Đầu tư ra nước ngoài của DN Việt Nam ngày càng sôi động, xu hướng này sẽ ngày càng phát triển khi hành lang pháp lý trong nước đang dần hoàn thiện và những thuận lợi do hội nhập kinh tế mang lại được phát huy.
Đầu tư ra nước ngoài của DN Việt Nam ngày càng sôi động, xu hướng này sẽ ngày càng phát triển khi hành lang pháp lý trong nước đang dần hoàn thiện và những thuận lợi do hội nhập kinh tế mang lại được phát huy.
Năm 2006, tính chung cả cấp mới và nâng vốn các DN Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài số vốn 347 triệu USD. Mức này chỉ xấp xỉ bằng năm 2005 nhưng được ghi nhận là rất tích cực vì trong năm 2005, vốn tăng đột biến là do có dự án thuỷ điện Xekaman 3 tại Lào với tổng đầu tư 273 triệu USD được cấp phép. Năm 2006, không có các dự án lớn nhưng số dự án lại tăng lên đáng kể.
Việt Nam có nhiều dự án trồng cao su tại Lào và Campuchia. (Ảnh: Vinanet) |
Trong tổng số dự án đầu tư ra nước ngoài, có 33 dự án được cấp mới với số vốn 136,5 triệu USD. Có 4 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng đầu tư là 211,2 triệu USD.
Với kết quả này, tính đến nay Việt Nam đã có 183 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng số vốn hơn 968 triệu USD. Các dự án của Việt Nam chủ yếu tập trung trong lĩnh vực công nghiệp mà chủ yếu là khai thác dầu khí và phát triển nguồn điện (chiếm 40,09% số dự án nhưng lại nắm giữ 74,5% số vốn đầu tư). Tiếp theo là lĩnh vực nông nghiệp 19,6% số dự án và 13,3% số vốn đầu tư. Số vốn còn lại tập trung các lĩnh vực thương mại - dịch vụ.
Phần lớn các dự án đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam tập trung chủ yếu tại hai địa bàn là Lào (63 dự án có tổng số vốn đầu tư 416,3 triệu USD) và Liên bang Nga (11 dự án với 73,06 triệu USD vốn đầu tư). Tuy nhiên, hiện dự án thăm dò khai thác dầu thô tại Angeri của Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam đã phát hiện ra dòng dầu thương mại, nên vốn đầu tư được tăng thêm 208 triệu USD nâng tổng số vốn thành 243 triệu USD.
Theo Bộ KH-ĐT, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các DN Việt Nam sẽ ngày càng sôi động. Trước hết là do các DN trong nước sau một thời gian phát triển đã có khả năng tài chính và quan tâm mở rộng địa bàn hoạt động sản xuất kinh doanh bằng việc đầu tư ra nước ngoài nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tiết kiệm chi phí đầu tư sản xuất, chi phí vận tải và khai thác những lợi thế của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong năm 2006, Luật Đầu tư được ban hành, Nghị định hướng dẫn đầu tư ra nước ngoài được xây dựng đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài thuận lợi hơn. Hiện nay, Đề án khuyến khích đầu tư ra nước ngoài đang được Bộ KH-ĐT xây dựng để trình Chính phủ ban hành trong đầu năm 2007. Đề án sẽ cụ thể hoá các chính sách khuyến khích đầu tư, khuyến khích đầu tư vào các địa bàn và lĩnh vực.
Năm 2007, khi Việt Nam đã là thành viên chính thức của WTO, cộng với những chính sách khuyến khích của Chính phủ thì xu hướng đầu tư ra nước ngoài của DN Việt Nam càng thêm sôi động. Dự kiến năm 2007, đầu tư ra nước ngoài sẽ đạt trên 300 triệu USD.
(Theo VietNamNet)