Báo Đồng Nai điện tử
En

Chậm đầu tư trạm trung chuyển chất thải

07:07, 17/07/2023

Theo yêu cầu của tỉnh, các địa phương phải bố trí quỹ đất, nguồn vốn đầu tư trạm trung chuyển để thu gom, vận chuyển rác.

Theo yêu cầu của tỉnh, các địa phương phải bố trí quỹ đất, nguồn vốn đầu tư trạm trung chuyển (TTC) để thu gom, vận chuyển rác. Thế nhưng hiện mới có 22% TTC đáp ứng yêu cầu dẫn đến phần lớn rác phải tập kết ở các bãi tạm, trên đường hoặc khu đất trống.

Điểm tập kết rác thải sinh hoạt trên đường Nguyễn Ái Quốc, TP.Biên Hòa. Ảnh: H.Lộc
Điểm tập kết rác thải sinh hoạt trên đường Nguyễn Ái Quốc, TP.Biên Hòa. Ảnh: H.Lộc

Chuẩn hóa TTC theo tiêu chí kỹ thuật xây dựng và môi trường là yêu cầu bắt buộc.

* Vướng thủ tục đất đai, nguồn vốn

TP.Biên Hòa là đô thị loại I và cũng là địa phương phát sinh nhiều rác nhất tỉnh nhưng chưa có TTC rác. Các điểm tập kết rác hiện tại là chợ, công viên, đường phố, bãi đất trống...

Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Đỗ Khôi Nguyên cho biết, trên địa bàn thành phố có quy hoạch 1 TTC ở P.Phước Tân. Trạm có quy mô dự kiến khoảng 10ha, đảm bảo tập kết rác thải cho toàn thành phố nhưng đến nay dự án chưa triển khai. Do không có TTC nên rác thải từ 30 phường, xã phải dồn về các điểm tập kết tạm, hoạt động này ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường, mỹ quan và giao thông đô thị.

Việc tồn tại các điểm tập kết rác ngay chợ, đường, khu dân cư gây mùi hôi  đã được người dân phản ánh, kiến nghị nhiều lần nhưng vì thiếu TTC chất thải nên không còn cách nào khác.

TP.Long Khánh hiện có 1 TTC rác. Trạm này cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng, đảm bảo khoảng cách với nhà dân nhưng lại nằm trên đất của hộ gia đình quản lý sử dụng.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng phòng TN-MT TP.Long Khánh cho biết, thành phố đang thực hiện quy hoạch phân khu. Sau khi có quy hoạch phân khu, trường hợp TTC rác hiện hữu phù hợp các quy hoạch sẽ thỏa thuận với chủ sử dụng đất để nâng cấp. Trường hợp không phù hợp với các quy hoạch sẽ tính toán phương án đầu tư TTC khác để đảm bảo vệ sinh môi trường của thành phố và đáp ứng tiêu chí hạ tầng đô thị.

Không riêng tại đô thị có quỹ đất hạn chế, mật độ dân cư cao mà tại các huyện công tác lập quy hoạch, triển khai xây dựng TTC rác cũng chậm. Đơn cử H.Long Thành, từ năm 2021 đã xác định 6 vị trí, sau đó cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng nhưng hiện vẫn chưa triển khai được do phải tính toán thiết kế theo quy chuẩn kỹ thuật của Bộ Xây dựng. H.Trảng Bom quy hoạch 2 TTC nhưng còn phải thực hiện các thủ tục đất đai, xin chủ trương đầu tư dự án xã hội hóa.

Bên cạnh các lý do trên, nguồn vốn để đầu tư TTC rác cũng là một trở ngại. Theo quy định, nguồn vốn để thực hiện là nguồn ngân sách địa phương (vốn sự nghiệp môi trường và vận động xã hội hóa). Tuy nhiên, nguồn này phải chi cho nhiều hoạt động bao gồm cả phí xúc, vận chuyển, xử lý rác; đầu tư các công trình, dự án ngăn ngừa, cải tạo môi trường. Vận động xã hội hóa làm TTC rác rất khó khăn.

* Phải chuẩn hóa trạm trung chuyển

Hiện nay, toàn tỉnh chỉ có 4/9 khu xử lý tiếp nhận rác thải sinh hoạt, nhiều địa phương phải chở rác đi 30-40km để xử lý thì việc chuẩn hóa TTC, điểm tập kết rác thải là giải pháp để ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, tạo mỹ quan và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 nêu: UBND các cấp có trách nhiệm bố trí mặt bằng làm điểm tập kết, TTC rác đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường. Năm 2021, Bộ Xây dựng cũng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng trong đó đưa ra yêu cầu, tiêu chí cụ thể đối với TTC.

Mặc dù quy định, hướng dẫn có nhưng việc triển khai đầu tư xây dựng TTC chất thải vẫn chậm. Thống kê của Sở TN-MT, hiện nay toàn tỉnh mới có 14/63 TTC cơ bản đáp ứng quy chuẩn của Bộ Xây dựng và tiêu chí môi trường, chiếm tỷ lệ 22%; còn tới 49 TTC, điểm tập kết rác tạm thời.

Ông Trần Trọng Toàn, Phó giám đốc Sở TN-MT cho rằng, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh, Sở TN-MT đã nhiều lần nhắc nhở các địa phương về xây dựng TTC rác nhưng công tác lập quy hoạch, triển khai khá chậm trễ. Việc địa phương chậm đầu tư TTC rác đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thu gom, xử lý; hoạt động phân loại rác thải tại nguồn.

Mới đây, Giám đốc Sở TN-MT Đặng Minh Đức đã làm việc với các địa phương, đồng thời có văn bản gửi các huyện, thành phố đề nghị rà soát, đưa ra lộ trình thực hiện các TTC. Cụ thể, Sở đề nghị các địa phương xác định đầu tư các TTC đảm bảo phù hợp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và điều kiện phát triển của địa phương. Kịp thời cập nhật các vị trí TTC vào quy hoạch xây dựng, kế hoạch sử dụng đất của địa phương; bố trí nguồn vốn để triển khai đầu tư, xây dựng. Kế hoạch đến năm 2025, hoàn thành đầu tư và đưa vào hoạt động 100% các TTC rác theo quy hoạch.

TTC là khu vực chứa các loại chất thải trước khi đưa về nhà máy xử lý. Khu vực này phải đảm bảo quy mô về diện tích, thể tích; đáp ứng tiêu chí kỹ thuật về xây dựng, môi trường; đảm bảo khoảng cách với khu dân cư.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều