Báo Đồng Nai điện tử
En

Nông dân tìm cách bán sản phẩm

08:07, 06/07/2023

Ảnh hưởng chung của nền kinh tế, nông sản nói chung, các mặt hàng trái cây tươi nói riêng gặp khó khăn về đầu ra. Nhiều HTX, nông dân không chỉ tập trung vào sản xuất như trước mà ngày càng quan tâm, tự tổ chức bán nông sản nhà vườn.

Ảnh hưởng chung của nền kinh tế, nông sản nói chung, các mặt hàng trái cây tươi nói riêng gặp khó khăn về đầu ra. Nhiều HTX, nông dân không chỉ tập trung vào sản xuất như trước mà ngày càng quan tâm, tự tổ chức bán nông sản nhà vườn.

Đoàn công tác của Sở NN-PTNT tìm hiểu hiệu quả kết nối tiêu thụ trái cây tươi tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (H.Thống Nhất)
Đoàn công tác của Sở NN-PTNT tìm hiểu hiệu quả kết nối tiêu thụ trái cây tươi tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (H.Thống Nhất)

Với lợi thế là người sản xuất, hiểu và yêu sản phẩm của mình, nhiều HTX, nông dân đã thực hiện rất tốt vai trò bán nông sản thông qua các chương trình kết nối, quảng bá nông sản trong và ngoài tỉnh.

* Thay đổi về tư duy

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, năm 2023, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại; ảnh hưởng từ xung đột quân sự Nga - Ukraine; lạm phát cao tại một số nước trên thế giới, trong đó có những thị trường nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam làm giảm nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu nhập khẩu. Sức mua của thị trường trong nước yếu hơn vì ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế. Tất cả đang tác động đến thu nhập của nông dân, lợi nhuận của doanh nghiệp.

Trong khi đó, hoạt động của các HTX còn khó khăn, chưa phát huy tốt vai trò kết nối giữa hộ nông dân và doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp tham gia các hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ít về số lượng, nhỏ về quy mô.

Ông Lê Văn Dũng, thành viên HTX Bưởi da xanh VietGAP Phú Lộc (xã Phú Lộc, H.Tân Phú) cho biết, HTX đang cung cấp 32 tấn bưởi/năm và rất mong muốn kết nối tiêu thụ. Từ sau đại dịch Covid-19, đầu ra cho trái bưởi gặp khó khăn. Trái bưởi được công nhận sản phẩm sạch nhưng đầu ra vẫn phụ thuộc vào thương lái. HTX từng có đơn hàng cung cấp đi Hà Nội nhưng chi phí gửi hàng quá cao, không dễ duy trì. HTX rất mong được kết nối vào chuỗi liên kết, có hợp đồng bao tiêu để đầu ra bền vững hơn.

Ông Đỗ Quốc Việt, chủ vựa thu mua trái cây Nguyệt Anh tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (H.Thống Nhất) cho hay, hiện các vựa thu mua trái cây trong chợ có nhu cầu lớn với các mặt hàng trái cây tươi như: sầu riêng, chôm chôm, mít, bưởi… cung cấp cho các chợ truyền thống trên địa bàn Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành trong cả nước. Đây đều là những cây ăn trái có diện tích, sản lượng lớn của tỉnh. Các HTX, nông dân nên chủ động cung cấp hàng vào chợ. Các tiểu thương trong chợ luôn sẵn sàng tiêu thụ nông sản cho nông dân.

* Khai thác lợi thế của người trồng

Trước khó khăn, nhiều HTX, nông dân chủ động tổ chức tốt khâu bán nông sản để tìm cơ hội phát triển trong khó khăn.

Theo ông HỒ ĐỨC TÂN, đại diện Ban Quản lý chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây, chợ tiêu thụ 200-300 tấn rau củ quả trái cây/ngày nhưng nguồn trái cây tươi do các HTX, nông dân Đồng Nai cung cấp chiếm tỉ trọng chưa cao. Ban quản lý chợ sẵn sàng hỗ trợ các HTX, nông dân đưa nông sản vào chợ.

Suốt thời gian diễn ra lễ hội Trái cây Long Khánh, Tuần lễ Tôn vinh trái cây và sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) tỉnh Đồng Nai năm 2023 vừa diễn ra tại TP.Long Khánh, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Phát (H.Nhơn Trạch) Nguyễn Thị Bích Lệ luôn có mặt tại gian hàng để trực tiếp giới thiệu các sản phẩm OCOP của HTX đến đông đảo khách tham quan, mua sắm.

Bà Nguyễn Thị Bích Lệ cho hay, doanh thu bán hàng của HTX tại chương trình đạt rất cao. Ngoài khách lẻ, HTX còn có cơ hội mở rộng các đại lý tiêu thụ. Từ sau đại dịch Covid-19, HTX không chỉ chú trọng khâu sản xuất mà tập trung phát triển mạng lưới tiêu thụ nông sản như: đầu tư khu trưng bày, bán hàng tại nơi sản xuất; tích cực tham gia các chương trình kết nối, tiêu thụ nông sản trong và ngoài tỉnh.

Theo bà Lệ: “Tại các chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm, tôi đều trực tiếp tham gia giới thiệu, tư vấn về sản phẩm cho khách hàng. Vì bản thân tôi vừa là nông dân trồng ra sản phẩm, vừa trực tiếp chế biến nên không ai hiểu và tư vấn về sản phẩm tốt hơn”.

Phó giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Văn Thắng chia sẻ, từ sau dịch Covid-19, hàng loạt chuỗi liên kết bị đứt gãy, đây là khó khăn nhưng cũng là cơ hội để thúc đẩy HTX, nông dân mạnh mẽ chuyển đổi sang sản xuất hàng hóa lớn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, nông dân cũng nên thay đổi tư duy bán hàng, không chỉ thụ động chờ thương lái đến thu mua mà nên chủ động từ khâu thu hoạch đến kết nối trực tiếp đưa nông sản vào các chợ, nhất là chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây - không chỉ là chợ đầu mối của tỉnh mà còn mang tầm khu vực. Thời gian qua, Sở NN-PTNT tổ chức nhiều chương trình kết nối để bên mua - bên bán gặp gỡ; hỗ trợ HTX, nông dân đưa hàng hóa vào chợ đầu mối, siêu thị và các kênh tiêu thụ khác. Trong đó, nông dân phải chủ động tìm hiểu để nắm rõ tiêu chuẩn, yêu cầu của các đối tác tiêu thụ, nhất là các kênh tiêu thụ hiện đại hoặc thương mại điện tử.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích