Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỷ nguyên mới về đầu tư và thương mại cho Việt Nam

03:01, 11/01/2007

Kể từ hôm nay 11/1, Việt Nam chính thức là thành viên đầy đủ của WTO. Với tấm thẻ thành viên WTO, Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới và mở ra một kỷ nguyên mới về đầu tư và thương mại - Đó là bình luận của AP nhân sự kiện Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO.

Đại sứ Việt Nam tại WTO Ngô Quang Xuân bên tấm biểu ngữ chào mừng Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO trước trụ sở WTO ở Geneva(Thụy Sĩ) ngày 10/1/2007 .Ảnh : AFP.

Kể từ hôm nay 11/1, Việt Nam chính thức là thành viên đầy đủ của WTO. Với tấm thẻ thành viên WTO, Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới và mở ra một kỷ nguyên mới về đầu tư và thương mại - Đó là bình luận của AP nhân sự kiện Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO.

Hãng AP nhận xét:
Việc Việt Nam chính thức gia nhập WTO "mở ra kỷ nguyên thương mại và đầu tư mới ở một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới". Việc gia nhập WTO của một nước có mức tăng trưởng kinh tế trung bình hơn 7%/năm trong suốt thập kỷ qua thực sự là một tin tốt lành cho tổ chức thương mại toàn cầu này.

Theo AP, trong hai thập kỷ qua, Việt Nam đã tiến hành những cải cách theo hướng tự do hóa thị trường và đang giành được lòng tin ngày càng tăng của giới đầu tư nước ngoài. Năm 2006, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã đạt mức kỷ lục trên 10 tỷ USD năm 2006.

Tờ Times có bài viết tiêu đề Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO nêu rõ: Khi Việt Nam là thành viên đầy đủ của WTO hôm nay, nước này sẽ càng thịnh vượng hơn. Công nghiệp may mặc, thủy sản và nhiều sản phẩm xuất khẩu khác mang hy vọng lớn, từ các trang trại đến những công ty bảo hiểm đầu sẵn sàng cho làn sóng mới, đối mặt với cạnh tranh nước ngoài.

Các nhà kinh tế học dự báo rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục đạt mức tăng trưởng 8% trong tương lai. Theo Martin Rama, nhà kinh tế học thuộc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nước này đã được hưởng lợi từ việc là thành viên của WTO thậm chí cả trước khi chính thức gia nhập. Nếu nhìn vào tổng mức đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Việt Nam năm ngoái, bạn sẽ thấy rõ thực tế này.

Còn BBC bình luận: 12 năm chờ đợi, Việt Nam đã gia nhập WTO. Những người ủng hộ thì khẳng định, tư cách thành viên sẽ tạo ra sự bùng nổ trong xuất khẩu, đặc biệt ở những ngành công nghiệp thực phẩm hay dệt may và thu hút đầu tư nước ngoài.

Những người phê bình thì quan ngại rằng, áp lực cạnh tranh gia tăng sẽ có thể ảnh hưởng lớn đến những nhà sản xuất, công ty địa phương.

Thậm chí trước khi trở thành thành viên chính thức của WTO vào hôm nay, rất nhiều hãng nước ngoài đã tăng cường sự hiện diện của mình tại Việt Nam. Gia nhập WTO ngày 11/1 là một ngày lịch sử của đất nước, ông Lê Đăng Doanh, nhà kinh tế học Việt Nam nhấn mạnh. "Việt Nam chấp nhận gia tăng cạnh tranh, và cạnh tranh sẽ làm kinh tế sôi động hơn.

Trong bài viết nhan đề: Việt Nam đón nhận làn sóng đầu tư khi là thành viên mới nhất của WTO mà DPA đăng tải, đã đánh giá: Việt Nam đặt ra mục tiêu thu hút 11 tỉ USD đầu tư nước ngoài trong năm nay. Tất cả mọi người đều chuẩn bị cho sự bùng nổ kinh tế, ông Lương Văn Tự, Thứ trưởng bộ Thương mại Việt Nam nói. Kết quả đầu tiên của việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới mà chúng tôi có thể nhìn thấy năm nay là sự gia tăng về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Cũng trong hôm nay, Cơ quan Phát triển Thương mại Mỹ sẽ trao cho Đại sứ Việt Nam tại Washington bằng công nhận Việt Nam là đất nước của năm 2006

Rất nhiều nhà đầu tư dường như cũng tán thành quyết định của Cơ quan Phát triển Thương mại Mỹ. Năm ngoái được coi là năm thành công nhất về đầu tư trực tiếp nước ngoài kể từ khi Việt Nam tiến hành công cuộc cải cách kinh tế 20 năm trước đây.

Tiếp theo việc Hà Nội tổ chức thành công Hội nghị các nhà lãnh đạo Kinh tế APEC, tháng 11 và 12 đã chứng kiến những con số đầu tư mới, đưa tổng mức đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2006 lên tới 10,2 tỉ USD - vượt xa mục tiêu 6 tỉ USD đặt ra trong năm.

Cũng dễ dàng để hiểu sức hút của Việt Nam. Đất nước này có lực lượng lao động trẻ phong phú, giáo dục tốt với 57% dân số dưới 30 tuổi, mức lương nhân công thậm chí còn thấp hơn Trung Quốc. Thêm vào đó, một số nước láng giềng như Thái Lan, Indonesia đang phải đối mặt với nhiều bất ổn, thì Việt Nam có thể tự hào vì nền chính trị ổn định.

Tuy nhiên, trở thành thành viên WTO, Việt Nam cũng sẽ đối mặt với sự cạnh tranh mới từ những công ty nước ngoài. Việt Nam buộc phải chấp thuận những điều khoản ngặt nghèo đòi hỏi mở cửa thị trường nội địa trong lĩnh vực dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm, phân phối bán lẻ nhanh hơn mọi thành viên trước phải làm. Ví dụ, Việt Nam phải cho phép các ngân hàng nước ngoài tiếp cận đầy đủ thị trường trong tháng 4 năm nay - chỉ bốn tháng sau khi là thành viên đầy đủ của WTO.

Trung Quốc thì có ít nhất năm năm để mở cửa thị trường ngân hàng và gần đây mới hoàn tất việc này.

Điều đó có nghĩa là những ngân hàng quốc doanh của Việt Nam sẽ chịu tác động lớn, thực tế tương tự sẽ xảy ra trong những ngành công nghiệp mà doanh nghiệp nhà nước chiếm ưu thế như bảo hiểm hay bán lẻ. Những công ty quốc doanh hay tư nhân trong nước sẽ buộc phải tăng sức cạnh tranh hơn hoặc đi tới chỗ phá sản. Tuy nhiên, những thách thức khi gia nhập WTO sẽ được bù đắp bởi quyền lợi của 84 triệu dân Việt Nam. Đó là cơ hội tốt cho người tiêu dùng, Jonathon Pincus, nhà kinh tế học hàng đầu thuộc Chương trình phát triển LHQ tại Việt Nam cho biết. Họ sẽ có sự lựa chọn rộng rãi và đón nhận các sản phẩm chất lượng hơn.

Hầu hết người dân Việt Nam đều đồng ý rằng, WTO mang lại ưu thế nhiều hơn bất lợi.

(theo TTXVN)

Tin xem nhiều