Báo Đồng Nai điện tử
En

Áp lực lãi suất vẫn đè nặng lên doanh nghiệp

07:05, 16/05/2023

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã làm việc với các tỉnh, thành, doanh nghiệp (DN) vùng Đông Nam bộ nhằm khơi thông những vướng mắc về vốn vay để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, DN đang gặp một số vướng mắc lớn cần được tháo gỡ nhanh là vốn vay, thiếu đơn hàng sản xuất, vướng cơ chế chính sách khiến nhiều dự án phải "giậm chân tại chỗ".

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã làm việc với các tỉnh, thành, doanh nghiệp (DN) vùng Đông Nam bộ nhằm khơi thông những vướng mắc về vốn vay để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, DN đang gặp một số vướng mắc lớn cần được tháo gỡ nhanh là vốn vay, thiếu đơn hàng sản xuất, vướng cơ chế chính sách khiến nhiều dự án phải "giậm chân tại chỗ".

Gần đây, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện cho DN có thể tiếp cận được vốn vay ưu đãi. Tuy nhiên, theo các DN, lãi suất vốn vay ngắn hạn, trung và dài hạn vẫn rất cao so với thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, đa số các ngân hàng đang cho DN vay vốn với lãi suất ngắn hạn từ 10-11%/năm, trong khi trước đây là 7-9%/năm. DN vay vốn trung và dài hạn hiện lãi suất 11-13%/năm, trước đây chỉ 8,5-11%/năm. Do đó, dù thiếu vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh nhưng nhiều DN vẫn cân nhắc việc vay vốn. Một số DN đã chọn phương án bán bớt tài sản để có vốn duy trì sản xuất, kinh doanh. Mặc dù trong thời điểm này, bán tài sản thường chịu giá thấp hơn so với trước khi xảy ra dịch bệnh từ 10-30%.

Nhiều DN chia sẻ, tình hình kinh tế thế giới vẫn đang trên đà suy giảm nên khả năng phục hồi sẽ chậm hơn dự báo từ đầu năm. Vì vậy, DN sẽ tiếp tục chịu cảnh thiếu đơn hàng sản xuất, kinh doanh trong quý III-2023 và có thể kéo dài đến cuối năm. Hiện nay, nhiều DN đang cầm cự bằng cách ứng trước đơn hàng cho dịp cuối năm để sản xuất, giữ chân người lao động. Việc ứng trước đơn hàng đem đến không ít rủi ro cho DN trong sản xuất, kinh doanh. Bởi DN sẽ tốn thêm khoản vốn lớn để mua nguyên liệu cho sản xuất, sản phẩm làm xong phải lưu kho. Như vậy, vốn sẽ nằm trong hàng hóa mất một thời gian dài đợi khi hàng giao xong cho đối tác mới được thanh toán. Khoảng 2 năm trở lại đây, các đối tác cũng gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nên thời gian thanh toán tiền mua hàng cũng chậm lại từ 1-2 tháng. Hầu hết DN trên các lĩnh vực đều “đói” vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh, đợi phục hồi. Trong bối cảnh này, các DN đều mong muốn sẽ tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi lãi suất thấp, thủ tục được nới rộng hơn để vượt qua thời điểm khó khăn hiện nay.

Thiếu vốn, thị trường thu hẹp là lý do khiến mỗi tháng cả nước có hơn 19 ngàn DN phải rời khỏi thị trường. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế của các tỉnh, thành trong cả nước. Trong đó, đặc biệt vùng Đông Nam bộ, tình trạng DN thiếu vốn, thiếu đơn hàng sản xuất nên phải tạm dừng sản xuất khá nhiều đã kéo theo GRDP của “tứ giác” kinh tế: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu trong 4 tháng đầu năm tăng trưởng rất thấp.

Khánh Minh

 

Tin xem nhiều