Trong 7 tháng của năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai đạt gần 18,3 tỷ USD, giảm 18,16% so với cùng kỳ năm trước và thấp nhất kể từ năm 2021 đến nay.
Trong 7 tháng của năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai đạt gần 18,3 tỷ USD, giảm 18,16% so với cùng kỳ năm trước và thấp nhất kể từ năm 2021 đến nay.
Sản xuất giày xuất khẩu ở Công ty TNHH giày Tuấn Việt (H.Nhơn Trạch) |
Để vực dậy thị trường xuất nhập khẩu (XNK), nâng tổng kim ngạch XNK đạt kế hoạch của tỉnh đề ra trong năm 2023 (kim ngạch xuất khẩu tăng 8%, kim ngạch nhập khẩu tăng 5), tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh; kích cầu thị trường tiêu thụ sản phẩm…
* Khó khăn vẫn đeo bám
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng của năm nay chỉ tăng hơn 3,6% so với cùng kỳ năm trước (mục tiêu năm 2023 tăng 7,5-8%); kim ngạch XNK giảm sâu gần 20% (kế hoạch năm tăng từ 5-8%). Nguyên nhân chính khiến cho kim ngạch XNK giảm mạnh là do tình hình kinh tế thế giới phục hồi chậm cùng với các chính sách thắt chặt tiền tệ, sức mua tại các thị trường lớn như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều giảm khiến cho đơn hàng cũng giảm theo; các DN xuất khẩu thiếu hụt đơn hàng, đặc biệt là các DN sản xuất các mặt hàng đồ gỗ, giày da, hàng may mặc…
Bà Trịnh Kim Thanh, Phó giám đốc Công ty TNHH Sản xuất TM-DV Kiến Phúc (H.Trảng Bom) cho biết, công ty chuyên sản xuất bàn ghế gia dụng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Hồng Kông. Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng chung của thị trường nên lượng đơn hàng của Kiến Phúc giảm khoảng 70%. Theo bà Thanh, việc giảm đơn hàng đồng nghĩa với thực trạng DN bị tồn kho hàng hóa và nguyên liệu sản xuất, cắt giảm giờ làm của lao động, khó khăn hơn nữa là phải xoay xở để có tiền đóng lãi vay ngân hàng hàng tháng.
Tình trạng thị trường xuất khẩu giảm đã kéo theo nhiều hệ lụy như: nhiều lao động bị mất việc làm do DN không có đơn hàng sản xuất, DN tạm ngưng hoạt động, các giao dịch mua sắm, tiêu dùng cá nhân theo đó cũng bị giảm đã tác động mạnh đến thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ các hoạt động sản xuất kinh doanh giảm.
Ông Nguyễn Phúc Thọ, Phó cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai cho biết, doanh thu NSNN từ XNK của tỉnh 6 tháng đầu năm đạt trên 8,5 ngàn tỷ đồng, giảm gần 4 ngàn tỷ đồng, tương đương trên 31% so với cùng kỳ năm trước. Qua đánh giá số thu NSNN theo từng tháng, từ đầu năm đến nay, chỉ riêng tháng 3 là có số thu cao nhất (trên 1,7 ngàn tỷ đồng) nhưng cũng không đạt chỉ tiêu bình quân phải thu hàng tháng (trung bình mỗi tháng phải đạt trên 1,9 ngàn tỷ đồng). Bình quân 6 tháng đầu năm, tiến độ thu NSNN từng tháng chỉ đạt mức gần 80% so với chỉ tiêu. Vì thế, để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN trong 6 tháng cuối năm trên lĩnh vực XNK là hết sức khó khăn.
* Chủ động hỗ trợ DN
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, từ quý III-2022, tỉnh đã nhận diện tình hình sản xuất - kinh doanh của DN trên địa bàn tỉnh bắt đầu có những khó khăn, thị trường XNK có dấu hiệu chững lại, nhất là ở các ngành giày da, dệt may, sản phẩm gỗ... Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đồng hành cùng DN vượt qua giai đoạn hiện nay, lãnh đạo tỉnh đã sớm chỉ đạo các sở, ngành kịp thời nắm bắt, đánh giá tình hình và tham mưu những giải pháp cụ thể để đồng hành, hỗ trợ DN và người lao động.
Qua đó, chính quyền tỉnh Đồng Nai đã chủ động nắm tình hình, nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ về phục hồi kinh tế; tập trung giải ngân vốn đầu tư công, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để DN hoạt động hiệu quả. Cụ thể như, áp dụng nhanh những chính sách hỗ trợ về các loại thuế, tiếp cận nguồn vốn…; thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN quảng bá sản phẩm, đẩy mạnh liên doanh, liên kết, hợp tác, nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu và tiêu thụ sản phẩm.
Kế hoạch của UBND tỉnh thời gian tới là tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với cục xúc tiến thương mại, tham tán thương mại các nước tìm hiểu nhu cầu thị trường nước ngoài để cung cấp thông tin cho DN thông qua các hội nghị, hội thảo... Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về các hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương mà Việt Nam đã tham gia và ký kết nhằm nâng cao nhận thức của DN. Từ đó, DN xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, tận dụng tối đa các lợi thế mà các hiệp định thương mại mang lại. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước, hỗ trợ DN tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại để mở rộng tiêu thụ hàng hóa ở nội địa.
Theo dự báo của ngành Công thương, từ nay đến cuối năm, tình hình sản xuất, xuất khẩu vẫn đối mặt với khó khăn về đơn hàng do kinh tế thế giới phục hồi chậm và không đồng đều ở các quốc gia. Nhu cầu tiêu dùng của người dân vẫn chưa có dấu hiệu tăng nhanh trở lại. Do đó, dự ước kết quả thực hiện cả năm 2023 đối với các chỉ tiêu sản xuất công nghiệp, xuất khẩu sẽ khó đạt kế hoạch đề ra. |
Ngọc Liên