Từ ngày 2 đến ngày 6-11, Diễn đàn hợp tác đầu tư và triển lãm đầu tư nước ngoài 2005 (Vietnam Forinvest 2005) diễn ra tại Hà Nội đã gây được sự chú ý của cộng đồng doanh nghiệp và dư luận cả nước. Sự hiện diện của Phó thủ tướng VŨ KHOAN và lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, cùng các doanh nghiệp, tập đoàn xuyên quốc gia và các nhà đầu tư nước ngòai tại Việt Nam đã chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt của họ đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam.
|
Phó thủ tướng Vũ Khoan. |
Từ ngày 2 đến ngày 6-11, Diễn đàn hợp tác đầu tư và triển lãm đầu tư nước ngoài 2005 (Vietnam Forinvest 2005) diễn ra tại Hà Nội đã gây được sự chú ý của cộng đồng doanh nghiệp và dư luận cả nước. Sự hiện diện của Phó thủ tướng VŨ KHOAN và lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, cùng các doanh nghiệp, tập đoàn xuyên quốc gia và các nhà đầu tư nước ngòai tại Việt Nam đã chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt của họ đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam. Nói như Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Nario Hattori, thì Vietnam Forinvest 2005 đã thực sự "khuấy động" sự chú ý của các nhà đầu tư đối với các hoạt động đầu tư, thương mại và du lịch tại Việt Nam.
Phát biểu tại buổi hội thảo với chủ đề "Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam - chính sách và giải pháp" do Bộ Kế hoạch - đầu tư phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức vào ngày 3-11 tại hội trường khách sạn Horison Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Khoan khẳng định, 20 năm kể từ khi công cuộc đổi mới được khởi xướng, Việt Nam đã thực hiện nhất quán chủ trương mở cửa thu hút đầu tư. Đến nay, cả nước đã thu hút hơn 50 tỷ USD vốn đầu tư từ 70 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Vốn FDI đã đóng góp trên 15% GDP; 37,5% sản lượng công nghiệp và 54% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Rõ ràng, đầu tư nước ngoài đã đóng góp đáng kể vào thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới ở Việt Nam. Trong kế hoạch phát triển 5 năm tới (2006 -2010), Việt Nam đang quyết tâm phấn đấu để thoát khỏi tình trạng kém phát triển, nâng mức thu nhập GDP bình quân đầu người từ 640USD lên trên 1000USD. Đặc biệt, để duy trì tốc độ tăng trưởng GDP bình quân trên 8%/năm, một trong những yếu tố quan trọng được xác định là vốn. Bởi theo tính toán, 5 năm tới Việt Nam cần khoảng 2.200 ngàn tỷ đồng, tương đương 139,4 tỷ USD. Bên cạnh việc huy động nguồn vốn trong nước, Việt Nam sẽ huy động từ bên ngoài thông qua nguồn đầu tư trực tiếp, gián tiếp, kiều hối và viện trợ phát triển chính thức (ODA) khoảng 48,8 tỷ USD, chiếm 35% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Con số trên đây khá cao nhưng là hiện thực bởi Việt Nam là điểm đến an toàn, ổn định, nguồn nhân công trẻ, được giáo dục tốt. Chính phủ Việt Nam cũng không ngừng cải thiện môi trường đầu tư và đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Đề cập đến những mục tiêu mà Việt Nam đề ra, Giám đốc điều hành World Bank tại Việt Nam cho rằng, đó là những mục tiêu Việt Nam có thể thực hiện được. Bởi, cũng như Trung Quốc, Việt Nam đã thực hiện khá thành công kế hoạch chuyển đổi nền kinh tế tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường. Trong khi các nước Liên Xô, Đông Âu còn loay hoay tìm lại sự thịnh vượng đã có từ trước năm 1992, thì Việt Nam, Trung Quốc đã tăng GDP lên gấp đôi. Sự quyết tâm theo đuổi kinh tế thị trường, cùng với quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới đã tạo ra cho Việt Nam nhiều cơ hội về thị trường, công nghệ, việc làm. Thế nhưng Việt Nam cũng đang phải đối mặt với thách thức, trong đó có những lĩnh vực phải cải cách nhanh hơn, mạnh hơn khu vực kinh tế nhà nước đang kém năng động và thiếu hiệu quả. Việt Nam cũng cần tạo ra sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Ngoài ra, cần phải tập trung hơn nữa cho giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học và sau đại học, bởi nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là yếu tố quyết định quá trình phát triển bền vững trong tương lai. Vị chuyên gia này kết thúc bài phát biểu của mình bằng một câu đầy ấn tượng: "Việt Nam đã thành công nhưng không được tự mãn mà phải tiếp tục bơi, bởi nếu không bơi các bạn sẽ bị chết chìm".
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Norio Hattori cũng đánh giá sức cạnh tranh của Việt Nam qua thực hiện sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản được chính phủ 2 nước ký kết. Theo ông, ban đầu nhiều người không tin 2 bên có thể thực hiện những điều đã cam kết, thế nhưng qua quá trình thực hiện, hầu như tất cả những nội dung quan trọng nhất, cốt lõi nhất của bản cam kết đều thực hiện đạt và vượt yêu cầu. Hiện tại, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tính cạnh tranh. Các nhà đầu tư Nhật Bản hiện xem Việt Nam là một trong những địa bàn ưu tiên trong lựa chọn đầu tư bên cạnh Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa môi trường đầu tư và khi đó tương lai phát triển của Việt Nam hết sức tươi sáng.
Bên lề cuộc hội thảo, chúng tôi cũng đã tranh thủ trao đổi với một số nhà đầu tư. Ông Lan Lydall - đại diện Công ty Pricewaterhouse Coopers LTD cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư, nhưng trước yêu cầu mở cửa hội nhập sâu rộng hơn với nền kinh tế khu vực và thế giới, quá trình ấy cần phải được đẩy nhanh và đảm bảo sự vững chắc.
Ông Prasert Phetmunnee - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thái Lan thì nói : "Tôi thấy diễn đàn này chỉ mới thành công có một nửa. Vì ở đây chỉ mới có bên cung thôi (tức Chính phủ Việt Nam, các quan chức Việt Nam, những doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư tại Việt Nam) còn bên cầu (những nhà đầu tư tiềm năng nước ngoài) chưa có mặt ở Việt Nam. Nếu diễn dàn này được tổ chức tại Tokyo, Bangkok, Kuala Lumpur hay Singapore sẽ hay hơn".
Vâng, cũng như môi trường đầu tư, việc tổ chức các cuộc tiếp xúc, hội thảo hay diễn đàn đầu tư v.v... cũng cần phải được tiếp tục rút kinh nghiệm và hoàn thiện. Dù chưa thật hài lòng tất cả nhưng với sự nỗ lực của Ban tổ chức, Vietnam Forinvest 2005 vẫn là hình ảnh thu nhỏ của đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Thông qua diễn đàn này người dân Việt Nam có điều kiện hiểu rõ hơn về vai trò, đóng góp của khu vực FDI trong nền kinh tế Việt Nam. Còn các nhà đầu tư nước ngoài đã và đang làm ăn tại Việt Nam, thì có điều kiện tiếp cận với hệ thống chính sách pháp luật đang không ngừng được hoàn thiện của Việt Nam.
Minh Thanh