Trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai chỉ đạt gần 10,5 tỷ USD, giảm gần 19% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm sâu nhất so với cùng kỳ 10 năm qua. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp tiếp nhận được rất ít đơn hàng mới từ các đối tác nước ngoài.
Trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai chỉ đạt gần 10,5 tỷ USD, giảm gần 19% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm sâu nhất so với cùng kỳ 10 năm qua. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp tiếp nhận được rất ít đơn hàng mới từ các đối tác nước ngoài.
Đồng Nai là một trong 6 tỉnh, thành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất Việt Nam nên kim ngạch xuất khẩu của tỉnh giảm sâu ảnh hưởng đến xuất khẩu chung của cả nước. Cụ thể là kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong 6 tháng của năm 2023 đạt gần 164,5 tỷ USD, giảm 12,1%.
Xuất khẩu là một chỉ tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế của Đồng Nai. Năm 2023, theo kế hoạch của tỉnh, kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng 8-8,5% so với năm 2022, nhưng với tình khó khăn như hiện nay, kim ngạch xuất khẩu rất khó về đích, bởi đã qua đầu quý III nhưng thị trường xuất khẩu vẫn chưa có dấu hiệu sáng sủa hơn.
Mọi năm, vào thời điểm này, các DN đã nhận được đơn hàng đến cuối năm hoặc sang đến đầu năm sau. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều DN trên địa bàn tỉnh nhận được rất ít đơn đặt hàng, sản xuất vẫn trong tình trạng cầm chừng. Kịch bản sản xuất, xuất khẩu sẽ phục hồi vào đầu quý III và quý IV-2023 đã chậm hơn so với dự báo và tình hình khó khăn có thể kéo dài đến đầu năm 2024.
Sản xuất, xuất khẩu giảm sẽ kéo theo hàng loạt khó khăn như: người lao động sẽ thiếu việc làm, thu nhập thấp, đời sống nhiều hộ gia đình gặp khó khăn. Đồng thời, nhiều lĩnh vực khác cũng bị tác động tiêu cực.
Từ đầu năm đến nay, Bộ Công thương đã phối hợp với các tỉnh, thành trên cả nước tổ chức nhiều lần xúc tiến thương mại để các doanh nghiệp (DN) có thêm cơ hội mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Qua đó, nhiều DN tìm thêm được khách hàng để ký kết hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Các DN cho rằng, một trong những giải pháp Nhà nước có thể hỗ trợ hiệu quả trong giai đoạn này chính là tổ chức nhiều đợt xúc tiến thương mại trong nước, nước ngoài ở những thị trường có tiềm năng.
Ngoài những hỗ trợ của Nhà nước, các DN cũng phải chủ động, nỗ lực và linh hoạt trong tìm kiếm các khách hàng từ nhiều thị trường khác nhau. Bên cạnh đó, các DN cũng tái cơ cấu để có nguồn nhân lực nhà máy sản xuất hiện đại để giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh.
Khánh Minh