Năm 2022, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 20 (Nghị quyết số 20-NQ/TW) về việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) trong giai đoạn mới. Nghị quyết với nhiều điểm mới và những chủ trương, chính sách tạo thuận lợi cho phát triển mô hình HTX được thực hiện kịp thời sẽ tạo đột phá về nhận thức về vai trò của KTTT.
Năm 2022, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 20 (Nghị quyết số 20-NQ/TW) về việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) trong giai đoạn mới. Nghị quyết với nhiều điểm mới và những chủ trương, chính sách tạo thuận lợi cho phát triển mô hình HTX được thực hiện kịp thời sẽ tạo đột phá về nhận thức về vai trò của KTTT.
Đại diện HTX Thương mại dịch vụ Đông Nam bộ giới thiệu sản phẩm tại một chương trình do Liên minh HTX Đồng Nai tổ chức. Ảnh: Đ.Lê |
Tại Đồng Nai, liên minh HTX tỉnh và các sở, ngành, địa phương liên quan đang nỗ lực triển khai, bám sát Nghị quyết số 20-NQ/TW để giúp các HTX thụ hưởng các chính sách hỗ trợ.
* Xác định tầm quan trọng của kinh tế tập thể
Nghị quyết số 20-NQ/TW đã nêu thành tựu nổi bật sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW (2002), đó là khu vực KTTT cơ bản đã khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, từng bước khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Chính sách, pháp luật về KTTT được quan tâm xây dựng, hoàn thiện phù hợp với từng giai đoạn phát triển. HTX đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi sang mô hình kiểu mới theo quy định của pháp luật; liên kết với nhau, với doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác bước đầu phát triển...
Tuy nhiên, khu vực KTTT đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu Nghị quyết số 13-NQ/TW đề ra. Đổi mới và nâng cao hiệu quả KTTT còn nhiều khó khăn. Tốc độ tăng trưởng, tỉ trọng đóng góp của khu vực KTTT vào GDP giảm liên tục, từ 8,06% năm 2001 xuống còn 3,62% năm 2020. HTX phát triển không đồng đều giữa các địa phương, vùng miền và giữa các ngành và lĩnh vực; số lượng tăng lên nhưng thành viên bình quân lại giảm, đi ngược lại với xu hướng phát triển KTTT, HTX của các nước trên thế giới. Phần lớn HTX, tổ hợp tác có quy mô nhỏ, vốn ít, phạm vi hoạt động hẹp, năng lực cạnh tranh, lợi ích mang lại cho thành viên thấp; vấn đề nợ, tình trạng chiếm dụng vốn chưa được xử lý dứt điểm; hoạt động liên doanh, liên kết chưa phổ biến, hiệu quả chưa cao…
Nghị quyết số 20-NQ/TW xác định KTTT là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển, đây là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140 ngàn tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45 ngàn HTX với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp HTX với 1,7 ngàn thành viên. Có trên 5 ngàn HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài. Đến năm 2045, phấn đấu thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức KTTT. Các tổ chức KTTT đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.
Để thực hiện các mục tiêu trên, Trung ương đề ra 8 nhóm chính sách cụ thể để khuyến khích, phát triển KTTT như chính sách phát triển nguồn nhân lực, đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học - công nghệ… Cùng với đó, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT… Đồng thời, Nghị quyết số 20-NQ/TW cũng giao nhiệm vụ cho các cấp, các ngành, địa phương thực hiện để sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, Nghị quyết số 20-NQ/TW được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới thúc đẩy mô hình KTTT nói chung và các HTX nói riêng phát triển. Đây là cơ sở để Nhà nước triển khai các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích HTX gia tăng sản xuất, kinh doanh, vươn tầm thế giới.
* Bám sát Nghị quyết số 20-NQ/TW để phát triển HTX
Tại Đồng Nai, sau hơn 30 năm thành lập mô hình Liên minh HTX, bên cạnh những kết quả đạt được thì khu vực kinh tế hợp tác, HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Nhiều thách thức vẫn đang đặt ra như: tốc độ tăng trưởng chậm, thiếu ổn định; phát triển không đồng đều giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Một số HTX chưa tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, còn có biểu hiện hình thức, xa rời bản chất, các nguyên tắc và giá trị HTX. Năng lực nội tại của các HTX nói chung còn yếu, chủ yếu dựa vào vốn tự có, chưa tiếp cận được vốn vay từ các tổ chức tín dụng; sự liên kết, hợp tác chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp… Công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể tồn tại nhiều bất cập; một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm đến hoạt động của HTX.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhận định, trong bối cảnh cạnh tranh phát triển ngày càng gay gắt và yêu cầu của xã hội được nâng cao thì trách nhiệm đặt ra đối với Liên minh HTX tỉnh trong thời gian tới cũng rất nặng nề. Liên minh HTX tỉnh cần tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức trong hệ thống chính trị để khai thác lợi thế, tiềm năng của mô hình HTX, thúc đẩy sự phát triển kinh tế tập thể. Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động, nâng cao hơn nữa năng lực, hiệu quả hoạt động với chức năng là tổ chức đại diện các HTX.
Mới đây, tại buổi làm việc ngày 7-4-2023 với Liên minh HTX Đồng Nai và các sở, ngành về tình hình hoạt động của kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cũng khẳng định kinh tế tập thể có vai trò quan trọng, nhất là đối với việc phát triển khu vực nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh, Liên minh HTX cùng các đơn vị liên quan bám sát Nghị quyết số 20-NQ/TW của Đảng để xây dựng các chính sách hỗ trợ, phát triển KTTT, HTX.
Theo đó, tỉnh lựa chọn những nội dung phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương để xây dựng các đề án, triển khai thực hiện. Trong đó, gắn sự phát triển HTX với xây dựng nông thôn mới, bảo tồn làng nghề, bảo vệ môi trường, đồng thời đa dạng hóa giải pháp kinh doanh phù hợp quy luật thị trường... Nhà nước phải có vai trò định hướng, dẫn dắt, hỗ trợ cho các HTX về các nguồn lực từ tài chính đến nhân lực, chuyển đổi số..., nhất là đối với những đơn vị làm ăn hiệu quả.
Theo báo cáo của Liên minh HTX Đồng Nai, đến ngày 15-3-2023, toàn tỉnh có 475 HTX, quỹ tín dụng nhân dân và liên hiệp HTX, bên cạnh đó, tỉnh cũng có 802 CLB, tổ hợp tác với hơn 28,2 ngàn tổ viên. Nhìn chung hầu hết các HTX đang hoạt động có hiệu quả, tạo việc làm cho thành viên và nhiều lao động trên địa bàn. Bên cạnh những kết quả trong phát triển thì KTTT nói chung, các HTX nói riêng vẫn còn nhiều bất cập. Đa số HTX hoạt động với quy mô nhỏ, khó thu hút và huy động vốn từ thành viên. Đầu ra đối với sản phẩm chưa ổn định, chưa đủ sức cạnh tranh trong kinh tế thị trường. Mối liên kết giữa các HTX với nhau; giữa HTX với các thành phần kinh tế khác còn nhiều hạn chế. |
Đào Lê