Số liệu báo cáo năm 2021 của UBND tỉnh cho thấy có hơn 59,7 ngàn thửa đất chưa đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (thường gọi là sổ đỏ) lần đầu. Phần lớn đất có nguồn gốc nông - lâm trường, quốc phòng.
Số liệu báo cáo năm 2021 của UBND tỉnh cho thấy có hơn 59,7 ngàn thửa đất chưa đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ, thường gọi là sổ đỏ) lần đầu. Phần lớn đất có nguồn gốc nông - lâm trường, quốc phòng.
Người dân làm thủ tục đất đai tại Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai chi nhánh TP.Biên Hòa. Ảnh: H.Lộc |
Vấn đề này UBND tỉnh đã có nhiều chỉ đạo tháo gỡ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đất đai và đáp ứng yêu cầu của người dân.
* Chủ yếu là đất quân đội, nông lâm trường
Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Đất đai năm 2013 của UBND tỉnh, Đồng Nai còn hơn 59,7 ngàn thửa đất chưa đăng ký cấp GCNQSDĐ lần đầu và hơn 64 ngàn thửa đã đăng ký nhưng chưa cấp GCNQSDĐ. Phần lớn các thửa đất này nằm trong khu vực đất quốc phòng, đất nông lâm trường, đất đang tranh chấp, lấn chiếm, đất không có giấy tờ hợp lệ.
Về đất nông lâm trường, trước đây nhà nước giao đất cho tổ chức là nông lâm trường quản lý và sử dụng. Sau đó, chủ sử dụng đất giao lại hoặc cho người dân thuê, mượn, bị lấn chiếm. Theo quy định phần đất này phải thu hồi, bàn giao về cho địa phương quản lý nhưng đến nay công tác triển khai vẫn chậm.
Theo báo cáo của tỉnh, đến năm 2021 cấp được hơn 99% GCNQSDĐ lần đầu đối với diện tích đủ điều kiện cấp giấy. Số lượng thửa đất chưa đăng ký cấp GCNQSDĐ lần đầu hơn 59,7 ngàn thửa, đã đăng ký nhưng chưa cấp GCNQSDĐ hơn 64 ngàn thửa. Ngoài ra, có khoảng 113,8 ngàn thửa đất chưa đăng ký cấp đổi, biến động. |
Theo ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó giám đốc Sở TN-MT, thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh giao, Sở đã làm việc trực tiếp với 4 đơn vị (Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú, Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc, Công ty CP Mía đường La Ngà, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà) và có văn bản gửi 8 đơn vị nhắc nhở, hướng dẫn nhưng công tác lập, thẩm định, trình phê duyệt phương án sử dụng đất còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu.
Tương tự, còn số lượng lớn thửa đất do các đơn vị quốc phòng, an ninh giao cho cán bộ, chiến sĩ làm nhà ở, tham gia vào hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế của quân đội trên địa bàn tỉnh nhưng chưa bàn giao về cho địa phương hoặc đã bàn giao nhưng chưa xử lý được các tồn tại về đất đai. Trong đó, có các khu đất của: Trường Sĩ quan lục quân 2, Sư đoàn 302, một số lữ đoàn thuộc Quân khu 7… nằm trên địa bàn TP.Biên Hòa, H.Cẩm Mỹ, H.Xuân Lộc.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là các khu đất có tính lịch sử, nguồn gốc đa dạng, phức tạp, nhạy cảm; chế độ quản lý và sử dụng đất trải qua nhiều thời kỳ, quy định không đồng bộ và thống nhất. Công tác quản lý đất đai tại địa phương, nhất là chính quyền cơ sở chưa được quan tâm sâu sát, chưa kịp thời phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm; việc xác định được nguồn gốc từng thửa đất, phát sinh tranh chấp, lấn chiếm, sử dụng sai mục đích gặp nhiều khó khăn.
* Sớm giải quyết các tồn đọng
Những năm qua, công tác đăng ký đất đai, cấp GCNQSDĐ được tỉnh quan tâm chỉ đạo và tổ chức triển khai, đến nay, toàn tỉnh cấp GCNQSDĐ lần đầu được hơn 99% đối với diện tích đủ điều kiện. Kết quả này đã góp phần tích cực trong đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất; tạo nền tảng xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ quản lý ngày một chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Tuy vậy, vẫn còn hàng chục ngàn thửa đất chưa đăng ký cấp sổ đỏ, gây khó khăn cho công tác quản lý và bất lợi cho người dân trong việc sử dụng các dịch vụ công ích, an sinh xã hội cũng như thực hiện nghĩa vụ công dân.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa cấp cho người dân tại Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai chi nhánh TP.Biên Hòa |
Đại diện Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Đồng Nai cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước rất mong muốn sớm hoàn thành thủ tục đăng ký cấp sổ đỏ cho người dân nhưng việc này không dễ do phải qua nhiều bước, lấy ý kiến nhiều bên. Ví dụ liên quan phương án sử dụng đất nguồn gốc lâm trường phải có ý kiến của Tổng cục Lâm nghiệp; phương án sử dụng đất nguồn gốc quân đội phải có ý kiến của Bộ Quốc phòng.
Thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các địa phương; Sở TN-MT đã xây dựng phương án mẫu để các địa phương tham khảo nhưng tiến độ lập, thẩm định, trình phê duyệt phương án sử dụng đất đối với các khu đất bàn giao về địa phương quản lý vẫn chậm.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi nhấn mạnh, cần tập trung xử lý các tồn tại liên quan đến đất nông lâm trường, đất quốc phòng trên địa bàn. Trong đó lưu ý đẩy nhanh việc lập, thẩm định phương án sử dụng đất đối với các khu đất thu hồi và dự kiến thu hồi bàn giao địa phương quản lý.
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định, người đang sử dụng đất và người được giao quản lý đất phải thực hiện đăng ký với cơ quan nhà nước. Kết quả của việc đăng ký là cơ sở để quản lý, ghi vào hồ sơ địa chính và căn cứ xem xét cấp GCNQSDĐ cho người sử dụng đất. Liên quan đến nội dung đăng ký đất đai, cấp GCNQSDĐ đối với trường hợp không có giấy tờ hợp lệ, dự thảo luật kỳ này đã mở rộng đối tượng xét và cho phép UBND cấp tỉnh quy định các loại giấy tờ phù hợp với thực tiễn ở địa phương để giải quyết cấp giấy chứng nhận cho người sử dụng. Điều kiện đi kèm là đã nộp tiền sử dụng đất, đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất.
Hoàng Lộc