Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô hàng hóa lớn

08:08, 07/08/2023

Câu chuyện nông dân sản xuất chạy theo phong trào rồi rơi vào cảnh đầu ra bị ùn ứ, luẩn quẩn với việc chặt - trồng, trồng - chặt đã tồn tại khá lâu trong sản xuất nông nghiệp của cả nước nói chung, tỉnh Đồng Nai nói riêng.

Câu chuyện nông dân sản xuất chạy theo phong trào rồi rơi vào cảnh đầu ra bị ùn ứ, luẩn quẩn với việc chặt - trồng, trồng - chặt đã tồn tại khá lâu trong sản xuất nông nghiệp của cả nước nói chung, tỉnh Đồng Nai nói riêng.

Vùng chuyên canh xoài xuất khẩu tại xã La Ngà (H.Định Quán). Ảnh: B.Nguyên
Vùng chuyên canh xoài xuất khẩu tại xã La Ngà (H.Định Quán). Ảnh: B.Nguyên

Trong giai đoạn mới, ngành nông nghiệp Đồng Nai đang nỗ lực thực hiện tốt quy hoạch của ngành với mục tiêu thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất để có đầu ra ổn định hơn cho các mặt hàng nông sản.

* Hệ lụy sản xuất chạy theo phong trào

Những năm qua, nhiều địa phương của Đồng Nai từng xảy ra phong trào nông dân đua nhau trồng hồ tiêu rồi vài năm sau, hàng ngàn ha hồ tiêu bị chặt bỏ khi giá tiêu đang từ mức siêu lợi nhuận giảm sâu dưới giá thành sản xuất. Câu chuyện này cũng đã xảy ra với cây cà phê, cao su và gần đây là với nhiều loại cây ăn trái như: chôm chôm, xoài, thanh long…

Phong trào đua nhau trồng rồi lại chặt bỏ chỉ rộ lên trong một thời gian ngắn nhưng để lại hệ lụy lâu dài với người nông dân nói riêng, cho thị trường nông sản cũng như sự thiếu bền vững trong phát triển nông nghiệp nói chung.

Đây là bài toán khó cần sớm có lời giải, nhất là trong giai đoạn thị trường nông sản liên tục xảy ra cảnh ùn ứ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do việc nghiên cứu, dự báo, cung cấp thông tin thị trường trong lĩnh vực nông nghiệp của nước ta còn nhiều hạn chế khiến người sản xuất thiếu thông tin hoặc không được cung cấp thông tin kịp thời. Theo đó, thay vì tìm hiểu thông tin thị trường, địa chỉ tiêu thụ sản phẩm rồi mới đầu tư sản xuất thì nông dân thấy một loại nông sản nào đó bán được giá cao thì đổ xô cùng làm khiến nguồn cung lớn hơn cầu. Họ trồng và hoàn toàn thụ động chờ thương lái thu mua nên dễ rơi vào cảnh bị ép giá, buộc phải bán đổ bán tháo, thậm chí phải đổ bỏ.

Tìm lời giải để nông sản không còn “đến hẹn lại tắc”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ: “Tôi phát hiện, mọi cái bẫy đối với chúng ta nằm ở 3 chỗ: nông dân tư duy mùa vụ, mùa nào tính mùa đó; doanh nghiệp (DN) tư duy thương vụ, thương vụ nào tính thương vụ đó; còn chính quyền tư duy nhiệm kỳ. Chúng ta nghĩ ngắn quá, cho nên cứ thấp thỏm từng mùa vụ, như đánh bài may rủi. Rồi khi gặp vấn đề, chúng ta lại trách thị trường khó tính, gây ùn ứ. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân, chính chúng ta phải xem lại mình trước”.

* Tạo môi trường thu hút nhà đầu tư

Cũng theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, giải bài toán tình trạng vỡ quy hoạch trong sản xuất nông nghiệp, ngoài vai trò chính của DN trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như dẫn dắt nông dân thay đổi quy trình sản xuất để đáp ứng được nhu cầu của những thị trường khó tính nhất thì vai trò của hiệp hội ngành hàng cũng rất quan trọng trong việc dẫn dắt quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, cơ cấu lại thị trường.

Theo Sở NN-PTNT, về công tác quy hoạch, toàn tỉnh đã rà soát, xác định được 98 vùng sản xuất tập trung, 8 vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao và 10 khu vực trên địa bàn các huyện Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ.

Theo Sở NN-PTNT, từ năm 2014, Đồng Nai đã hoàn thành Quy hoạch sản xuất nông nghiệp ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Tuy nhiên hiện nay, Quy hoạch sản xuất nông nghiệp đã bị bãi bỏ theo quy định của Luât Quy hoạch. Để định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện các Chiến lược của Chính phủ về phát triển các ngành, lĩnh vực giai đoạn 2021 - 2030 và hiện đang xây dựng Phương án phát triển nông nghiệp, nông thôn để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Giám đốc Sở NN-PTNT  Cao Tiến Sỹ nhấn mạnh, ngành nông nghiệp tỉnh đang nỗ lực thực hiện tốt quy hoạch của ngành với mục tiêu thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Ngành cũng xác định vai trò tham gia đầu tư của DN có ý nghĩa rất quan trọng, mang tính dẫn dắt và gắn kết trong sản xuất nông nghiệp, tạo giá trị sản xuất bền vững.

Do đó, trong thời gian tới, ngành sẽ tập trung triển khai thực hiện một số giải pháp gồm: Thực hiện tốt công tác xây dựng Phương án phát triên nông nghiệp trong Quy hoạch tỉnh, trong đó xác định được danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, tập trung vào các lĩnh vực như: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản. Huy động, tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất tập trung, hình thành vùng nguyên liệu phục vụ chế biến nông sản, nhất là phục vụ thị trường xuất khẩu. Kêu gọi đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, theo lợi thế, thế mạnh của từng địa phương, tránh dàn trải, không phát huy được thế mạnh hiện có của địa phương. Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả: Chương trình phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh Đồng Nai và các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung và chính sách hỗ trợ về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều