Báo Đồng Nai điện tử
En

Hình thành nhiều vùng nông nghiệp công nghệ cao

08:07, 19/07/2023

Nhiều địa phương của tỉnh đã quy hoạch các vùng nông nghiệp công nghệ cao, đầu tư về hạ tầng và nhiều chính sách khác để thu hút nhà đầu tư.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) là một trong những mục tiêu đột phá Đồng Nai đang thực hiện. Trong đó, nhiều địa phương của tỉnh đã quy hoạch các vùng nông nghiệp CNC, đầu tư về hạ tầng và nhiều chính sách khác để thu hút nhà đầu tư.

Nông dân quan tâm mô hình sử dụng máy bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp tại hội chợ về nông nghiệp tại TP.HCM năm 2023. Ảnh: B.Nguyên
Nông dân quan tâm mô hình sử dụng máy bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp tại hội chợ về nông nghiệp tại TP.HCM năm 2023. Ảnh: B.Nguyên

Hình thành các vùng nông nghiệp CNC góp phần phát triển ngành Nông nghiệp của tỉnh theo hướng hiện đại, quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân và doanh nghiệp tham gia.

* Đột phá trong phát triển

Phát triển nông nghiệp CNC là một trong những nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.

Mục tiêu đặt ra đến năm 2025, toàn tỉnh có 40 mô hình ứng dụng CNC. Nhưng đến nay, theo thống kê từ các địa phương, chỉ với lĩnh vực trồng trọt, toàn tỉnh đã có 45 mô hình tiêu biểu về ứng dụng CNC, vượt chỉ tiêu về số lượng so với mục tiêu đề ra. Các mô hình ứng dụng CNC đều có hiệu quả kinh tế cao hơn mô hình sản xuất thông thường từ 2-3 lần. Cụ thể, sầu riêng có 5 mô hình ứng dụng CNC với diện tích 706ha, thu lợi nhuận cao từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm. Về lĩnh vực thủy sản, đến nay toàn tỉnh có 77 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng CNC tại H.Nhơn Trạch, H.Long Thành với tổng diện tích gần 156ha, cho lợi nhuận khoảng 600-800 triệu đồng/ha/năm.

Theo Giám đốc Sở NN-PTNT CAO TIẾN SỸ, chỉ ứng dụng khoa học, kỹ thuật mới giúp tăng năng suất, kiểm soát chất lượng, giảm chi phí, làm trái vụ để tránh tình trạng ứ hàng, rộ vụ. Thời gian qua, năng suất cây trồng trên địa bàn tỉnh đã tăng trưởng đến giới hạn nên ứng dụng khoa học, công nghệ mới đảm bảo cho sự tăng trưởng của ngành Nông nghiệp trong thời gian tới.

Ông Vòng Ty Sáng, nông dân người Việt gốc Hoa tại xã Bảo Quang (TP.Long Khánh) chỉ có khoảng 3 ngàn m2 đất nông nghiệp nhưng vẫn có thu nhập tốt với mô hình nuôi dê thịt và trồng hoa. Trong quá trình sản xuất, ông Sáng luôn tích cực nghiên cứu học tập để ứng dụng khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất. Ông đã áp dụng thành công ủ chua dây đậu phộng; cây bắp sinh khối làm thức ăn cho dê. Kỹ thuật ủ cỏ chăn nuôi dê của ông đoạt giải nhì của Giải thưởng Sáng tạo khoa học kỹ thuật năm 2022 do Sở KH-CN tổ chức.

Với diện tích vườn bưởi hơn 10ha, ông Trần Văn Mười, nông dân tại xã Tân An (H.Vĩnh Cửu) đã mạnh dạn đầu tư hơn nửa tỷ đồng để mua máy bay không người lái phục vụ bón phân, phun thuốc cho vườn bưởi. Lão nông này cũng đi tiên phong trong việc sử dụng phân bón hữu cơ và ứng dụng công nghệ sinh học IMO tận dụng nguồn rác hữu cơ từ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp để làm phân bón hữu cơ, thuốc sinh học trong chăm sóc vườn cây. Ông Mười chia sẻ: “Sử dụng máy bay không người lái trong sản xuất giúp giảm chi phí, thời gian, công lao động, đặc biệt nhất là sức khỏe nông dân được bảo đảm an toàn nhờ tránh tiếp xúc trực tiếp với phân bón, thuốc hóa học… Nhờ ứng dụng bài bản khoa học vào sản xuất, tôi vừa giảm chi phí đầu tư, năng suất cây trồng đạt cao, chất lượng an toàn được thị trường ưa chuộng”.

* Tạo môi trường thu hút nhà đầu tư

Thời gian qua, các địa phương đã quy hoạch các vùng nông nghiệp CNC. Đây là cơ sở quan trọng để kêu gọi đầu tư, bố trí nguồn vốn đầu tư công để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất. Kết quả, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương đã xác định quy hoạch được 8 vùng sản xuất nông nghiệp CNC với diện tích 6,5 ngàn ha.

Nông dân đầu tư công nghệ cao trồng dưa lưới trong nhà màng tại xã Bảo Quang, TP.Long Khánh
Nông dân đầu tư công nghệ cao trồng dưa lưới trong nhà màng tại xã Bảo Quang, TP.Long Khánh

Huyện Cẩm Mỹ là địa phương tích cực triển khai quy hoạch vùng nông nghiệp CNC cũng như trong thu hút đầu tư. Theo báo cáo của UBND H.Cẩm Mỹ, đến nay địa phương đã quy hoạch 3 vùng nông nghiệp CNC với quy mô hơn 5 ngàn ha. Hiện nay, Công ty CP Đầu tư Golf Long Thành (TP.Biên Hòa) đã đề xuất báo cáo chủ trương đầu tư vào vùng nông nghiệp CNC gửi Sở KH-ĐT để thẩm định. Về cơ sở hạ tầng giao thông, điện sản xuất cho các vùng nông nghiệp CNC này đã được đảm bảo. Ngành Nông nghiệp đang phối hợp với địa phương, doanh nghiệp rà soát xây dựng phương án cấp nước từ các công trình thuỷ lợi để phục vụ các vùng sản xuất trên.

Một nội dung quan trọng để tạo môi trường thuận lợi thu hút nhà đầu tư là về mặt chính sách. Thời gian qua, ngành Nông nghiệp rất quan tâm xây dựng cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp CNC.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích