Báo Đồng Nai điện tử
En

Gỡ nút thắt trong chuỗi phân phối đặc sản địa phương

01:07, 24/07/2023

Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất các loại đặc sản, sản phẩm OCOP mong muốn tiếp cận các chuỗi phân phối, bán lẻ.

Nhiều doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất các loại đặc sản, sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) mong muốn tiếp cận các chuỗi phân phối, bán lẻ để kết nối, mở rộng phân khúc khách hàng, nâng cao tính nhận diện thương hiệu.

Đại diện các chuỗi bán lẻ trong tỉnh trao đổi thông tin về sản phẩm OCOP tại hội nghị kết nối giao thương của Đồng Nai vào giữa tháng 7-2023. Ảnh: Hải Hà
Đại diện các chuỗi bán lẻ trong tỉnh trao đổi thông tin về sản phẩm OCOP tại hội nghị kết nối giao thương của Đồng Nai vào giữa tháng 7-2023. Ảnh: Hải Hà

Tuy nhiên, việc kết nối đưa các sản phẩm hàng hóa địa phương vào các kênh bán lẻ hiện đại muốn đạt được hiệu quả thì rất cần sự đồng bộ từ cả phía DN sản xuất, cung ứng hàng hóa và các đơn vị bán lẻ dưới sự hỗ trợ, kết nối từ phía các sở, ngành liên quan.

* Cần đảm bảo nguồn hàng đủ cả lượng và chất

Theo nhiều siêu thị trong tỉnh, để các sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP của địa phương vào siêu thị, yêu cầu đầu tiên và quan trọng nhất là các đơn vị sản xuất, nhà cung cấp cần chứng minh được đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ. Song song đó, sản phẩm cần có mẫu mã, bao bì, nhãn mác phù hợp với điều kiện kinh doanh của siêu thị.

Phó giám đốc Co.opmart Biên Hòa Hoàng Thị Tố Uyên cho biết, các sản phẩm muốn vào được Co.opmart Biên Hòa nói riêng và chuỗi hệ thống của Saigon Co.op nói chung thì trước hết phải đảm bảo các điều kiện về an toàn sản phẩm, chỉ tiêu chất lượng xuyên suốt. Siêu thị sẽ tổ chức đánh giá về chất lượng, tiêu chuẩn hàng hóa vào siêu thị thường xuyên, định kỳ để đảm bảo sản phẩm luôn được duy trì về chất lượng, xuất xứ theo quy định, ký kết hợp đồng…

Bên cạnh đó, các siêu thị cho hay, nhiều DN, cơ sở sản xuất địa phương vẫn còn thụ động, sản xuất manh mún, nhiều loại nông sản chỉ cung ứng theo mùa vụ… Do đó, lượng hàng cung ứng thiếu ổn định gây ra nhiều khó khăn cho chuỗi bán lẻ, phân phối để duy trì các kệ hàng.

Bà Hứa Thị Kim Chi, Trưởng bộ phận bách hóa tổng hợp của Big C Đồng Nai chia sẻ, các sản phẩm OCOP được siêu thị chú trọng để đưa vào vào kệ hàng của siêu thị. Bên cạnh các yếu tố đảm bảo về chất lượng, xuất xứ, an toàn thực phẩm, thì một vấn đề nan giải khi đưa các sản phẩm địa phương, sản phẩm OCOP lên kệ hàng đó là việc duy trì nguồn hàng thường xuyên, đủ số lượng. Bởi, một số DN, cơ sở sản xuất địa phương xảy ra trường hợp “được là thôi, xong là buông” khi chỉ duy trì việc cung ứng cho kệ hàng OCOP của siêu thị trong 1 năm đầu rồi sau đó không đảm bảo nguồn hàng khiến cho gian hàng trở nên sơ sài, thiếu sức hút.

Bà Hoàng Thị Tố Uyên chia sẻ thêm, các DN địa phương cần kiên trì thực hiện quy trình thủ tục từ những bước đầu, cũng như đảm bảo hàng hóa chất lượng, đúng số lượng để việc kết nối hàng hóa vào siêu thị ổn định, bền vững. Các DN cần duy trì ổn định về doanh số tại siêu thị Co.opmart trên địa bàn, từ đó mới tạo tiền đề để mở rộng kênh phân phối ra hệ thống của Saigon Co.op trên toàn quốc.

* DN cần chủ động hơn

Nhiều sản phẩm đặc trưng ở Đồng Nai được người tiêu dùng quan tâm như: sữa Long Thành; sầu riêng, bơ, chôm chôm, mít tố nữ, khổ qua rừng (TP.Long Khánh); bưởi Tân Triều, rượu bưởi (H.Vĩnh Cửu); trà Phú Hội (H.Nhơn Trạch); chuối sấy ở H. Xuân Lộc, H.Thống Nhất; ca cao Trọng Đức (H.Định Quán); nấm mối ở H.Long Thành, H.Cẩm Mỹ; đồ gỗ thủ công mỹ nghệ (H.Trảng Bom, H.Xuân Lộc)...

Để có thể cạnh tranh và thu hút sự chú ý trên các kệ hàng siêu thị, chuỗi phân phối, bán lẻ, các DN, chủ thể OCOP của địa phương phải thực sự thay đổi cách thiết kế bao bì, chất lượng bao bì. Đồng thời, chú trọng nhiều hơn tới khâu tiếp thị, khuyến mãi, hậu mãi… để người tiêu dùng biết đến và sử dụng sản phẩm nhiều hơn, qua đó nâng cao sức hút, sức cạnh tranh trên kệ hàng.

Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Phát (H.Nhơn Trạch) Nguyễn Thị Bích Lệ cho hay, giai đoạn đầu khi đưa sản phẩm OCOP vào các siêu thị, HTX gặp nhiều khó khăn về khâu tiêu thụ sản phẩm vì người tiêu dùng chưa biết nhiều đến thương hiệu sản phẩm. Sau đó, HTX được các siêu thị hỗ trợ, hướng dẫn kết nối sản phẩm, cũng như chủ động tăng cường các hoạt động khuyến mãi nhằm thu hút, kích cầu tiêu dùng. Do đó, việc đưa hàng hóa vào các siêu thị trên địa bàn dần ổn định và mang lại doanh thu khả quan hơn.

Ngoài ra, để hỗ trợ các sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP của địa phương kết nối hiệu quả với các chuỗi phân phối, bán lẻ hàng hóa hiện đại, các sở, ngành, địa phương liên quan cần tổ chức thêm nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu, kinh doanh chuỗi cửa hàng, kênh phân phối lớn trên địa bàn, cũng như hỗ trợ phát triển thị trường trên các trang thương mại điện tử uy tín…

Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Đồng Nai (Sở Công thương) Nguyễn Văn Lĩnh cho biết, Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung - cầu. Trong đó, hỗ trợ các DN, chủ thể OCOP về thông tin để đưa sản phẩm vào các chuỗi cung ứng, bán lẻ trong và ngoài tỉnh để mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm thế mạnh của địa phương.

Hoàng Hải

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích
Theo bạn ăn mít sấy có nóng không những điều cần lưu ý