò cái và hỗ trợ 50 triệu đồng cho nông dân nghèo sản xuất trong 2 năm không tính lãi. Bên cạnh đó, ông còn đứng ra bảo lãnh cho số lao động nhàn rỗi của ấp vào làm ở các công ty, nhà máy đóng tại địa phương và còn vận động các mạnh thường quân xây dựng nhà kho, văn phòng ấp, lớp mẫu giáo với kinh phí khoảng 25 triệu đồng... Chính nhờ những nỗ lực của ông và sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân, bộ mặt ấp Tân Cang ngày càng trở nên khang trang và cho đến tháng 9-2002, ấp Tân Cang đã được đón nhận danh hiệu ấp văn hóa.
Được biết, là nông dân sản xuất giỏi của huyện nhiều năm liền, ông Sót còn nhận được rất nhiều bằng khen của UBMTTQ Việt
Ngọc Thư