Báo Đồng Nai điện tử
En

Sau một năm gia nhập WTO: Thời gian để nhận diện chính mình

08:01, 04/01/2008

Ngày 7-11-2006, Việt Nam được kết nạp vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và ngày 11-1-2007 Việt Nam chính thức trở thành thành viên đầy đủ của WTO. Một năm mới chỉ là khởi đầu cho việc Việt Nam hội nhập và tiếp cận với "luật chơi" của một thị trường toàn cầu không ranh giới. Do vậy, khó mà tính toán rành rẽ đâu là những tác động đích thực của WTO, của AFTA hay của Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ...

Ngày 7-11-2006, Việt Nam được kết nạp vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và ngày 11-1-2007 Việt Nam chính thức trở thành thành viên đầy đủ của WTO. Một năm mới chỉ là khởi đầu cho việc Việt Nam hội nhập và tiếp cận với  "luật chơi" của một thị trường toàn cầu không ranh giới. Do vậy, khó mà tính toán rành rẽ đâu là những tác động đích thực của WTO, của AFTA hay của Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ... Nhưng có thể nói, từ thực tế tăng trưởng kinh tế cao của cả nước và Đồng Nai  trong năm 2007  cũng là dịp nhìn lại 1 năm để tiếp tục đi tới với hiệu quả cao hơn  trên con đường ra biển lớn, hội nhập toàn cầu...

 

* Lạc quan và kỳ vọng

 

Có thể nói, những con số tổng kết năm 2007 đã phần nào đánh giá sự phấn khởi, lạc quan của người dân Việt Nam, của các nhà đầu tư nước ngoài  khi dòng vốn đổ vào thị trường khá nóng.  Hơn 20 tỷ USD từ thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là một con số kỷ lục; dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) ước lượng cũng từ 5 - 8 tỷ USD; bên cạnh đó là dòng vốn dân cư chảy vào thị trường chứng khoán và bất động sản chưa thể thống kê được nhưng ước tính nhiều hơn gấp hai lần vốn FII; vốn đầu tư từ khu vực kinh tế dân doanh tăng 19,5%...; xuất khẩu tăng hơn 20% so với năm trước và nhập khẩu cũng lên tới 57 tỷ USD... Những con số trên đã góp phần tạo nên tăng trưởng GDP  8,5% cũng là một kỷ lục của 10 năm qua.

Hiệu ứng này có thể giải thích về sự chuẩn bị tham gia từ trước của các nhà đầu tư nước ngoài vào sự phát triển nền kinh tế VN. Họ chờ đợi các cam kết song phương, khu vực và WTO có hiệu lực là bắt đầu đổ vốn vào VN, triển khai các dự án đầu tư. TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế,  nhận định : "Các nhà đầu tư nước ngoài đã chuẩn bị từ lâu, họ chỉ đợi VN là thành viên WTO, hàng hóa xuất khẩu của VN được giảm thuế, đối xử bình đẳng hơn trên trường thế giới là họ nhanh chóng triển khai các dự án đầu tư". Còn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì cho rằng khoảng 50.000 DN thành lập mới trong năm, tăng khoảng 20% so với năm trước, cũng là một tín hiệu về sự tin tưởng, nhạy cảm  của người dân vào chính sách làm giàu cho đất nước, cho bản thân.

Cả nước là vậy, còn ở Đồng Nai thì GDP cũng tăng hơn 15%, thu hút FDI đạt mức kỷ lục với khoảng 2,67 tỷ USD, tăng 2,4 lần so với năm 2006 ; trong đó 54% thuộc ngành dịch vụ. Thu hút vốn đầu tư trong nước vào Đồng Nai cũng tăng hơn 2 lần so với năm ngoái với 53 dự án, tổng vốn đầu tư trên 16.700 tỷ đồng, tạo ra hàng chục ngàn công việc mới cho xã hội. Đó là những tín hiệu lạc quan để có thể kỳ vọng vào sự phát triển của đất nước trong những năm tới.

 

* Vấn nạn và yếu kém

 

Cũng chính vào thời điểm tổng kết những kết quả đạt được của năm đầu tiên gia  nhập WTO, các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý và chuyên gia kinh tế đã thấy được nền kinh tế còn bộc lộ những yếu kém, những vấn nạn của một nước đang trên đường phát triển như Việt Nam. Sự quá tải về cầu cảng, bến bãi, kho tàng; sự ùn tắc giao thông ngày càng gia tăng trong khoảng nửa năm lại đây tại các trung tâm, thành phố lớn đã làm nản lòng các nhà đầu tư và làm giảm sự tăng tốc của nền kinh tế. Điều này cho thấy một tầm nhìn trong quy hoạch chưa đủ xa, chưa đủ rộng để đi trước, đón đầu cho một đất nước phát triển trong vài chục năm, thậm chí 50 năm và xa hơn nữa.

Chỉ riêng sự quá tải trong hạ tầng giao thông đã nảy sinh biết bao phiền toái, tác động dây chuyền đến các sinh hoạt xã hội, gia tăng tai nạn giao thông, cầu đường xuống cấp nhanh... Đó còn là các dịch vụ  đáp ứng cho nhu cầu phát triển cũng chưa  theo kịp; khách sạn, khu vui chơi giải trí cho cộng đồng, cho khu vực dân sinh hay cụm khu công nghiệp. Trong lúc các KCN mọc lên ngày càng dày, dân cư thành thị đông lên nhưng diện tích dành cho cây xanh - lá phổi của thị thành; dành cho  công viên rất ít. Thanh thiếu niên và lực lượng công nhân, người thành thị sẽ thư giãn, vui chơi ở đâu ngoài những khu dân cư đông đúc, chật chội? Các thủ tục hành chính cũng chưa cải tiến triệt để, ý chí cải cách thể hiện ở cấp chính phủ nhưng thực thi ở các ngành, các cấp vẫn chưa tốt, tiếng ta thán của người dân cũng như nhà đầu tư trong nước và nước ngoài vẫn còn khi phải đối mặt với thủ tục hành chính...

Kim ngạch nhập khẩu 57 tỷ USD trong năm 2007 cũng là một kỷ lục. Nhìn ở khía cạnh tích cực thì  việc nhập các máy móc thiết bị cho sản xuất là tốt nhưng nhìn ở góc độ kiểm soát tài chính thì mức độ nhập siêu 9 tỷ USD không phải là chuyện nhỏ. Ở đây còn bộc lộ sự yếu kém của ngành công nghiệp phụ trợ nên đa phần các nguyên phụ liệu cho sản xuất của ngành dệt da, may mặc, xe ôtô, xe gắn máy... đều nhập ngoại. Nguồn vốn FDI vào nhanh và nhiều, nhập siêu lớn và một số bất hợp lý khác từ thực tiễn quản lý điều hành và từ nền kinh tế nước ta đã góp phần vào tốc độ lạm phát tăng nhanh. Người dân hưởng lợi từ WTO chưa nhiều nhưng trước mắt đã thấy  phải chạy theo giá xăng dầu, giá thực phẩm, giá hàng hóa - dịch vụ tăng cao... Những nông dân và công nhân, những người nghèo thành thị và người ăn lương nhà nước là những đối tượng bị tác động từ yếu tố lạm phát nhiều nhất,  sâu sắc nhất. Khoảng cách giàu - nghèo do vậy lại kéo rộng ra sau bao nhiêu năm cố gắng thu hẹp khoảng cách... Chất lượng cuộc sống  chưa được tăng lên so với mức tăng trưởng của nền kinh tế.

 

* Phát triển nhưng phải bảo đảm tính bền vững

 

Ngay ở Đồng Nai, khi sơ kết một năm hội nhập kinh tế quốc tế, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành hỏi các lãnh đạo ngành và địa phương  về  các giải pháp tập trung cho nông nghiệp - nông thôn sắp tới nên làm theo hướng nào cho có hiệu quả, nhưng ít có câu trả lời sốt sắng từ bức tranh thực tiễn hay phản biện về những bất hợp lý đang đặt ra ở  lĩnh vực này. Đây là một minh chứng cho cách nghĩ, cách làm đối với nông nghiệp - nông thôn thời gian qua cũng chưa chắc chắn và bài bản. Các chuyên gia nhận định rằng với nền kinh tế chưa mạnh, hơn 70 % dân cư sống ở nông thôn, nền nông nghiệp Việt Nam và dân cư nông thôn là khu vực dễ bị tổn thương nhất bởi những tác động từ các cam kết mở cửa lĩnh vực nông nghiệp. Ở Đồng Nai vùng nào trồng cây gì, nuôi con gì, phương pháp canh tác và  đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho nông thôn ra sao để vừa phù hợp với các tiêu chuẩn WTO, vừa đem lại hiệu quả bền vững cho nông thôn Đồng Nai hiện vẫn chưa có lời giải.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế:

"Năm 2007, chúng ta đã vào đường băng nhưng cất cánh như thế nào, có phải quay trở về mặt đất hay không thì tùy thuộc vào bản lĩnh của chúng ta. Bộ máy Nhà nước phải hoạt động có hiệu quả hơn, chống tham nhũng phải nghiêm thì mới thể hiện cam kết về cải cách của Chính phủ, tạo đà cho sự cất cánh. Tôi nghĩ năm 2007 sẽ giúp chúng ta có cái nhìn tỉnh táo hơn về những mặt được và chưa được, sẽ có những chuyển hướng hợp lý nhằm tạo sự tăng trưởng bền vững, chất lượng cuộc sống nâng lên thật sự".

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hội da giày TP. Hồ Chí Minh:

"Năm nay ngành dệt may, da giày thực hiện giá trị xuất khẩu tăng khoảng 30% so với năm 2006, năm 2008 ước đạt 9,5 tỷ USD và năm 2010 có thể đạt 10 tỷ USD. Tuy nhiên, hàng rào thuế quan đang từ từ hạ xuống từ 20 - 30% cho lĩnh vực may và hơn 8% ở cho dệt. Bên cạnh đó là chúng ta còn chịu sự giám sát của Mỹ ngay khi ta gia nhập WTO. Khó khăn  vẫn còn ở phía trước nhưng cái thiếu và yếu của chúng ta về công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may, da giày và nguồn nhân lực đang là thách thức lớn đối với ngành trong tương lai.

Bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu Đoàn Thạnh:

"Tôi nghĩ cần phải xem xét vấn đề phát triển nông nghiệp - nông thôn trên cái nền sẵn có và nét văn hóa  của nông thôn. Ví dụ nên áp dụng tiêu chuẩn nông nghiệp sạch, an toàn ở đâu, nhóm cây - con nào là phù hợp và phải tính đến yếu tố nhà - vườn của người nông dân miền Đông. Đến bây giờ mà chúng ta còn cứ mãi loay hoay trồng cây gì, nuôi con gì thì làm sao mà cạnh tranh được với WTO!".

                                                                K.L

Một số ý kiến từ các cuộc hội thảo nhân một năm VN gia nhập WTO cho thấy các nhà  nghiên cứu, các chuyên gia kinh tế, các nhà quản lý và các doanh nghiệp cũng đã xới xáo lên những vấn đề  còn yếu kém, còn bất hợp lý để cùng hướng đến một tầm nhìn xa hơn; một chiến lược phát triển vững chắc hơn, hiệu quả hơn. Nhiều doanh nhân đã đưa ra vấn đề liên kết ngành, liên kết vùng nhằm tạo ra những cơ hội mới trong chuỗi giá trị của nền kinh tế. Đây là cách nhìn nhận xác thực hơn trong  cuộc cạnh tranh của thời hội nhập toàn cầu...

Các chuyên gia cũng khuyến cáo các DN không nên  bung ra quá đà vượt tầm quản lý, kiểm soát của mình; nhất là việc lao vào "đa ngành, đa lĩnh vực" đầu tư vào bất động sản, chứng khoán... Những bài học đổ vỡ từ nhà đất, chứng khoán đã dẫn đến khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997 và hiện nay là nền kinh tế Mỹ cũng đang gặp khó khăn do đầu tư vào bất động sản quá nhiều.

Kim Loan

 

 

 

 

Tin xem nhiều