Báo Đồng Nai điện tử
En

'Chạy đua' làm mã số vùng trồng

07:06, 30/06/2023

Từ năm 2022, nhiều mặt hàng trái cây tươi như: chuối, sầu riêng… của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, thị trường tiêu thụ nông sản, trái cây tươi lớn nhất thế giới. Trong đó, mã số vùng trồng là điều kiện bắt buộc để các mặt hàng trái cây tươi tham gia vào thị trường xuất khẩu này.

Từ năm 2022, nhiều mặt hàng trái cây tươi như: chuối, sầu riêng… của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, thị trường tiêu thụ nông sản, trái cây tươi lớn nhất thế giới. Trong đó, mã số vùng trồng là điều kiện bắt buộc để các mặt hàng trái cây tươi tham gia vào thị trường xuất khẩu này.

Doanh nhân Trung Quốc thăm vùng trồng sầu riêng xuất khẩu tại P.Xuân Lập, TP.Long Khánh. Ảnh: B.Nguyên
Doanh nhân Trung Quốc thăm vùng trồng sầu riêng xuất khẩu tại P.Xuân Lập, TP.Long Khánh. Ảnh: B.Nguyên

Với lợi thế địa phương có diện tích trồng chuối, sầu riêng xuất khẩu thuộc tốp đầu cả nước, ngành Nông nghiệp tỉnh đang tập trung thực hiện xây dựng mã số vùng trồng để đẩy mạnh xuất khẩu các loại trái cây tươi.

* Tăng nhanh diện tích vùng trồng

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã tập trung hỗ trợ nông dân, HTX, doanh nghiệp (DN) xây dựng mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói xuất khẩu cho những cây ăn trái chủ lực trên địa bàn tỉnh để tăng xuất khẩu mặt hàng này.

Theo dự báo của Sở NN-PTNT, năm 2023, Đồng Nai sẽ xuất khẩu hơn 500 ngàn tấn chuối với doanh thu khoảng 5 ngàn tỷ đồng.

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và thủy lợi (Sở NN-PTNT), đến nay toàn tỉnh có 140 vùng trồng đã được cấp mã số xuất khẩu đi các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, Australia, New Zealand. Riêng thị trường Trung Quốc có 103 vùng trồng với tổng diện tích hơn 25,2 ngàn ha các loại cây ăn trái như: xoài, sầu riêng, chuối, chôm chôm, thanh long, mít…

Diện tích vùng trồng cây ăn trái ngày càng đa dạng về chủng loại trái cây xuất khẩu cũng như tăng nhanh về diện tích. Đặc biệt, Đồng Nai đang đứng đầu về diện tích cũng như chất lượng với 2 loại trái cây có tiềm năng xuất khẩu lớn là sầu riêng và chuối.

Với diện tích hơn 13 ngàn ha, tổng sản lượng chuối Đồng Nai cung cấp ra thị trường khoảng 450 ngàn tấn/năm, trong đó xuất khẩu chiếm từ 80-85%. Đồng Nai đang đứng đầu cả nước về diện tích trồng chuối, chiếm tỷ lệ 8,5% diện tích toàn quốc và 71% vùng Đông Nam bộ.

Về cây sầu riêng, toàn tỉnh hiện có trên 11,3 ngàn ha, đứng đầu khu vực Đông Nam bộ và đứng thứ 4 cả nước về diện tích cây trồng này. Hiện diện tích sầu riêng đang cho thu hoạch gần 6,6 ngàn ha với dự kiến sản lượng năm 2023 đạt khoảng 69 ngàn tấn. Toàn tỉnh đã có 11 vùng trồng với diện tích 820ha được cấp mã vùng trồng. Vụ mùa năm nay, nông dân trồng sầu riêng thu lợi nhuận cao hơn từ 15-20 ngàn đồng/kg so với mọi năm. Dự kiến xuất khẩu 20 ngàn tấn sầu riêng, giá trị xuất khẩu mặt hàng này mang lại khoảng 50 triệu USD.

* Không chạy theo phong trào

Tuy tăng nhanh về diện tích vùng trồng nhưng Đồng Nai không chạy theo phong trào mà chú trọng cả về chất lượng.

Cơ sở đóng gói chuối xuất khẩu tại xã Thanh Bình, H.Trảng Bom
Cơ sở đóng gói chuối xuất khẩu tại xã Thanh Bình, H.Trảng Bom

Theo bà Trần Thị Tú Oanh, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và thủy lợi, Chi cục rất chú trọng đến công tác truyền thông, đào tạo tập huấn, kiểm tra, giám sát để nâng cao năng lực, nhận thức của người dân, DN trong việc tuân thủ, chuẩn hóa vùng trồng, cơ sở đóng gói. Đây là giải pháp quan trọng góp phần nâng cao giá trị, chất lượng, thương hiệu sản phẩm trái cây tỉnh nhà trên sân chơi quốc tế.

Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ thương mại Xuân Lập (P.Xuân Lập, TP.Long Khánh) Trịnh Cao Khải cho hay: “Tham gia xây dựng mã số vùng trồng, các thành viên của HTX đều được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc sầu riêng, nhất là kỹ thuật xử lý cho trái tròn đẹp. Xã viên rất an tâm vì đầu ra có DN bao tiêu với giá tốt”.

Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT TRẦN LÂM SINH, trong năm 2023, nông dân trồng chuối, sầu riêng thu lợi nhuận cao nhờ xuất khẩu tốt. Tư duy, nhận thức, hành động của nông dân được nâng lên, hình thành chuỗi liên kết chặt chẽ hơn với DN đóng gói, chế biến, xuất khẩu.

Chia sẻ về hiệu quả của việc xây dựng mã số vùng trồng xuất khẩu cho trái sầu riêng, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (xã Xuân Định, H.Xuân Lộc) Đặng Thị Thúy Nga cho biết, nhờ được cấp mã số vùng trồng nên vụ thu hoạch năm nay HTX đang xuất khẩu rất tốt mặt hàng sầu riêng vào thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, nhiều đối tác rất quan tâm đến mặt hàng bưởi da xanh nên HTX đang tìm các vùng trồng bưởi xuất khẩu có chất lượng ổn định để cung cấp đi Trung Quốc.

Theo các DN xuất khẩu trái cây tươi trên địa bàn tỉnh, để xuất khẩu trái cây tươi bền vững, yếu tố quyết định vẫn là chất lượng. Việc này đòi hỏi trách nhiệm của nhiều phía gồm: DN, nông dân và sự quản lý của cơ quan nhà nước. Đặc biệt, nông dân phải thay đổi nhận thức về kỹ thuật canh tác, đảm bảo an toàn đến khâu thu hoạch, chỉ bán cho thương lái khi trái cây đủ độ già, đảm bảo sự đồng đều về mẫu mã và chất lượng.

Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Lâm Sinh khẳng định: “Mục tiêu của tỉnh không chỉ dừng lại ở việc duy trì và nhân rộng mã số vùng trồng cho các loại cây ăn trái chủ lực xuất khẩu với một quy trình chặt chẽ từ trồng, chăm sóc, kiểm dịch thực vật…, mà ý nghĩa lớn hơn là tỉnh xây dựng được hình ảnh minh bạch, trách nhiệm về nông sản”.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều