Báo Đồng Nai điện tử
En

Hàng thuần Việt cần nỗ lực cạnh tranh

07:05, 17/05/2023

Càng bước sâu vào quá trình hội nhập, bên cạnh lợi thế về mở rộng xuất khẩu thì hàng hóa Việt Nam cũng chịu sự cạnh tranh gay gắt để giữ thị trường nội địa.

Càng bước sâu vào quá trình hội nhập, bên cạnh lợi thế về mở rộng xuất khẩu thì hàng hóa Việt Nam cũng chịu sự cạnh tranh gay gắt để giữ thị trường nội địa. Trong đó, những sản phẩm, thương hiệu thuần Việt đang gặp phải sự cạnh tranh gắt gao với các sản phẩm của các công ty, tập đoàn đa quốc gia ngay tại thị trường bán lẻ truyền thống, nhỏ lẻ ở các chợ, tạp hóa đến các kệ hàng siêu thị…

Người tiêu dùng tham khảo, chọn mua các sản phẩm đường của các doanh nghiệp Việt tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Hải Hà
Người tiêu dùng tham khảo, chọn mua các sản phẩm đường của các doanh nghiệp Việt tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Hải Hà

Các thương hiệu, doanh nghiệp (DN) thuần Việt ngày càng chú trọng đầu tư để đảm bảo chất lượng, nâng cao tính nhận diện, bao bì, mẫu mã sản phẩm. Tuy nhiên, ở khâu tiếp thị, giới thiệu, quảng cáo sản phẩm thì nhìn chung nhiều DN trong nước, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, vẫn còn một khoảng cách nhất định so với các công ty, tập đoàn đa quốc gia…

* Hàng Việt chưa dễ ra “mặt tiền” các kệ hàng

Theo nhiều siêu thị, trung tâm thương mại trong tỉnh, hàng thuần Việt ngày càng được chú trọng về chất lượng, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm… Đồng thời, nhiều công ty, thương hiệu thuần Việt đã quan tâm hơn tới các chương trình khuyến mãi, kích cầu sản phẩm.

Nhìn chung, đối với nhiều ngành hàng như: thực phẩm chế biến, gia vị, sữa…, cơ cấu sản phẩm của các DN trong nước với các công ty đa quốc gia, sản phẩm ngoại nhập gần như tương đương nhau. Tuy nhiên, một khó khăn của các sản phẩm thuần Việt đó là chế độ tiếp thị, hậu mãi khi các công ty, tập đoàn đa quốc gia với lợi thế về vốn, nhân sự vẫn chiếm ưu thế hơn ở các gian hàng mặt tiền, trực quan, hay có đội ngũ tiếp thị riêng biệt…

Phó giám đốc Co.opmart Biên Hòa Hoàng Thị Tố Uyên chia sẻ, về cơ cấu sản phẩm trên kệ hàng tại siêu thị, các sản phẩm hàng thuần Việt luôn chiếm tỷ lệ cao. Những vị trí đẹp, “đầu line” (đầu kệ) hàng là những khu vực thường được thuê để bố trí, trưng bày sản phẩm. Trong đó, số lượng sản phẩm của nhiều công ty đa quốc gia vẫn nhỉnh hơn do có tiềm năng về vốn, đội ngũ tiếp thị so với nhiều DN trong nước.

Quan sát nhiều gian hàng ở chợ truyền thống, các đại lý, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện ích, hệ thống phân phối sữa, bánh kẹo, hóa mỹ phẩm, hàng tiêu dùng trên địa bàn tỉnh có thể dễ dàng bắt gặp các sản phẩm của các tập đoàn, các công ty đa quốc gia như: Unilever, P&G, Abbott, Nestlé... hoặc một số thương hiệu Việt lớn, nổi tiếng như: Vinamilk, TH True Milk, Bibica, Kinh Đô, Masan... Trong khi đó, hàng hóa của các nhà sản xuất quy mô trung bình và nhỏ thường ít xuất hiện ở các vị trí đẹp, vừa tầm mắt người mua…

Bà Thi Thảo, chủ một sạp hàng hóa mỹ phẩm ở chợ Hóa An (TP.Biên Hòa) cho hay, ở những vị trí bắt mắt, dễ tạo sự chú ý với người tiêu dùng trong sạp hàng, nhìn chung sản phẩm của các công ty đa quốc gia vẫn chiếm lợi thế hơn. Trong khi đó, với quy mô nhỏ, kinh phí tiếp thị thị trường không cao nên các sản phẩm thuần Việt thường khó cạnh tranh ở các kệ hàng mặt tiền.

* Chú trọng hơn về độ nhận diện thương hiệu

Theo nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, cơ cấu sản phẩm tại các gian hàng nhiều hay ít còn tùy thuộc vào độ “hút hàng”, sức mua, tầm phủ sóng nhận diện của các sản phẩm, thương hiệu. Về vấn đề này, nhiều DN thuần Việt đã có những nỗ lực để nâng cao sức cạnh tranh. Nhiều công ty, DN Việt ngày càng quan tâm đăng ký thuê các kệ hàng này nhiều hơn để trưng bày sản phẩm, nhất là vào các dịp khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng.

Người tiêu dùng chọn mua các loại bánh kẹo của các doanh nghiệp Việt tại chợ Long Thành (H.Long Thành)
Người tiêu dùng chọn mua các loại bánh kẹo của các doanh nghiệp Việt tại chợ Long Thành (H.Long Thành)

Nhiều chuyên gia cho rằng, các DN trong nước, nhất là DN nhỏ và vừa, DN địa phương dù đã chú trọng về chất lượng, nâng cao mẫu mã, bao bì nhưng vẫn chưa thực sự đầu tư, quan tâm nhiều tới vấn đề thương hiệu, sở hữu trí tuệ của sản phẩm. Thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa là “tài sản vô hình” của DN, khi chậm trễ đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ thương hiệu, DN dễ có nguy cơ bị mất hoặc bị làm giả thương hiệu, nhất là khi DN đó ngày càng phát triển, sản phẩm được ưa chuộng.

Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển khoa học công nghệ Vina (Vina CHG) kiêm Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM Nguyễn Viết Hồng chia sẻ, trên thực tế, các sản phẩm có thương hiệu càng nổi tiếng thì nguy cơ bị làm giả, làm nhái thương hiệu càng cao. Đơn cử, tại các miền quê hoặc khu vực vùng ngoại thành, nhiều thương hiệu bánh kẹo, mỹ phẩm… có mẫu mã, bao bì giống hệt hàng nổi tiếng, trong đó có nhiều thương hiệu Việt. Điều đáng nói là giá bán nhiều sản phẩm "nhái" này có khi lại gần bằng hàng thật.

Do đó, bên cạnh việc tăng cường quản lý, kiểm tra từ phía cơ quan chức năng, bản thân các DN, trong đó có các thương hiệu Việt cần chủ động hơn trong việc bảo vệ thương hiệu, đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông để khách hàng nhận biết sản phẩm thật - giả của DN mình. Người tiêu dùng phải quyết liệt tẩy chay và nói không với hàng giả, hàng kém chất lượng…

Đối với các kênh quảng bá, bán hàng trực tuyến, sàn giao dịch điện tử, để sản phẩm “lên sàn” ở các vị trí dễ thấy, khu vực đầu website, gian hàng trực tuyến hoặc nằm ở các chủ đề khuyến mãi trong tháng thì phụ thuộc vào các tiêu chí, tiêu chuẩn riêng của các trang, sàn thương mại điện tử, cũng như các sản phẩm cần nhận được nhiều lượt tương tác, đánh giá tốt từ khách hàng…

Hoàng Hải

Tin xem nhiều