Báo Đồng Nai điện tử
En

Taya hài hòa các lợi ích để phát triển sản xuất

10:03, 14/03/2006

Từ giữa tháng 2-2006, trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam có thêm một tên tuổi mới gia nhập, đó là Công ty cổ phần dây và cáp điện Taya Việt Nam với mã chứng khoán là TYA. Đây là doanh nghiệp (DN) có 100% vốn nước ngoài đầu tiên được cấp phép niêm yết cổ phần trên thị trường chứng khoán Việt Nam với vốn điều lệ 182,67 tỷ đồng; số lượng cổ phiếu niêm yết là 3.653.480 cổ phiếu (tương đương 20% vốn điều lệ).

Một góc phân xưởng sản xuất dây cáp điện ở Taya.

Từ giữa tháng 2-2006, trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam có thêm một tên tuổi mới gia nhập, đó là Công ty cổ phần dây và cáp điện Taya Việt Nam với mã chứng khoán là TYA. Đây là doanh nghiệp (DN) có 100% vốn nước ngoài đầu tiên được  cấp phép niêm yết  cổ phần trên thị trường chứng khoán Việt Nam với vốn điều lệ 182,67 tỷ đồng; số lượng cổ phiếu niêm yết là 3.653.480 cổ phiếu (tương đương 20% vốn điều lệ).

 

Tiếp tục đầu tư chiều sâu cho sản phẩm cáp và dây điện từ

 

Chúng tôi đến Taya trong thời điểm  rộn ràng với những lô hàng sản xuất ra chờ giao cho khách hàng. Tổng giám đốc Taya Việt Nam Trần Bính Sâm cho biết: "Công việc vẫn phát triển thuận lợi, giá cổ phiếu giao dịch đang ở mức 35.000đ/cổ phiếu. Giá tuy không cao lắm nhưng như vậy cũng đã là dấu hiệu tốt, chứng tỏ công chúng cũng rất quan tâm đến cổ phiếu của Taya". Ông Sâm còn cho biết, công ty đang chờ máy móc thiết bị nhập về để lắp đặt, mở rộng sản xuất và sản phẩm mới sẽ là dây cáp điện trung và cao áp. Vốn đầu tư cho việc mở rộng này khoảng 3 triệu USD.

Với hơn 12 năm hoạt động, Taya là một trong những DN có mặt sớm nhất tại KCN Biên Hòa II. Và, Taya đã dấn thêm một bước khi đặt chân lên sàn giao dịch chứng khoán - nơi mà các nhà đầu tư  chứng khoán mới quen giao dịch với cổ phiếu của các DN trong nước. Thật ra, Công ty Taya mẹ bên Đài Loan cũng đã có 15 năm kinh nghiệm hoạt động trên thị trường chứng khoán (TTCK) nên khi Chính phủ có chủ trương cho DN có vốn đầu tư nước ngoài cổ phần hóa thì Taya Việt Nam đã là một trong 6 đơn vị đầu tiên xin cổ phần hóa. Tiếp sau đó, công ty đã xin niêm yết ngay trên TTCK sau 5 tháng chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần. Lãnh đạo Taya VN cho rằng, đây là cách tiếp cận công chúng - khách hàng của Taya, làm cho tên tuổi Taya được biết đến nhiều hơn và Taya cũng muốn chia sẻ quyền lợi với khách hàng của mình.

Năm 2006, Taya đặt ra mức phấn đấu doanh thu tăng 25% ở nhà máy chính tại Đồng Nai và tăng 75% ở nhà máy đặt tại Hải Dương. Không phải Taya một mình một chợ với sản phẩm dây và cáp điện mà hiện nay tại thị trường nội địa có đến vài chục DN đang sản xuất  sản phẩm cùng loại. Trong đó có 6 DN sản xuất sản phẩm "y chang" như Taya. Taya cho rằng, mình mới chiếm khoảng 20% thị phần tại Việt Nam nhưng không vì thế mà ngần ngại, bởi thị trường đang phát triển như Việt Nam thì vẫn còn đủ chỗ cho các sản phẩm có uy tín, chất lượng bảo đảm và có chính sách khách hàng tốt.

 

Doanh nghiệp phát triển - không quên quyền lợi người lao động

 

Trong lúc mà "dịch đình công" có vẻ như chưa chịu dừng, tôi hỏi Tổng giám đốc Trần Bính Sâm có lo lắng vì sợ phản ứng lây lan? Ông tỏ ra rất bình tĩnh và cho biết: Công ty đã điều chỉnh lương cho công nhân từ tháng 1-2006 lên 190.000đồng/người, hiện nay người mới vào lương 790.000đồng, sau  một tháng thử việc sẽ được ký hợp đồng và lương sẽ tăng thêm 100.000đ so với lương thử việc. Tính ra lương bình quân của người lao động hiện khoảng 1,2 triệu đồng/người/tháng; những người làm lâu năm lương khoảng hơn 3 triệu đồng/người/tháng. Tùy theo tình hình sản xuất - kinh doanh của công ty mà cuối năm tiền thưởng sẽ được tính cao hơn mức quy định thưởng lương tháng thứ 13. Ví dụ như năm 2004 tiền thưởng Tết bằng 4 tháng lương, năm 2005 có ít hơn nhưng người lao động cũng được 3 tháng lương. Ngoài ra, trong chính sách của công ty, cứ mỗi quý thì có tiền thưởng cho từng bộ phận tùy theo hiệu quả sản xuất - kinh doanh, do vậy người lao động đều có quyền lợi trong đó.

Gặp chúng tôi, Chủ tịch Công đoàn công ty Trần Văn Phong (người đã vào làm công nhân tại Taya từ năm 1994 và nay là trưởng phòng dây cáp điện) đã xác nhận những con số và thông tin từ văn phòng Tổng giám đốc cung cấp cho chúng tôi. Anh Phong còn cho biết thêm là năm ngoái do tình hình xăng dầu tăng giá, công đoàn đã đề nghị với Ban tổng giám đốc trợ cấp thêm cho người lao động, lãnh đạo công ty thấy việc điều chỉnh đó là hợp lý nên đã đồng ý. Và, tính ra năm vừa qua có 2 đợt trợ cấp vì xăng dầu tăng giá, một lần được 50.000 đồng/người và một lần được 100.000 đồng/người.

Qua tiếp xúc với những người lao động có thâm niên như anh Ngô Quốc Quyền, Tổ trưởng tổ áp lực; anh Nguyễn Văn Đông, Tổ trưởng tổ se dây, hay người mới vào làm được 3 năm như anh Phạm Thanh Thể và một công nhân mới vào làm được 2 tháng, ai nấy đều tỏ ra hài lòng với công ty vì mức lương chưa phải là cao lắm nhưng rõ ràng, người có cống hiến lâu năm thì lương 3 - 4 triệu đồng/tháng, người mới thì lương từ 890.000 - 1,2 triệu đồng/tháng, tiền thưởng Tết theo đó cũng khá hơn. Các chính sách trợ cấp, thưởng từng quý; thăm hỏi công nhân khi có ốm đau, tai nạn... cũng thực hiện khá tốt.

Hiện nay, điều mà cả Ban giám đốc  và công nhân gởi gắm là tổ chức công đoàn phải thực sự mạnh, là cầu nối giữa lãnh đạo với công nhân, giúp lãnh đạo công ty phát hiện và điều chỉnh kịp thời những bất hợp lý. Người lao động cũng muốn có những phong trào vui khỏe hoạt động cộng đồng để tham gia, tăng thêm tinh thần gắn bó giữa các bộ phận trong công ty và với cộng đồng.

 Kim Loan

 

Tin xem nhiều