Báo Đồng Nai điện tử
En

Một số vấn đề cần được quan tâm về Hiệp định hàng rào kỹ thuật thương mại

09:10, 31/10/2007

Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại (gọi tắt là Hiệp định TBT) được hiểu là những tiêu chí áp dụng trong quan hệ thương mại đối với hàng hóa của các quốc gia là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nhằm đảm bảo lợi ích của các nước thành viên và lợi ích của cộng đồng thế giới.

Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại (gọi tắt là Hiệp định TBT) được hiểu là những tiêu chí áp dụng trong quan hệ thương mại đối với hàng hóa của các quốc gia là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nhằm đảm bảo lợi ích của các nước thành viên và lợi ích của cộng đồng thế giới. Dựa trên các tiêu chí của Hiệp định này, các quốc gia đề ra quy định TBT cho mình. Theo đó, hàng hóa của các nước xuất khẩu phải phù hợp với các quy định và tiêu chuẩn của nước nhập khẩu, trường hợp vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc vi phạm những quy định khác hàng hóa sẽ bị trả lại v.v... Chẳng hạn như mới đây, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã ra thông báo về việc Hải quan Nhật Bản phát hiện hai lô hàng có trọng lượng gần 300.000 kg gạo tẻ của Việt Nam có dư lượng acetarmiprid 0,03ppm, cao gấp ba lần tiêu chuẩn cho phép là 0,01ppm được quy định trong Luật Phòng dịch thực vật của Nhật. Tất nhiên, kèm với việc ra thông báo, phía Nhật Bản đã buộc các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam phải "ngậm ngùi" nhận lại hai lô hàng nói trên mà chẳng thể "kêu ca" gì được. Tương tự như vậy, trong năm 2007, Thái Lan, Jamaica, Israel, Trung Quốc, Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác cũng ra hàng loạt thông báo TBT về tiêu chuẩn hàng nhập khẩu áp dụng cho nhiều loại sản phẩm hàng hóa đến từ các nước khác... 

Việc thực hiện hàng rào kỹ thuật thương mại dưới hình thức các thông báo TBT là hoạt động thường xuyên của các quốc gia, nhằm bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng trong nước, đồng thời bảo vệ lợi ích của cộng đồng quốc tế.

Ở nước ta, từ ngày 26-5-2005, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt Đề án triển khai thực hiện Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại (giai đoạn 2006-2010) nhưng đến nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm. Cái giá phải trả cho sự bất cẩn này là một số sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của nước ta như: tôm sú, gạo, cà phê, hàng dệt may... đã  liên tục bị các đối tác trả lại, vì không đảm bảo quy chuẩn quốc tế. Như vậy, muốn hàng hóa xuất sang nước ngoài không bị dội lại, đặc biệt là sang những thị trường khó tính như: EU, Mỹ, Nhật Bản..., thì nhà sản xuất không còn cách nào khác là phải nâng cao chất lượng sản phẩm, thường xuyên cập nhật thông tin về TBT. Sắp tới đây, một số sản phẩm như da giày, giấy, đồ gỗ... còn phải dán nhãn sinh thái mới được xuất đi để đảm bảo nguyên liệu sản xuất không lấy từ tài nguyên thiên nhiên, nhằm bảo vệ sự đa dạng của môi trường sinh thái.

Ở Đồng Nai, Ban liên ngành TBT đã được thành lập từ năm 2006 gồm nhiều cơ quan, đơn vị là thành viên có văn phòng đặt tại Sở Khoa học công nghệ (KH-CN). Tại cuộc họp sơ kết sau một năm hoạt động được tổ chức vào ngày 18-10 cho thấy, tuy còn nhiều bỡ ngỡ, song bước đầu Văn phòng TBT Đồng Nai đã tích cực tuyên truyền, phổ biến về TBT, xuất bản bản tin, giải đáp một số câu hỏi của các doanh nghiệp, nhà sản xuất, xúc tiến thành lập Website v.v... Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là mới chỉ có các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chú ý thực hiện TBT, còn khá nhiều doanh nghiệp của người Việt vẫn "bỏ qua", vì sợ hao tổn kinh phí và mất nhiều thời gian. Đây là điều đáng lo ngại vì các tranh chấp thương mại vẫn thường xuyên diễn ra, hàng hóa không đảm bảo chất lượng thường xuyên bị phát hiện. Nếu không chú ý thực thi các điều khoản của TBT, doanh nghiệp sẽ đối mặt với nguy cơ thất bại (ví dụ như vụ nước tương có chứa 3MCPD; rau quả tồn dư thuốc bảo vệ thực vật...). Rõ  ràng ngoài sự nỗ lực của cơ quan chức năng, các nhà sản xuất, kinh doanh trong tỉnh cần nâng cao nhận thức, nghiêm chỉnh thực hiện các quy định của TBT, đồng thời chủ động nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn phù hợp cho sản phẩm của mình căn cứ trên tiêu chuẩn quốc tế (ví dụ như TBT Đồng Nai xây dựng tiêu chuẩn cho bưởi Tân Triều). 

WTO không phải là một cái "chợ quê", một khi đã gia nhập thì muốn hay không, chúng ta cũng phải tuân theo "luật chơi" chung, không có sự "ngoại lệ".

Hồng Ngọc

Tin xem nhiều