Phong trào đầu tư nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) không chỉ thu hút các doanh nghiệp, chủ trang trại lớn đầu tư, mà nhiều hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ cũng đã chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang làm NNCNC, đạt hiệu quả kinh tế tốt.
Phong trào đầu tư nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) không chỉ thu hút các doanh nghiệp, chủ trang trại lớn đầu tư, mà nhiều hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ cũng đã chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang làm NNCNC, đạt hiệu quả kinh tế tốt.
Trưng bày mô hình trồng nấm công nghệ cao của nông dân TP.Long Khánh tại Tuần lễ Tôn vinh trái cây và sản phẩm OCOP tỉnh năm 2023. Ảnh: B.Nguyên |
Các mô hình NNCNC trên địa bàn tỉnh không ngừng được nhân rộng, hình thành các tổ hợp tác, HTX NNCNC theo chuỗi liên kết để có hiệu quả cao hơn.
* Hình thành chuỗi liên kết NNCNC
Là tỉnh công nghiệp nên nông dân Đồng Nai sớm có ý thức và tác phong công nghiệp trong sản xuất nông nghiệp. Không chỉ đầu tư đơn lẻ, sản xuất NNCNC trên địa bàn bắt đầu hình thành theo chuỗi liên kết thông qua các tổ hợp tác, HTX. Các giám đốc HTX, xã viên chủ động hơn trong tiếp cận những kiến thức mới; tích cực ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, sơ chế, chế biến. Đây là cơ sở thuận lợi để hình thành đội ngũ nông dân 4.0 tích cực ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử…
Ông Bùi Đình Anh, chủ trang trại trồng nhiều giống đặc sản như: thanh long ruột đỏ, nho không hạt tại xã Xuân Phú (H.Xuân Lộc) cho biết, với quy mô hàng chục ha, trang trại đi tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Đầu tư của trang trại bắt đầu từ những điều rất nhỏ là người lao động phải hiểu, nắm rõ kỹ thuật trong sản xuất và là đội ngũ chính đề ra những sáng kiến, giải pháp trong xử lý dịch bệnh, cải tiến quá trình làm việc để đạt hiệu quả lao động cao nhất. Họ được rèn luyện để hình thành tác phong công nghiệp, trở thành đội ngũ lành nghề trong sản xuất.
Theo Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến (H.Xuân Lộc) Trần Quang, HTX tiên phong trong cơ giới hóa và luôn cập nhật, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất. Vài năm trở lại đây, HTX không còn chạy theo năng suất cao mà chuyển đổi sang mô hình sản xuất sạch, trồng gạo đặc sản. Nhờ đó, lợi nhuận từ mô hình trồng lúa đặc sản an toàn tăng thêm từ 15-25% so với cách làm truyền thống.
Nói về chuỗi liên kết ứng dụng công nghệ cao nuôi gà xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản, Giám đốc HTX NNCNC Long Thành Phát Lê Văn Quyết chia sẻ, HTX có 17 thành viên, trong đó có 8 thành viên tham gia chuỗi liên kết nuôi gà trong chuồng lạnh cung cấp cho thị trường xuất khẩu với tổng đàn gà thịt 2 triệu con/năm. Để tham gia chuỗi liên kết nuôi gà công nghệ cao xuất khẩu này, các chủ trang trại phải là những người chăn nuôi có kinh nghiệm giỏi; đồng thời phải có năng lực về tài chính.
* Nhiều chính sách khuyến khích nông dân
Ngành Nông nghiệp, các địa phương và các đơn vị liên quan có nhiều chương trình hỗ trợ, khuyến khích nông dân tham gia nhân rộng các mô hình NNCNC.
Theo Phó giám đốc Sở KH-CN NGUYỄN THỊ THÙY LINH, Sở KH-CN rất ưu tiên thúc đẩy chương trình nghiên cứu khoa học liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Trong thời gian qua, số lượng các đề tài, dự án thuộc lĩnh vực này tăng đáng kể. Các nhiệm vụ KH-CN đã tập trung ứng dụng và chuyển giao các công nghệ sản xuất giống, sản xuất thương phẩm các loại cây trồng, vật nuôi; chuyển giao các quy trình công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi tiên tiến, công nghệ xử lý môi trường trong chăn nuôi và xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ KH-CN nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. |
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân TP.Long Khánh nhận xét, địa phương có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp thông minh, hiện đại, an toàn gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nông dân là lực lượng chính đầu tư phát triển sản xuất. Các mô hình NNCNC không chỉ phát triển riêng lẻ mà bắt đầu hình thành chuỗi liên kết với các HTX, tổ hợp tác công nghệ cao.
Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lê Hữu Thiện cho hay, từ đầu năm đến nay, các cấp hội trong tỉnh tổ chức 29 đợt cho 673 hội viên nông dân học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, công nghệ cao trong và ngoài tỉnh. Nhiều nông dân còn được vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh để đầu tư NNCNC. Ngoài ra, công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh có nhiều chuyển biến, góp phần nhân rộng các mô hình hiệu quả.
Cùng quan điểm, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Văn Thắng cho biết thêm, phát triển NNCNC cần nguồn vốn lớn để xây dựng kết cấu hạ tầng, nhận diện thương hiệu, đầu tư sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo nhân lực, tiêu thụ sản phẩm... Tuy nhiên, hiện chính sách hỗ trợ chưa đủ mạnh, thiếu hấp dẫn, điều kiện thủ tục để được hỗ trợ còn khó khăn. Thời gian tới, Sở NN-PTNT sẽ tăng cường công tác thông tin, tuyền truyền nhằm nâng cao nhận thức của người nông dân về phát triển NN CNC. Huy động nguồn lực ưu tiên đầu tư để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất tập trung, hình thành vùng nguyên liệu phục vụ chế biến nông sản, phục vụ cho xuất khẩu. Các địa phương đầu tư có trọng tâm theo thế mạnh của mình, tránh dàn trải.
Bình Nguyên