Báo Đồng Nai điện tử
En

Giải bài toán thiếu hạ tầng thoát nước đô thị

08:07, 24/07/2023

Đồng Nai hiện có 11 đô thị, trong đó có 2 thành phố nhưng chưa có đô thị nào đáp ứng được tiêu chí hạ tầng thoát nước mưa và xử lý nước thải.

Đồng Nai hiện có 11 đô thị, trong đó có 2 thành phố nhưng chưa có đô thị nào đáp ứng được tiêu chí hạ tầng thoát nước mưa và xử lý nước thải. Đây là nguyên nhân dẫn đến ngập, ô nhiễm sông suối.

Dự án Hệ thống thoát nước khu vực suối Nước Trong (H.Long Thành). Ảnh: Ban Mai
Dự án Hệ thống thoát nước khu vực suối Nước Trong (H.Long Thành). Ảnh: Ban Mai

Triển khai các dự án thoát nước, xử lý nước thải sinh hoạt là biện pháp để khắc phục tình trạng trên và từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị.

* Hạ tầng thoát nước yếu và thiếu

Luật Bảo vệ môi trường hiện hành quy định, các đô thị phải có hệ thống thu gom riêng nước mưa và nước thải sinh hoạt nhưng Đồng Nai chưa có đô thị nào đáp ứng tiêu chí hạ tầng này kể cả đô thị loại I Biên Hòa và đô thị loại III Long Khánh.

Về hạ tầng thoát nước mưa, thời gian qua tỉnh và các địa phương đã chi nguồn ngân sách để thực hiện nhiều dự án thoát nước, chống ngập nhưng đến nay, toàn tỉnh còn 39 điểm ngập lớn, chủ yếu tại các đô thị. Trong số các điểm ngập này có nơi đã hoàn thành dự án chống ngập nhưng tái diễn.

Đi kiểm tra thực tế một số dự án, điểm ngập tại TP.Biên Hòa đầu tháng 7-2023, Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà cho rằng, tiến độ thực hiện các dự án thoát nước chậm, chưa đáp ứng yêu cầu vì vướng công tác giải phóng mặt bằng. Ở các điểm tái ngập hệ thống cống rãnh bị tắc nghẽn do rác thải sinh hoạt, bùn thải. Ông Hà đề nghị TP.Biên Hòa tập trung các giải pháp, trọng tâm là giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Tương tự hạ tầng thoát nước mưa, hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt cũng thiếu. Hiện cả tỉnh chỉ duy nhất đô thị Biên Hòa có nhà máy xử lý nước thải nhưng công suất rất nhỏ và chưa có tuyến thu gom nước thải từ hộ gia đình nên tạm bơm nước suối lên xử lý. Các đô thị còn lại chưa triển khai dự án thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt.

Một phương tiện bị ngập nước ở hầm chui Tân Phong (TP.Biên Hòa) sau cơn mưa ngày 13-7-2023. Ảnh: C.T.V
Một phương tiện bị ngập nước ở hầm chui Tân Phong (TP.Biên Hòa) sau cơn mưa ngày 13-7-2023. Ảnh: C.T.V

Ông Trần Trọng Toàn, Phó giám đốc Sở TN-MT cho rằng, hạ tầng xử lý nước thải tại các đô thị chưa đáp ứng yêu cầu. Hệ quả là gia tăng áp lực môi trường cho sông, suối. Theo ông Toàn, cần đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt, triển khai dự án xử lý nước thải sinh hoạt để giảm ngập, giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Vì hạ tầng thoát nước chưa đồng bộ với hạ tầng giao thông và nhà ở nên nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh hễ mưa là ngập. Điểm ngập này chưa khắc phục xong lại phát sinh điểm ngập khác gây thiệt hại tài sản, ảnh hưởng đến giao thông và môi trường.

Thống kê của Sở TN-MT, lượng nước thải sinh hoạt toàn tỉnh là hơn 254 ngàn m3/ngày, trong đó tại các đô thị chiếm khoảng 54% nhưng chỉ có 1 hệ thống xử lý công suất 3 ngàn m3/ngày.

* Đưa dự án thoát nước vào danh mục cấp bách

Công tác triển khai các dự án thoát nước, xử lý nước thải đô thị chậm do nhiều nguyên nhân. Nguồn vốn đầu tư lớn, khó cân đối nguồn ngân sách địa phương trong khi đó các dự án này khó kêu gọi đầu tư. Một số dự án đề xuất vay vốn ODA nhưng chưa thống nhất được quy trình, phương án, công nghệ xử lý. Việc đầu tư hạ tầng thoát nước, đường ống thu gom nước thải sinh hoạt trong nội ô không dễ do mật độ đô thị hóa cao.

Chính vì vậy mà các đô thị trên địa bàn tỉnh đều đang “nợ” tiêu chí hạ tầng kỹ thuật thoát nước và xử lý nước thải. Có địa phương như: H.Nhơn Trạch, H.Trảng Bom dù được quy hoạch trở thành đô thị và đã đủ điểm tối thiểu nhưng chưa được công nhận do chưa đạt các tiêu chí quan trọng trong đó có thoát nước và xử lý nước thải.

Chia sẻ tại phiên chất vấn HĐND tỉnh mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng yêu cầu, các địa phương nghiên cứu đầu tư cống, mương đảm bảo thoát nước cho 39 điểm ngập lớn. Đưa các dự án chống ngập, tiêu thoát nước vào danh mục cấp bách để thuận lợi bố trí vốn và làm thủ tục. Tập trung thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng để sớm hoàn thành các dự án thoát nước quan trọng như: chống ngập úng khu vực suối Chùa, Bà Lúa, suối Cầu Quan (TP.Biên Hòa); tuyến thoát nước Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 ra rạch Bà Ký (H.Nhơn Trạch); hệ thống thoát nước khu vực suối Nước Trong (H.Long Thành)...

Ống cống phục vụ thi công đường thoát nước dọc đường Nguyễn Hữu Cảnh (H.Nhơn Trạch). Ảnh: Ban Mai
Ống cống phục vụ thi công đường thoát nước dọc đường Nguyễn Hữu Cảnh (H.Nhơn Trạch). Ảnh: Ban Mai

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đẩy nhanh tiến độ lập, trình phê duyệt, triển khai các dự án xử lý nước thải đô thị như: tuyến thoát nước và xử lý nước thải TP.Biên Hòa giai đoạn 1 (TP.Biên Hòa); hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TT.Trảng Bom, giai đoạn ưu tiên; hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TT.Long Thành, giai đoạn ưu tiên...

Về lâu dài, các địa phương tiếp tục thực hiện nạo vét, khơi thông cống rãnh; xây dựng hồ chứa mới, mở rộng rạch, suối, cầu, cống để đảm bảo tiêu thoát nước. Nâng cao nhận thức của người dân trong việc xây dựng công trình; thu gom, xử lý rác thải chống ách tắc dòng chảy.

Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu các địa phương quan tâm đến công tác quy hoạch hạ tầng thoát nước, đối với các tuyến đường và khu dân cư mới bắt buộc phải triển khai đồng bộ hạ tầng thoát nước từ ban đầu. Nâng cao công tác thẩm định, giám sát thực hiện dự án liên quan đến hạ tầng thoát nước.

Thoát nước và xử lý nước thải là một trong những tiêu chí cứng về hạ tầng kỹ thuật đô thị. Tiêu chí này khó thực hiện nhưng dễ đánh mất bởi hạ tầng xuống cấp, đô thị hóa và ý thức của con người. Do đó, cần đồng bộ cả giải pháp công trình lẫn phi công trình mới khắc phục được tình trạng ngập úng, cải thiện môi trường sông suối ở các đô thị.

Ban Mai

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích