Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngành gỗ sẵn sàng bước vào 'luật chơi' mới

08:08, 03/08/2023

Tạo ra sản phẩm có giá trị bền vững, có vùng nguyên liệu bản địa, nguồn lực lao động dồi dào, có kinh nghiệm, năng lực sản xuất, cùng với định hướng phát triển của nhà nước... là những lợi thế cạnh tranh mà các chuyên gia kinh tế đã nhận định về nội lực phát triển của ngành gỗ Việt Nam tại Diễn đàn công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam vào cuối tháng 7-2023.

Tạo ra sản phẩm có giá trị bền vững, có vùng nguyên liệu bản địa, nguồn lực lao động dồi dào, có kinh nghiệm, năng lực sản xuất, cùng với định hướng phát triển của nhà nước... là những lợi thế cạnh tranh mà các chuyên gia kinh tế đã nhận định về nội lực phát triển của ngành gỗ Việt Nam tại Diễn đàn công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam vào cuối tháng 7-2023.

Khu trưng bày đồ nội thất xuất khẩu của Công ty CP Tân Vĩnh Cửu (Tavivo) tại TP.Biên Hòa. Ảnh: N.Liên
Khu trưng bày đồ nội thất xuất khẩu của Công ty CP Tân Vĩnh Cửu (Tavivo) tại TP.Biên Hòa. Ảnh: N.Liên

Đây là diễn đàn do Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế và hơn 200 doanh nghiệp (DN) ngành gỗ, nội thất Việt Nam, nhằm tìm những giải pháp hiệu quả để giữ vị thế, đón cơ hội cho ngành gỗ vượt qua cơn sóng lớn như hiện nay.

* Chủ động thâm nhập thị trường

Thời gian qua, ngành gỗ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng, nhiều DN phải giảm công suất, giảm lao động, kéo theo nhiều khó khăn về tài chính do phải chi trả các khoản nợ vay, chi phí nhân công, kho bãi…

Theo thống kê của Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt gần 6 tỷ USD, giảm 29% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng tại Đồng Nai, nơi được xem là thủ phủ ngành gỗ của vùng Đông Nam bộ, giá trị xuất khẩu ngành gỗ giảm sâu trên 40%.

Theo ông NGUYỄN QUỐC KHANH, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ (HAWA), ngành gỗ đang có sự dịch chuyển mở rộng biên độ kinh doanh. Cụ thể là các thương hiệu nội thất lớn của Việt Nam đang mở rộng sự hiện diện của mình ở các thị trường xuất khẩu tiềm năng, đặc biệt là thị trường của các nước ở Trung Đông.

Để thoát khỏi những khó khăn, thách thức, nhiều DN đã chủ động hội nhập, tìm kiếm thị trường. Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA nhận định, khi thị trường suy giảm, DN không bị động mà vẫn luôn cố gắng thích ứng. Đây là dịp cho nhiều DN tổ chức lại bộ máy sản xuất, tinh gọn mô hình để tiết giảm chi phí. Mặt khác, DN cũng tận dụng sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng tham gia xúc tiến thương mại để tìm kiếm thị trường mới.

Ông Nguyễn Phương, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành (H.Vĩnh Cửu) là một trong những DN chủ động vượt qua khó khăn, tìm kiếm thị trường mới qua các sự kiện triển lãm, hội chợ. Ông Phương chia sẻ, khi tiếp cận với thị trường mới, ông luôn tập trung quan sát và tìm hiểu về thị hiếu, nhu cầu thị trường. Để thích ứng với tình hình sản xuất - kinh doanh giai đoạn này, công ty của ông đã chủ động thay đổi thiết kế, nguyên vật liệu trong sản xuất. Hiện nay, tuy đơn hàng không được nhiều như trước nhưng đã có dấu hiệu khả quan hơn. Ông Phương chia sẻ: “Qua khảo sát các thị trường tại Mỹ và một số nước Trung Đông, tôi nhận thấy nhu cầu sử dụng gỗ trong xây dựng tại các thị trường này rất lớn. Đây sẽ là cơ hội để DN ngành gỗ Việt Nam cơ cấu lại dây chuyền sản xuất, đẩy mạnh xúc tiến để tìm kiếm cơ hội bán sản phẩm của công ty mình”.

* Sẵn sàng đáp ứng “luật chơi” mới

Chuyển đổi xanh, liên kết trong sản xuất để tạo ra những sản phẩm bền vững trong sản phẩm nội thất là một trong những “luật chơi” mới của thị trường xuất nhập khẩu. Theo các chuyên gia kinh tế, đây không còn là đòi hỏi mang tính tự nguyện như trước, mà đã trở thành điều kiện bắt buộc nếu DN muốn tham gia thị trường.

Đồng Nai là trung tâm sản xuất gỗ hàng đầu của Việt Nam với nhiều sản phẩm đặc sắc. Trong ảnh: Siêu thị gỗ tại TP.Biên Hòa
Đồng Nai là trung tâm sản xuất gỗ hàng đầu của Việt Nam với nhiều sản phẩm đặc sắc. Trong ảnh: Siêu thị gỗ tại TP.Biên Hòa

Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Tư vấn kinh doanh và hội nhập toàn cầu (GIBC, TP.HCM) nhận định: “Chuyển đổi xanh ngay từ bây giờ chính là con đường để có cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN”. Theo Chủ tịch HĐQT của GIBC, ngoài những quy định bắt buộc hiện hành, DN Việt Nam sẽ đối diện với những đòi hỏi mới như: Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất, có hiệu lực từ tháng 10-2023. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu vào thị trường châu Âu sẽ phải chịu thêm chi phí, nếu không chuyển đổi mô hình sản xuất ít phát thải khí carbon. Với hiện trạng ngành gỗ Việt Nam có trữ lượng rừng trồng đáng kể, ông Trai cho rằng, đã đến lúc DN nên thiết lập lại và tổ chức kết nối tốt, sản xuất ra sản phẩm đáp ứng được tiêu chí phát thải khí carbon để tạo cơ hội cho các DN gia tăng lợi thế.

Cùng với tiêu chí giảm phát thải khí carbon, các quy định về sản xuất xanh khác cũng như quy định về xuất xứ gỗ… là những tiêu chí mà DN ngành gỗ cần thực hiện nếu muốn vươn ra biển lớn.

Bà Trịnh Kim Thanh, Phó giám đốc Công ty TNHH Sản xuất TM-DV Kiến Phúc (H.Trảng Bom) chia sẻ, DN sẵn sàng chuyển đổi để thích ứng với những yêu cầu mới của thị trường. Tuy nhiên, nhiều DN mong muốn được Nhà nước tạo điều kiện, hỗ trợ DN tham gia những hội chợ, triển lãm ở nước ngoài, nhất là những thị trường mới để tham khảo, tìm hiểu và tìm kiếm đơn hàng mới.

Ngọc Liên

Tin xem nhiều