Đánh giá của các công ty Nhật Bản trong báo cáo điều tra mới nhất của JBIC về triển vọng đầu tư tại Việt Nam cho thấy, Việt Nam hiện xếp thứ 3 về mức độ hấp dẫn các nhà đầu tư Nhật, chỉ đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Đánh giá của các công ty Nhật Bản trong báo cáo điều tra mới nhất của JBIC về triển vọng đầu tư tại Việt Nam cho thấy, Việt Nam hiện xếp thứ 3 về mức độ hấp dẫn các nhà đầu tư Nhật, chỉ đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Vị trí này của Việt Nam đã tăng 1 bậc so với năm ngoái và Việt Nam đã vượt lên thế chỗ của Thái Lan trong bảng kết quả điều tra này.
Canon đã có 3 nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Tập đoàn này chọn Việt Nam làm điểm sản xuất cho cả khu vực. (Ảnh: Phước Hà) |
Các yếu tố được đánh giá cao khiến sức hấp dẫn của Việt Nam tăng lên là nhân công rẻ, tiềm năng thị trường và khả năng phân tán rủi ro. Qua điều tra cho thấy, yếu tố nhân công rẻ vẫn là yếu tố hàng đầu hấp dẫn các nhà đầu tư nhưng tỷ lệ đã giảm đi. Trong khi đó tiềm năng tăng trưởng của thị trường lại đang tăng lên và khả năng phân tán rủi ro, mà cụ thể ở đây là việc giảm tập trung rủi ro vào Trung Quốc vẫn là một trong những lý do chính.
Tuy nhiên, qua điều tra, các công ty Nhật Bản đã nói đến những tồn tại lớn nhất của Việt Nam là cơ sở hạ tầng kém phát triển, thể chế pháp luật vận hành chưa rõ ràng và hệ thống pháp luật kém phát triển. Trong đó cơ sở hạ tầng với hai vấn đề chính là: thiếu điện năng và đường sá yếu kém được các nhà đầu tư nhấn mạnh.
Điều tra này đã lý giải một phần làn sóng đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam. Theo số liệu thống kê, năm 2005 đã có tới 922 triệu USD đầu tư vào Việt Nam. Đến hết tháng 10/2006 đã có 190 dự án với trị giá 844 triệu USD của Nhật đầu tư vào Việt Nam và con số này sẽ tăng lên trong những tháng cuối năm. Hiện nay, Nhật Bản đứng thứ 3 trong số các nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam.
Đánh giá của các chuyên gia JBIC, đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam sẽ tăng lên trong thời gian tới. Ngoài sự hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam. Mối quan hệ hợp tác giữa hai nước đang được nâng lên. Trong hợp tác về đầu tư, hai nước đã hoàn thành giai đoạn 1 của sáng kiến chung Việt - Nhật một cách thành công. Giai đoạn hai của sáng kiến này đang được hai bên triển khai một cách tích cực nhằm hỗ trợ đầu tư mạnh mẽ hơn.
Mới đây, trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Nhật và Thủ tướng Abe sang Việt Nam, hai bên tiếp tục đạt được những thỏa thuận quan trọng về đẩy mạnh quan hệ đầu tư và thương mại. Trong đó có việc tiếp tục thực hiện sáng kiến chung Việt - Nhật và nhanh chóng triển khai việc đàm phán Hiệp định Kinh tế song phương Việt - Nhật trong năm 2007 tới.
Theo VietNamNet