Vừa qua, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cảnh báo vi phạm kiểm dịch của các lô hàng chuối, mít, xoài, nhãn, thanh long và sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Bộ NN-PTNT cũng ra văn bản yêu cầu chấn chỉnh việc kiểm soát đối tượng kiểm dịch thực vật tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu và tại các cửa khẩu.
Vừa qua, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cảnh báo vi phạm kiểm dịch của các lô hàng chuối, mít, xoài, nhãn, thanh long và sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Bộ NN-PTNT cũng ra văn bản yêu cầu chấn chỉnh việc kiểm soát đối tượng kiểm dịch thực vật tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu và tại các cửa khẩu.
Đóng gói trái sầu riêng xuất khẩu tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thanh Trung (P.Bảo Vinh, TP.Long Khánh). Ảnh: B.Nguyên |
Ở đây, từ nông dân sản xuất đến doanh nghiệp (DN) đầu tư cơ sở đóng gói đều phải chặt chẽ tuân thủ quy trình kiểm dịch thực vật theo tiêu chuẩn của nước nhập khẩu. Vì vi phạm về kiểm dịch thực vật có thể dẫn đến việc bị phía Trung Quốc và các nước nhập khẩu khác áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn, thậm chí tạm ngừng nhập khẩu nông sản vi phạm.
* Siết chặt kiểm dịch
Trong nội dung văn bản, Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tại địa phương bố trí đủ nguồn lực để thực hiện công tác kiểm tra và giám sát các vùng trồng và cơ sở đóng gói đã được cấp mã số; tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến rộng rãi quy định của Trung Quốc cũng như tài liệu hướng dẫn kỹ thuật để tổ chức và cá nhân tham gia sản xuất và xuất khẩu sang Trung Quốc biết và tuân thủ.
Cụ thể, Sở NN-PTNT các tỉnh, thành tăng cường kiểm soát chặt chẽ các đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số trên địa bàn tỉnh; yêu cầu các cơ sở đóng gói phải thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật đảm bảo làm sạch sinh vật gây hại trên hàng hóa trước khi xuất khẩu; có cơ chế giám sát quy trình đóng gói. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố có cửa khẩu xuất khẩu chỉ đạo cho các cơ quan chức năng liên quan phối hợp với cơ quan kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu thực hiện kiểm tra chặt chẽ hàng hóa theo quy định của Trung Quốc và các nước nhập khẩu.
Bà Lê Thị Diệu Thu, đại diện Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (TP.HCM) cho biết, Bộ NN-PTNT đã ban hành các chỉ thị, văn bản hướng dẫn về tăng cường công tác quản lý cơ sở đóng gói xuất khẩu. Việc quản lý này cũng được phân cấp cho các địa phương. Trong đó, tiêu chuẩn đầu tư cũng như quy trình hoạt động của các cơ sở đóng gói xuất khẩu được quy định rất cụ thể, chặt chẽ. Theo bà Diệu Thu: “Mỗi thị trường đều có quy định khác nhau về kiểm dịch thực vật, do đó, chúng ta cần phải chủ động tìm hiểu, nắm rõ các thông tin yêu cầu, quy định của từng thị trường. Ví dụ như Nhật Bản là một trong những nước nổi tiếng khó tính về các yêu cầu kiểm dịch thực vật. Để xuất khẩu trái cây sang thị trường này, chúng ta cần đáp ứng các tiêu chí về kiểm dịch thực vật, đặc biệt là trái không nhiễm các đối tượng rệp”.
* Đảm bảo từ khâu trồng, đóng gói
Theo Sở NN-PTNT, đến nay, toàn tỉnh có 82 cơ sở đóng gói nông sản đã được cấp mã số xuất khẩu đi Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, Australia, New Zealand. Riêng với mặt hàng sầu riêng, tỉnh có 6 cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu và 4 cơ sở đóng gói đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt mã số. |
Để đáp ứng các tiêu chuẩn về kiểm dịch thực vật từ các nước nhập khẩu trái cây tươi, từ nông dân sản xuất đến DN đầu tư cơ sở đóng gói xuất khẩu đều phải chặt chẽ tuân thủ quy trình kiểm dịch thực vật.
Theo đó, để đạt tiêu chuẩn cấp mã số vùng trồng, nông dân được tập huấn rất kỹ về quản lý dịch hại tổng hợp; các biện pháp quản lý sâu bệnh tại vườn trồng đến các biện pháp canh tác, quản lý sau thu hoạch… Nông dân phải làm sổ nhật ký canh tác, lưu trữ tài liệu để dễ dàng kiểm tra việc sử dụng phân, thuốc, nhất là quy trình phòng trừ sâu bệnh.
Ông Trần Văn Đức, Tổ trưởng Tổ hợp tác sầu riêng Chính Đức (xã Sông Ray, H.Cẩm Mỹ) cho biết, tổ hợp tác vừa được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Để sản phẩm không bị nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nông dân ưu tiên sử dụng các loại thuốc sinh học trong phòng, chống dịch bệnh. “Năm nay, xuất hiện sâu đục trái sầu riêng nhiều nên ngoài sử dụng thuốc, chúng tôi còn bỏ rất nhiều công để kiểm tra từng trái sầu riêng, bắt sâu bằng giải pháp thủ công” - ông Đức nói.
Đồng Nai có nhiều lợi thế thu hút DN đầu tư cơ sở đóng gói ngay tại vùng trồng. Trong đó, số cơ sở đóng gói cũng tăng nhanh, đầu tư bài bản để nắm bắt cơ hội năm đầu tiên thị trường lớn Trung Quốc mở cửa nhập khẩu sầu riêng chính ngạch.
Theo đại diện Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thanh Trung (P.Bảo Vinh, TP.Long Khánh), DN vừa đầu tư vốn lớn mở thêm cơ sở đóng gói sầu riêng đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường Trung Quốc. Để đủ điều kiện được cấp mã số, xưởng đóng gói phải xây dựng quy trình chặt chẽ theo yêu cầu của nước nhập khẩu từ khâu lựa chọn, phân loại và làm sạch vỏ trái để loại bỏ trái bị bệnh, thối hoặc biến dạng. Sau đó, trái sầu riêng được làm sạch bằng súng áp suất cao hoặc các biện pháp khác để loại bỏ trứng, bào tử nấm; khu chứa nguyên liệu đến kho thành phẩm đều phải đảm bảo
vệ sinh…
Bình Nguyên