Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp cần nền tảng vững chắc để chuyển đổi số

08:07, 13/07/2023

Trong bối cảnh khoa học - công nghệ ngày càng phát triển, thị trường biến động, thị hiếu của người tiêu dùng có nhiều thay đổi, việc chuyển đổi số là yêu cầu được đặt ra đối với các doanh nghiệp (DN), nhất là các DN nhỏ và vừa để thích ứng, tạo ra các giá trị cạnh tranh mới.  

Trong bối cảnh khoa học - công nghệ ngày càng phát triển, thị trường biến động, thị hiếu của người tiêu dùng có nhiều thay đổi, việc chuyển đổi số (CĐS) là yêu cầu được đặt ra đối với các doanh nghiệp (DN), nhất là các DN nhỏ và vừa để thích ứng, tạo ra các giá trị cạnh tranh mới. 

Các gian hàng công nghệ, dịch vụ số hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số tại triển lãm Biztech Việt Nam 2023. Ảnh: Hải Hà
Các gian hàng công nghệ, dịch vụ số hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số tại triển lãm Biztech Việt Nam 2023. Ảnh: Hải Hà

Để CĐS hiệu quả, bản thân các DN không còn cách nào khác là cần thay đổi tư duy, chuyển mình và hành động. Đồng thời, cần thêm nhiều sự hỗ trợ từ các địa phương, các hội, hiệp hội để tạo ra trợ lực giúp DN có thể từng bước số hóa trong xu thế hiện nay.

* CĐS cần tư duy và hành động

Theo Sách trắng DN Việt Nam năm 2022, tỷ lệ DN nhỏ và vừa ở nước ta là 97%, trong đó có đến gần 70% DN siêu nhỏ. Vì vậy, việc hỗ trợ DN nhỏ và vừa tăng tốc CĐS là vấn đề cấp thiết, cần sự chung tay của các cơ quan nhà nước, đơn vị hỗ trợ và các đơn vị cung cấp giải pháp.

Thực tế cho thấy, đổi mới sáng tạo và khoa học - công nghệ để CĐS trong nhiều DN còn chưa cao. Nhiều DN vẫn còn đang loay hoay, chưa biết bắt đầu từ đâu và đâu là vấn đề mà DN cần phải làm trên tiến trình CĐS.

Bên cạnh đó, nhiều DN dù muốn CĐS nhưng với nguồn vốn và nhân sự còn hạn chế nên chưa thể tiếp cận hay ứng dụng các công nghệ hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, muốn CĐS thì trước hết DN cần thay đổi nhận thức, tư duy để xây dựng nền tảng vững chắc.

Tại sự kiện Biztech Việt Nam 2023, gần 70 giải pháp số của 50 DN công nghệ số đã đăng ký chương trình ưu đãi. Các giải pháp số ưu đãi bao phủ hầu hết các nghiệp vụ của DN: văn phòng số, quản trị công việc, nhân sự, bán hàng, truyền thông - marketing, kế toán - tài chính…

Chia sẻ tại sự kiện Biztech Việt Nam 2023 do Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa) tổ chức vào đầu tháng 7-2023, Phó tổng giám đốc thường trực Công ty CP Misa Lê Hồng Quang - công ty chuyên cung cấp các phần mềm kế toán, ứng dụng số cho DN nêu ra 3 vấn đề chính trong quá trình CĐS của các DN nhỏ và vừa. Thứ nhất, DN sử dụng các giải pháp rời rạc. Mỗi bộ phận, phòng ban dùng một giải pháp khác nhau nên không kết nối được với nhau, dẫn đến thông tin phải nhập đi nhập lại, dữ liệu phân mảnh. Thứ hai, khi DN lớn dần lên thì ứng dụng đang triển khai không còn phù hợp nữa, cần phải thay đổi, nâng cấp. Tuy nhiên, khi thay thế thì khó có thể kế thừa dữ liệu lịch sử rất quan trọng ở ứng dụng cũ. Thứ ba là do chi phí cao khi triển khai CĐS, nhất là đối với hệ thống giúp hoạch định nguồn lực của DN (ERP).

Chủ tịch Học viện Doanh nhân MVV Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, CĐS về bản chất là làm sao để DN kiếm được tiền và tiết kiệm được tiền. Để bắt đầu cho tiến trình CĐS, các DN cần chủ động hành động, vừa làm vừa học, vừa CĐS. Đồng thời, chủ các DN cần xây dựng tư duy mới về cấu trúc DN, mô hình kinh doanh, thị trường và người dùng.

* Nhiều chương trình kết nối, hỗ trợ

Hiện nay, CĐS sẽ là một trong những giải pháp, xu hướng hàng đầu giúp các DN tối ưu hóa hoạt động quản trị, sản xuất, kinh doanh, tạo nền tảng, lợi thế cạnh tranh trong giai đoạn phát triển tiếp theo. Để thúc đẩy tiến trình kinh tế số, hỗ trợ các DN, nhất là DN nhỏ và vừa, cần thêm những trợ lực, giải pháp kết nối các đơn vị cung cấp giải pháp CĐS uy tín. Qua đó có thể đồng hành, hỗ trợ quá trình CĐS của DN.

Giám đốc cao cấp phân khúc kinh doanh khối khách hàng DN của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) Hoàng Trọng Hiếu chia sẻ, Techcombank đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ DN trong CĐS như: miễn phí giao dịch cho các DN trên nền tảng, tiến hành tặng các gói quản trị DN, tặng chữ ký số nhằm thúc đẩy khách hàng nhanh chóng dịch chuyển sang môi trường số, cũng như triển khai các gói tín dụng tín chấp dành cho các DN nhỏ và vừa.

Ông Lê Hồng Quang chia sẻ thêm, Misa đã phát triển nền tảng quản trị DN hợp nhất Misa Amis. Điểm nổi bật của nền tảng này là được phân chia thành các ứng dụng nhỏ, phù hợp với mọi nhu cầu theo quy mô, ngành nghề của từng DN. Hệ sinh thái Misa Amis cho phép DN lựa chọn triển khai một số nghiệp vụ theo nhu cầu và sẵn sàng đáp ứng bổ sung các nghiệp vụ khác khi DN mở rộng quy mô và gia tăng thêm nhu cầu quản lý ở các lĩnh vực khác.

Tại Đồng Nai, tỉnh đang triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy DN ứng dụng công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất, từng bước chuyển đổi, hình thành cộng đồng DN số, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển DN công nghệ số tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu tổng quát là tạo điều kiện thuận lợi để DN ứng dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hải Quân

Tin xem nhiều