Trong những năm gần đây, nguyên nhân dẫn đến hạn hán và lũ lụt xuất hiện thường xuyên ở nhiều nơi một phần là do nhiều cánh rừng tự nhiên bị tàn phá quá lớn. Chính vì vậy, việc phát triển mạnh những cánh rừng nhân tạo để bù đắp cho những cánh rừng tự nhiên đã mất là hết sức cần thiết...
Rừng dầu giữa thị trấn Long Thành. |
Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn cho biết, tính đến nay quỹ đất để giao khoán trồng rừng của tỉnh hầu như đã hết. Hiện nay, để tiếp tục trồng rừng, ngành lâm nghiệp đang nghiên cứu, tìm kiếm các loại cây thích hợp để trồng trên một số đồi, núi đá còn lại, trong đó có núi Chứa Chan, núi Le ở huyện Xuân Lộc. Bên cạnh đó, hàng năm vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ, Đồng Nai còn tổ chức triển khai trồng hàng vạn cây phân tán và khuyến khích các hộ dân tích cực tham gia trồng rừng nhằm góp phần tăng thêm độ che phủ trên địa bàn toàn tỉnh.
Được biết, diện tích rừng ở Đồng Nai hiện đang có 153.000 hécta, trong đó có 110.000 hécta rừng tự nhiên và 43.000 hécta rừng trồng. Việc trồng rừng hiện nay không đơn thuần chỉ để cải tạo môi trường mà còn được xem là một trong những hướng phát triển kinh tế lâu dài, nhất là đối với những loại cây được người dân chọn trồng như: dầu, sao, xà cừ và tràm bông vàng. Đặc biệt, trong điều kiện một số nước xuất khẩu gỗ đang có chiều hướng đóng cửa rừng, nhu cầu về nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đang tăng lên đã đẩy giá gỗ lên khá cao. Theo tính toán của ngành lâm nghiệp, hiện tại 1 hécta rừng gỗ dầu 20 năm tuổi, trồng với mật độ 500 cây thì sẽ có khoảng 500 khối gỗ, trị giá khoảng 1,5 tỷ đồng. Như vậy, trung bình mỗi năm người trồng rừng có thu nhập trên 70 triệu đồng/hécta, cao gần gấp rưỡi so với yêu cầu của Bộ NN&PTNT (50 triệu đồng/hécta/năm). Nhiều chuyên gia lâm nghiệp cho biết, giá trị của rừng trồng phụ thuộc hẳn vào thời gian sinh trưởng và phát triển dài hay ngắn. Cây rừng càng lâu năm, đường kính của cây càng rộng thì giá tiền càng cao. Đối với một số loại gỗ như: xà cừ từ năm thứ 20 trở lên; gỗ dầu từ năm thứ 30 trở lên và gỗ sao từ năm thứ 50 trở lên mới khai thác sẽ đạt giá trị kinh tế rất lớn. Tuy nhiên, do thời gian từ khi trồng đến khai thác khá dài nên đa số người dân không mấy mặn mà với việc phát triển cây rừng. Do vậy, phần lớn các hộ trồng rừng chỉ trồng phổ biến các loại cây có thời gian sinh trưởng, phát triển ngắn (khai thác trong vòng từ 7-10 năm), chủ yếu cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến giấy để kiếm thêm thu nhập.
Việt
|
Nhu cầu sử dụng gỗ hiện nay khá đa dạng, không chỉ riêng các loại gỗ tốt mà cả các loại gỗ thường như tràm bông vàng. Thời gian cho khai thác của cây tràm bông vàng cũng rất ngắn (khoảng 4-5 năm) và trên mỗi hécta rừng tràm trồng thuần, năm thứ 4 mới khai thác được khoảng 80 mét khối gỗ. Hiện nay, nhờ các xưởng mộc trang bị kỹ thuật chế biến khá tốt, có thể làm cho gỗ vừa đẹp, vừa bền, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, nên người trồng rừng không nhất thiết phải trồng những loại cây gỗ lớn, lâu năm. Ở Đồng Nai, từ khi nguồn gỗ nhập khẩu trở nên khan hiếm, làng mộc Tân Hòa (phường Tân Hòa - TP. Biên Hòa) đã chuyển nhiều cơ sở sản xuất đồ mộc bằng gỗ tốt trước đây sang sản xuất hàng mộc bằng các loại gỗ thường hoặc các loại ván ép, ván okan.
Ông Đoàn Thạnh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, ngành lâm nghiệp có đưa ra nhiều mô hình trồng rừng kết hợp với các loại cây nông-lâm nghiệp khác để người dân trồng rừng có thu nhập hàng năm, "lấy ngắn nuôi dài", chờ ngày khai thác cây rừng (như trồng rừng thưa xen với điều hoặc cây ăn trái). Ông Thạnh cũng khuyên các hộ dân có vườn cây ăn trái hay cây công nghiệp như tiêu, điều, cà phê v.v... nên trồng những cây gỗ lớn xung quanh hàng ranh để chắn gió, bảo vệ hiệu quả cho vườn cây và tăng thêm nguồn thu nhập.
Bài, ảnh : Khắc Giới