Báo Đồng Nai điện tử
En

Nông nghiệp Đồng Nai tiếp tục hướng đến mục tiêu : thị trường

05:04, 23/04/2005

Sau ngày giải phóng, ngành nông nghiệp Đồng Nai mặc dù có một số mặt vượt trội so với nhiều địa phương khác nhưng mức khởi đầu vẫn còn trong tình trạng chậm phát triển, sản xuất nhiều nơi còn mang đậm tính “tự cung tự cấp”... Thế nhưng 30 năm sau, nền sản xuất nông nghiệp Đồng Nai đã có những bước phát triển vượt bậc!

Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng 30-4-1975, ngành nông nghiệp Đồng Nai mặc dù đã có một số mặt vượt trội so với nhiều địa phương khác nhưng nhìn chung mức khởi đầu vẫn còn trong tình trạng chậm phát triển, trình độ canh tác lạc hậu, năng suất các loại cây trồng - vật nuôi đạt thấp và sản xuất nhiều nơi còn mang đậm tính “tự cung tự cấp”... Thế nhưng 30 năm sau, nền sản xuất nông nghiệp Đồng Nai đã có những bước phát triển vượt bậc!

Một trong những thay đổi lớn nhất ở Đồng Nai trong 30 năm sau ngày giải phóng, đó là cơ cấu kinh tế đã và đang có sự chuyển dịch mạnh từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Nếu năm 1976, ngành nông nghiệp (bao gồm luôn cả nông-lâm-thủy) còn chiếm tỷ trọng lên tới 65,1% và ngành công nghiệp - dịch vụ chiếm 34,9% trong cơ cấu kinh tế toàn tỉnh thì đ ến năm 2004, tỷ trọng ngành nông nghiệp đã giảm xuống chỉ còn 16% và ngành công nghiệp - dịch vụ đã tăng lên đến 84%. Tuy tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm mạnh nhưng thực tế nhờ chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ, trong đó có ưu tiên phát triển các loại cây trồng - vật nuôi có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao nên giá trị sản xuất nông nghiệp hàng nă m của tỉnh đã tăng lên rất nhanh. Cụ thể, nếu năm 1976, giá trị sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh chỉ mới đạt trên dưới 1.169 tỷ đồng, thì đến năm 2004 đã được nâng lên gần 5.580 tỷ đồng, tăng hơn 4,7 lần so với trước...

* Năng suất, chất lượng nhiều loại cây trồng - vật nuôi có ưu thế cạnh tranh trên thị trường tiếp tục tăng cao

Thành tựu nổi bật đối với ngành sản xuất nông nghiệp Đồng Nai trong thời gian qua chính là việc áp dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa vào sản xuất nhiều loại cây trồng - vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với yêu cầu của thị trường. Chỉ tính riêng cây hàng năm, toàn tỉnh đến nay đã có tới 100% diện tích lúa, bắp, mì, mía và đậu các loại được nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất. Năng suất cây bắp nhờ vậy đã đạt bình quân tới hơn 44 tạ/hécta (tăng hơn 2,4 lần so với năm 1976), cây lúa đạt 41 tạ/hécta (tăng hơn 2,4 lần), cây mì đạt 234 tạ/hécta (tăng 2,36 lần) và đậu nành đạt 11 tạ/hécta (tăng 1,3 lần)... Đặc biệt, trong xu thế chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường, một số diện tích lúa không chủ động được nguồn nước tưới và một số diện tích trồng cây hàng năm cho hiệu quả kinh tế thấp cũng đã được nông dân nhiều nơi chuyển sang trồng các loại cây công nghiệp lâu năm và cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Do vậy, toàn tỉnh tính đến năm 2005 đã phát triển lên đến hơn 113.000 hécta cây công nghiệp lâu năm (bao gồm 22.167 hécta cà phê, 41.490 hécta cao su, 41.000 hécta điều, 6.850 hécta tiêu cùng một số diện tích dừa, dâu tằm...) và gần 47.200 hécta cây ăn trái các loại. Hàng năm, các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ yếu của tỉnh nhờ đó đã không ngừng được nâng lên cả về số lượng lẫn chất lượng. Trong đó, riêng năm 2004 toàn tỉnh đã xuất khẩu tới 23.000 tấn cao su (tăng gấp 11 lần so với những năm đầu thập niên 1990); 6.500 tấn hạt điều (tăng 5,4 lần); 5.000 tấn tiêu (tăng 4,8 lần) và 2.550 tấn mật ong (tăng gấp 22 lần), góp phần đưa giá trị kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp lên 180 triệu USD, tăng tới 9,2 lần. Nhiều mặt hàng năng suất xuất khẩu của Đồng Nai như: cà phê, hạt điều nhân... đã được tổ chức Quốc tế BVQI cấp giấy chứng nhận về chất lượng sản phẩm, nguồn gốc nguyên liệu, điều kiện sản xuất và an toàn thực phẩm.

Trong chăn nuôi, nhờ đã hình thành tập quán chăn nuôi gia súc, gia cầm theo kiểu công nghiệp với quy mô lớn từ nhiều năm trước và Đồng Nai lại là nơi có rất nhiều xí nghiệp chế biến thức ăn gia súc chất lượng cao hoạt động, gắn với một thị trường tiêu thụ rộng lớn, bao gồm cả các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh và TP. Hồ Chí Minh nên ngành chăn nuôi Đồng Nai 30 năm qua đã phát triển khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng nhanh. Toàn tỉnh, tính đến năm 2005 đã phát triển lên tới hơn 1 triệu con heo (tăng 16 lần so với năm 1976); hơn 74.500 con bò (tăng 4,5 lần) và 7,3 triệu con gia cầm, tăng 12 lần so với những năm đầu mới giải phóng...

* Tiếp tục hướng đến mục tiêu: sản xuất vì thị trường

Theo nhận định của các nhà chuyên môn, trong 30 năm qua, ngành sản xuất nông nghiệp Đồng Nai mặc dù có đạt được một số kết quả nhất định nhưng thực tế vẫn phát triển chưa đều và chưa thực sự vững chắc. Tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn có diễn ra nhanh ở TP Biên Hòa và các huyện: Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom, nhưng lại diễn ra khá chậm ở một số khu vực khác, trong đó có các huyện: Tân Phú, Định Quán, Cẩm Mỹ... Việc phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn đến nay vẫn còn yếu, nhiều nơi vẫn chưa gắn được vùng nguyên liệu nông nghiệp với công nghiệp chế biến. Đó là chưa kể, người nông dân đến nay vẫn còn đang tiếp tục phải “đối mặt” với những khó khăn, thách thức lớn do những biến động về giá cả ngoài thị trường, nhất là đối với các mặt hàng xăng dầu và các loại vật tư, nguyên liệu phục vụ "đầu vào" cho sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, việc xây dựng các mô hình hợp tác, liên kết giữa nông dân với nông dân và giữa nông dân với các đơn vị làm dịch vụ nông nghiệp và các đơn vị sản xuất, thương mại, kinh doanh tiền tệ đến nay do vẫn chưa được triển khai phát triển rộng khắp, ảnh hưởng không ít đến quá trình xây dựng và phát triển một nền nông nghiệp bền vững, hướng đến mục tiêu: sản xuất vì thị trường...

Để khắc phục những yếu kém nói trên và để tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, bên cạnh tập trung mọi nguồn lực, tạo bước phát triển đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động nông thôn theo tinh thần Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, việc xây dựng kế hoạch và có biện pháp đầu tư nhằm thực hiện nhanh chuyển dịch cơ cấu cây trồng-vật nuôi theo hướng xây dựng vùng chuyên canh gắn với công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ và có khả năng tham gia xuất khẩu... cũng đang là những vấn đề được các nhà chuyên môn xác định cần phải sớm được tính toán tới. Trong đó không loại trừ cả việc đẩy mạnh xây dựng các làng nghề truyền thống ở nông thôn; khuyến khích phát triển các hợp tác xã, các trang trại trồng trọt, chăn nuôi lớn; tiếp tục đẩy nhanh cơ giới hóa và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ theo hướng sản xuất ra các sản phẩm sạch, có năng suất cao, chất lượng tốt và đồng đều để tạo điều kiện cho các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn Đồng Nai có khả năng cạnh tranh, tiêu thụ tốt trên thị trường trong và ngoài nước...

Hồ Chừng

 
Tin xem nhiều