Tiến tới ngày doanh nhân Việt Nam 13-10: Tìm đâu ra những CEO Việt Nam trong thời kỳ hội nhập toàn cầu?

09:10, 05/10/2006

Sáng ngày 1-10, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế (IDR), Trường đại học Kinh tế và báo Người Lao Động đã phối hợp tổ chức chương trình "CEO trong thế giới phẳng" với sự tham gia của khoảng 500 đại biểu gồm các giáo sư, tiến sĩ kinh tế và nhiều doanh nhân thành đạt. Dưới đây là ghi nhận của phóng viên báo Đồng Nai.

Các doanh nhân đăm chiêu về yêu cầu CEO chuyên nghiệp hóa trong thời kỳ mới.

Sáng ngày 1-10, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế (IDR), Trường đại học Kinh tế và báo Người Lao Động đã phối hợp tổ chức chương trình "CEO trong thế giới phẳng" với sự tham gia của khoảng 500 đại biểu gồm các giáo sư, tiến sĩ kinh tế và nhiều doanh nhân thành đạt. Dưới đây là ghi nhận của phóng viên báo Đồng Nai.

 

* Thế nào là một CEO ?

 

Theo GS.TS Hồ Đức Hùng, Viện trưởng IDR, toàn cầu hóa là chuyện đương nhiên. Không chỉ các quốc gia, những tập đoàn, công ty, mà cả cá nhân ở khắp nơi trên hành tinh này đều có thể kết nối, cung ứng với nhau nhằm tạo ra giá trị gia tăng ngày càng lớn hơn. "Thế giới phẳng" đồng nghĩa với hội nhập kinh tế, với toàn cầu hóa. Vậy chân dung một CEO (Chief Executive Officer - giám đốc điều hành) của Việt Nam có nên chăng bao gồm những đặc trưng sau: Thứ nhất, có tầm nhìn: đó là tư duy định hướng tốt, phù hợp với xu hướng biến đổi của môi trường kinh doanh, đặc biệt là môi trường kinh doanh toàn cầu; biết định hướng những hành vi để đạt những điều mong muốn trong tương lai xa. Thứ hai, có hình ảnh: biểu hiện của CEO là có năng lực, có kiến thức thật sự, có học vấn và tri thức cần thiết để chẳng những "làm đúng" mà còn "làm đúng việc đúng". Có 3 điều quan trọng tạo hình ảnh CEO là: văn hóa, cam kết/ gắn bó và đồng thuận. Thứ ba, có phong cách: một CEO là một  hội tụ của phong cách doanh nhân và phong cách lãnh đạo. Phong cách doanh nhân thể hiện ở độ nhạy bén trước cơ hội kinh doanh, chấp nhận rủi ro, thái độ tích cực, tinh thần lạc quan, say mê "làm giàu". Phong cách lãnh đạo thể hiện trước hết ở quyền lực, tinh thần tự chịu trách nhiệm. Thứ tư, ưa thích đổi mới: CEO cần có khả năng thích tìm tòi cái mới, cách suy nghĩ mới, cách làm việc mới, sản phẩm mới. Không "xói mòn, "bảo thủ", "biết thắng cuộc chơi".

Vậy CEO Việt Nam là ai? Theo TS. Lê Hữu Tịnh, Công ty TNHH 1 thành viên Tín Nghĩa  (tỉnh Đồng Nai), nếu đứng trên khái niệm CEO là giám đốc điều hành thì hiện nay ở Việt Nam có nhiều CEO đang nắm trọng trách điều hành những tập đoàn, tổng công ty, công ty của nhà nước và tư nhân. CEO là một nghề có nhiều khó khăn, không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả trên thế giới.

 

* Thách thức của CEO Việt Nam?

 

Theo TS. Tạ Thị Mỹ Linh, Tổng giám đốc Logistics Việt Nam, giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh, thách thức lớn đối với CEO Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa về kinh tế thể hiện ở trình độ học vấn và việc sử dụng các công cụ hiện đại phục vụ cho công việc điều hành kinh doanh. Mặt khác, các doanh nghiệp hiện tại của các CEO Việt Nam chủ yếu vẫn ở qui mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu, giá thành cao, chất lượng hàng hóa và dịch vụ thấp. Các thương hiệu của sản phẩm chưa có sức hút mạnh, văn hóa doanh nghiệp đang trong quá trình hình thành. Kinh tế nước ta đang trong quá trình chuyển đổi, hệ thống luật pháp đang từng bước hoàn thiện theo hướng quốc tế hóa. Do vậy, sự hiểu biết luật pháp quốc tế của các CEO Việt Nam, kể cả các cơ quan Nhà nước đang là vấn đề cần hết sức quan tâm. Một số vụ tranh chấp thương mại quốc tế mà Việt Nam bị khởi kiệt thời gian gần đây cho thấy còn có biểu hiện xa lạ với Luật Kinh doanh quốc tế.

Còn TS Lê Hữu Tịnh thì cho rằng, thách thức đối với  Việt Nam là phải thay đổi phong cách lãnh đạo. Điều quan trọng trước tiên là CEO phải là người thấy được trách nhiệm của mình và sẵn sàng nhường vị trí để làm sao cứu thoát công ty đang trì trệ và không ngừng phát triển. Điều quan trọng khác là phải thay đổi cách điều hành gia trưởng. Hiện nay thực trạng  này vẫn còn tồn tại ở nhiều DN Việt Nam. Đó là một "căn bệnh", cần phải có thời gian để điều trị. Một CEO khiêm tốn, không phô trương, tôn trọng cấp dưới sẽ làm cho tính cách lãnh đạo của CEO càng rõ nét hơn là thể hiện hình thức phô trương, quyền lực. Cũng nói về sự thay đổi, ông Giản Tử Trung, người sáng lập Trường Doanh nhân và Giám đốc PACE, nhìn nhận sự vận động, thay đổi của mỗi doanh nhân là cực kỳ quan trọng. Bởi, sau lưng mỗi doanh nhân là cả một "xã hội" (vì mỗi doanh nghiệp được xem là một xã hội thu nhỏ). Ông ví von "đa số DN Việt Nam như cá nhỏ sống trong ao nhỏ", nay hội nhập với thế giới không khác gì thả cá ra đại dương. Thay đổi, điều đầu tiên là đi từ khát vọng, từ ý chí, đến việc trang bị kiến thức, năng lực cần thiết... Và một điều không kém phần quan trọng là tư duy và tầm nhìn của doanh nghiệp phải ở phạm vi toàn cầu, biết biến sức mạnh của quốc gia thành sức mạnh của doanh nghiệp. Ông Bùi Văn Hải, Phó giám đốc Công ty kềm Nghĩa cho rằng, làm thế nào để phát huy năng lực, trí tuệ trong tổ chức là thách thức lớn nhất. Các quốc gia và trong từng doanh nghiệp, khi nói đến tăng trưởng bền vững phải xét đến 2 mặt là số lượng và chất lượng, trong đó chất lượng sẽ phụ thuộc vào cách biết khai thác các yếu tố có khả năng tạo ra giá trị gia tăng hay không. Xét ở góc độ doanh nghiệp, vốn vật chất có thể huy động từ bên ngoài, nhưng vốn nhân lực và trí thức để tạo ra giá trị gia tăng luôn là vấn đề bức xúc khi xét đến khía cạnh chất lượng tăng trưởng bền vững.

 

* Không bị "hòa tan" trong thế giới phẳng

 

Phó giám đốc Công ty kềm Nghĩa lý giải, muốn tồn tại và phát triển trong thế giới phẳng, các doanh nghiệp, các CEO phải suy ngẫm để biết được vị trí mình đang ở đâu trong tương quan với các chủ thể khác nhau trên thế giới này. Gia nhập WTO tất yếu là để phát triển, để không tụt hậu nhưng đồng thời cũng nhận thức rõ những khó khăn, thách thức mới mà chủ động đối phó để không rơi vào tình thế bị động. Thật hoàn mỹ nếu một doanh nghiệp có CEO biết tư duy, có định hướng tốt, có năng lực và trình độ học vấn uyên thâm để luôn bắt kịp thời và thích ứng với những thay đổi không ngừng của xã hội và không bị hòa tan trong bất cứ  môi trường nào.

Có lẽ doanh nhân Việt chẳng ai muốn có sự "hòa tan" trong một thế giới đã và đang thay đổi rất nhanh. Vì vậy, tuy tỏ ra rất sốt ruột trước thời cuộc nhưng có người lại chia sẻ nỗi băn khoăn "phong cách gia trưởng của CEO" mà Tiến sĩ Lê Hữu Tịnh đề cập. Có người cho rằng, phương Tây hành xử theo tính hệ thống, còn suy nghĩ và hành xử của những người châu Á nói chung, Việt Nam nói riêng lại mang tính truyền thống,  gia trưởng, nên dù muốn hay không cũng phải chấp nhận ở mức độ nào đó nếu như có lợi cho công việc. Tuy nhiên, dù có băn khoăn giữa phong cách hệ thống và truyền thống  nhưng các doanh nghiệp Việt Nam cũng khẳng định cần phải có những thay đổi phong cách CEO Việt Nam sao cho phù hợp và bắt kịp với yêu cầu chuyên nghiệp như các CEO quốc tế. Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.Hồ Chí Minh, Thạc sĩ Nguyễn Anh Ngọc cho rằng, nền nếp văn hóa quốc gia trong kinh doanh đã khiến cho Thụy Sĩ được xếp hạng nhất trong cạnh tranh chứ không phải Mỹ hay quốc gia nào khác! Vì vậy, dù doanh nghiệp hướng đến phong cách điều hành truyền thống hay hệ thống cũng phải thể hiện sự năng động, nhạy bén và sự liên kết, hợp tác để nắm bắt cơ hội, đạt được mục tiêu của DN với hiệu quả cao trên cái nền của văn hóa doanh nghiệp. Bởi, văn hóa doanh nghiệp  chính là tài sản của doanh nghiệp.

Các doanh nhân Việt đã bắt đầu cùng nhau bước ra biển lớn. Các CEO chính là những người lái tàu để vượt qua những sóng gió, bão táp của biển khơi để đưa con tàu doanh nghiệp cập bến an toàn và trở về vinh quang. Và, không thể chỉ hoạt động riêng lẻ từng con tàu mà phải tập hợp thành từng đoàn tàu Việt Nam hoạt động trên biển lớn, am hiểu luật lệ quốc tế. Điều này chỉ có thể trở thành hiện thực nếu như Việt Nam có hẳn một chương trình đào tạo quốc gia - như một "nhà máy sản xuất" các CEO. Vì, quốc gia đã hội nhập toàn cầu; từng cá nhân cũng là người của toàn cầu; vậy không chỉ dựa vào tài năng thiên phú hay cố gắng của mỗi người mà phải có một đội ngũ CEO chuyên nghiệp mang tầm quốc tế. Đồng Nai là một tỉnh năng động trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và để giữ được vị trí tiên phong này trong thời kỳ WTO rất cần phải đào tạo và xây dựng được một đội ngũ doanh nhân mới, trong đó có những CEO tài năng.

Kim Loan

 

Tin xem nhiều