Thời gian qua, nhiều gói vay, chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân phục hồi và phát triển sản xuất được triển khai. Lãi suất ngân hàng có xu hướng giảm, nhất là sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã có 4 lần giảm các mức lãi suất điều hành từ đầu năm đến nay.
Thời gian qua, nhiều gói vay, chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân phục hồi và phát triển sản xuất được triển khai. Lãi suất ngân hàng có xu hướng giảm, nhất là sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã có 4 lần giảm các mức lãi suất điều hành từ đầu năm đến nay.
Nhiều ngân hàng trong tỉnh triển khai các gói ưu đãi, hỗ trợ tín dụng cho người dân, doanh nghiệp trong thời gian qua. Trong ảnh: Hoạt động giao dịch tại một chi nhánh ngân hàng thương mại ở TP.Biên Hòa. Ảnh: H.Hà |
Nhưng trên thực tế, do tình hình sản xuất, kinh doanh khó khăn, thiếu đơn hàng nên nhiều DN “ngại” vay vốn. Do đó, nhiều gói vay, chương trình tín dụng vẫn chờ người vay.
* Nhu cầu vay vốn có xu hướng chững lại
Trong những tháng đầu năm nay, hoạt động cấp tín dụng gặp không ít khó khăn do sự chững lại của hoạt động xuất - nhập khẩu, nhu cầu tiêu dùng có xu hướng giảm, huy động vốn từ nguồn địa phương giảm. Không giống như cùng kỳ nhiều năm trước, hiện nhu cầu vay vốn từ ngân hàng của các DN, nhất là các DN nhỏ và vừa, không thực sự “nóng” do tình hình kinh doanh gặp nhiều biến động. Nhiều DN không dám vay để đầu tư, lo ngại những rủi ro về lãi suất, nợ xấu…
Số liệu từ NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cho thấy, tính đến cuối tháng 6-2023, tổng dư nợ cấp tín dụng trên địa bàn ước đạt hơn 356,3 ngàn tỷ đồng, tăng gần 7% so với đầu năm nay. Trong đó, dư nợ cho vay xuất - nhập khẩu ước đạt khoảng 42,2 ngàn tỷ đồng, chỉ tăng 2,6% so với cuối năm 2023; dư nợ cho vay DN nhỏ và vừa tăng khoảng 4,5%.
Phó chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai Châu Minh Nguyện cho biết, trong tình hình thị trường có nhiều biến động, hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn nên nhiều DN ngại đầu tư vào sản xuất, do đó nhu cầu vay vốn ngân hàng chững lại. Bên cạnh đó, đối với nhiều chương trình hỗ trợ tín dụng, giảm lãi suất, cơ cấu lại thời gian trả nợ, để tiếp cận được thì các DN vẫn phải đáp ứng được nhiều điều kiện liên quan, nhất là phải có phương án kinh doanh hiệu quả để hoàn vốn. Điều này thực sự là không dễ với nhiều DN, nhất là các DN nhỏ và vừa trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Lãnh đạo một chi nhánh ngân hàng thương mại ở TP.Biên Hòa cho biết, thực tế những tháng đầu năm nay, hoạt động tín dụng chịu nhiều tác động trước những khó khăn chung của DN, người dân. Dư nợ tín dụng tăng trưởng khá chậm so với cùng kỳ những năm trước. Ngân hàng phải tính toán phương án phù hợp để đảm bảo cân đối nguồn vốn, lãi suất huy động và cho vay…
* Tăng cường các kênh kết nối giữa ngân hàng và DN
Theo NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, sau nhiều động thái điều hành của NHNN Việt Nam từ tháng 3 đến tháng 5, đến nay mặt bằng lãi suất thị trường đã ghi nhận giảm. Số liệu gần đây cho thấy, lãi suất cho vay bình quân VNĐ phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 9,07%/năm (giảm 0,9%/năm so với cuối năm ngoái). Lãi suất cho vay USD bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 4,4-5,7%/năm đối với ngắn hạn và từ 6,1-6,4%/năm đối với trung và dài hạn.
Theo Phó giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai PHẠM QUỐC BẢO, đơn vị sẽ phối hợp với các cơ quan truyền thông, sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, hiệp hội, tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng cường thông tin về chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN. |
Ông Châu Minh Nguyện cho biết thêm, mặt bằng lãi suất thời gian qua có xu hướng giảm. Tuy nhiên, để DN thực sự tiếp cận được các gói vay, chương trình cơ cấu nợ để phục hồi, duy trì sản xuất, kinh doanh thì vẫn còn “độ trễ”, rất cần thêm các chương trình kết nối giữa ngân hàng và DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa để đảm bảo các trình tự, thủ tục vay vốn đơn giản hơn, qua đó kịp thời bổ sung nguồn vốn cho các DN trong giai đoạn hiện nay.
Ông Nguyễn Quang Tuyến, chủ một DN dịch vụ tư vấn giáo dục bày tỏ, công ty nói riêng và các DN vừa và nhỏ nói chung luôn mong muốn tiếp cận các chính sách, chương trình vay vốn với lãi suất phù hợp để cải thiện hoạt động kinh doanh trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Phó giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai Phạm Quốc Bảo cho biết, trong thời gian tới, chi nhánh sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ, tổ chức đối thoại tháo gỡ khó khăn theo từng ngành kinh tế theo quy chế phối hợp triển khai thực hiện các chính sách của Chính phủ về tín dụng trên địa bàn. Đồng thời, rà soát, đánh giá, phân loại khách hàng đang có quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi để DN tiếp cận vốn, tiết giảm chi phí để có mức lãi suất cho vay phù hợp, tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa ngân hàng với khách hàng.
Hoạt động kiểm đếm tiền mặt tại một chi nhánh ngân hàng thương mại ở TP.Biên Hòa. Ảnh: H.Hà |
Đồng thời, thanh tra, giám sát việc chấp hành các quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ trên địa bàn; có biện pháp xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp không chấp hành chủ trương của Chính phủ, quy định của NHNN, trốn tránh, chậm xử lý, cố tình gây khó khăn, phiền hà, từ chối thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng đáp ứng đủ điều kiện.
Giám đốc Agribank chi nhánh Bắc Đồng Nai Nguyễn Bá Thành cho biết, trong thời gian tới, chi nhánh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kết nối, tư vấn cho DN, người dân về các chương trình hỗ trợ tín dụng theo chủ trương của NHNN Việt Nam và hệ thống Agribank, qua đó góp phần tiếp sức khách hàng phục hồi sản xuất, kinh doanh…
Hải Quân