Với độ che phủ trên 85%, đặc trưng của khu dự trữ thiên nhiên Vĩnh Cửu(KDTTN)là hệ sinh thái cây họ dầu trên địa hình đồi, gò. Nơi đây còn là vùng cư trú của nhiều loài động vật, trong đó có nhiều loại quý hiếm nằm trong sách đỏ, cần được bảo vệ...
Với độ che phủ trên 85%, đặc trưng của KDTTN Vĩnh Cửu là hệ sinh thái cây họ dầu trên địa hình đồi, gò. Nơi đây còn là vùng cư trú của nhiều loài động vật, trong đó có nhiều loại quý hiếm nằm trong sách đỏ, cần được bảo vệ. Đáng chú ý là khu hệ động, thực vật ở đây có quan hệ mật thiết với khu hệ động, thực vật ở Vườn quốc gia Nam Cát Tiên. Bên cạnh những giá trị về đa dạng sinh học, KDTTN Vĩnh Cửu còn là vùng căn cứ chiến khu Đ, với nhiều di tích lịch sử (căn cứ Trung ương Cục miền Nam (thời kỳ 1961-1962), địa đạo Suối Linh) trong kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Ngoài ra, rừng thuộc KDTTN Vĩnh Cửu còn có chức năng quan trọng là phòng hộ trực tiếp cho hồ thủy điện Trị An, góp phần cân bằng sinh thái cho toàn vùng, và là nơi có tiềm năng lớn để có thể phát triển du lịch. Xuất phát từ thực trạng rừng đã suy kiệt do một thời gian dài bị khai thác chính thức (trước đây) và lén lút (sau này), ngay sau khi nhận được quyết định thành lập, Ban giám đốc KDTTN Vĩnh Cửu đã xây dựng chương trình, kế hoạch nhằm từng bước tái lập cảnh quan môi trường thiên nhiên. Trong đó, mục tiêu nhiệm vụ được đề ra gồm các biện pháp cấp bách trong việc bảo vệ và phát triển rừng bền vững; đồng thời lập phương án giải quyết có hiệu quả tình trạng dân cư sinh sống trong rừng từ nhiều năm qua.
Theo thống kê, diện tích rừng nghèo kiệt và rừng non ở KDTTN Vĩnh Cửu chiếm đến 79% tổng diện tích đất có rừng. Nhiều khu rừng bị suy giảm nghiêm trọng; một số khu rừng có kết cấu bị phá vỡ từng mảng lớn; nhiều loài thực vật quý hiếm, đặc hữu chỉ còn số lượng ít... Căn cứ vào chương trình, kế hoạch hành động mà ban giám đốc đã đề ra, trước hiện trạng cần nhanh chóng phục hồi để đảm bảo môi trường sinh thái, KDTTN Vĩnh Cửu phải được chuyển hóa dần từ rừng nghèo kiệt thành rừng dầu hoặc cây gỗ lớn bản địa; phục hồi rừng cây và thảm thực vật trên đất trống hoặc các nương rẫy (sau khi chuyển dân cư đến những vùng tái định cư); mở rộng nơi cư trú cũng như phạm vi hoạt động và nơi sinh sống của các loài động vật rừng. Bên cạnh đó, một trong những nhiệm vụ không kém phần quan trọng đối với sự phát triển của KDTTN Vĩnh Cửu là công tác nghiên cứu khoa học trên cơ sở thực hiện các chương trình điều tra cơ bản về động, thực vật và hệ sinh thái rừng. Để qua đó, bảo tồn các nguồn gen cũng như sự bền vững của môi trường sinh thái và tài nguyên rừng. Thực tế, nếu nhanh chóng thúc đẩy khôi phục và phát triển rừng thì chẳng bao lâu nữa, nơi đây sẽ trở thành điểm tham quan, học hỏi, nghiên cứu hết sức lý tưởng bởi cảnh quan môi trường hấp dẫn với nhiều loại động, thực vật đặc hữu.
Trao đổi với chúng tôi về các mặt hoạt động sau hơn 1 năm thành lập, Phó giám đốc KDTTN Vĩnh Cửu Nguyễn Danh Báu (giám đốc lâm trường Hiếu Liêm) cho biết, ngoài ông và giám đốc cùng kế toán trưởng là ba người có quyết định bổ nhiệm của tổ chức, đến nay về cơ cấu nhân sự và kế hoạch thực hiện các dự án (giai đoạn 2004 - 2008) vẫn chưa được duyệt. Cho nên, trong thời gian qua, KDTTN Vĩnh Cửu chỉ hoạt động theo quy chế của lâm trường. Có nghĩa là "ai, việc gì, ở đâu" vẫn y như cũ! Chính vì vậy, lâm trường Hiếu Liêm và lâm trường Mã Đà chỉ tập trung vào công tác quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng là chủ yếu.
Thực tế, dân cư ở KDTTN Vĩnh Cửu có 2.582 hộ với 11.692 nhân khẩu. Trong số này có một số cụm dân cư sinh sống trong rừng nhiều năm qua. Đời sống người dân nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn và nhận thức còn hạn chế, vì vậy, đây là một áp lực rất lớn đối với việc quản lý, bảo vệ rừng. Để người dân có một cuộc sống ổn định và lâu dài cũng như rừng không bị xâm hại, giải pháp hợp lý nhất là chuyển số hộ dân này đến những khu tái định cư. Trên cơ sở tạo điều kiện giải quyết việc làm để ổn định đời sống dân cư, từ cuối năm 1998, UBND tỉnh giao cho giám đốc hai lâm trường Mã Đà, Hiếu Liêm (phối hợp cùng Phân viện điều tra quy hoạch rừng II và Phân viện thiết kế nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn) xây dựng đề án quy hoạch, trong đó gồm phương án phân bổ các cụm dân cư, gắn với công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Tuy nhiên đến nay, theo chỉ đạo của UBND tỉnh thì dự án quy hoạch dân cư thuộc 2 xã Mã Đà, Hiếu Liêm được giao cho UBND huyện Vĩnh Cửu làm chủ đầu tư. Chúng tôi được biết, hiện nay UBND huyện Vĩnh Cửu đang xúc tiến làm việc với các nhà tư vấn, thiết kế để hoàn thiện các bước thủ tục cần thiết để có thể tiến hành dự án này. Và, có thể nói, một khi việc di dời dân ra khỏi rừng chưa thực hiện được thì mối đe dọa về việc hủy hoại hoặc cháy rừng vẫn là một nguy cơ tiềm ẩn. Trước những kế hoạch đang còn ở... phía trước, giám đốc KDTTN Vĩnh cửu Trần Xuân Hòa (giám đốc lâm trường Mã Đà) bức xúc nói: "Nếu như chúng tôi không được tạo điều kiện để đi vào hoạt động đúng mục tiêu và nhiệm vụ, thì chẳng biết đến bao giờ KDTTN Vĩnh Cửu mới thực sự là một địa điểm xứng tầm như tên gọi của nó!"...
Rõ ràng, KDTTN Vĩnh Cửu được thành lập là một chủ trương đúng đắn và hợp lý về một vùng rừng cần được bảo vệ và phát triển bền vững.
Tạ Nguyên