Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần thêm giải pháp bảo vệ nguồn nước sông, suối

08:05, 13/05/2023

Kết quả quan trắc năm 2022 của Sở TN-MT cho thấy, mặc dù có cải thiện hơn trước nhưng chất lượng nguồn nước ở nhiều vị trí sông, suối vẫn vượt giới hạn quy chuẩn môi trường cho phép.

Kết quả quan trắc năm 2022 của Sở TN-MT cho thấy, mặc dù có cải thiện hơn trước nhưng chất lượng nguồn nước ở nhiều vị trí sông, suối vẫn vượt giới hạn quy chuẩn môi trường cho phép.

Cơ quan chuyên môn thu mẫu nước sông Đồng Nai để quan trắc vào tháng 4-2023. Ảnh: L.AN
Cơ quan chuyên môn thu mẫu nước sông Đồng Nai để quan trắc vào tháng 4-2023. Ảnh: L.AN

Điều này gây tác động xấu đến cảnh quan, môi trường sống của các sinh vật dưới nước và gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Do đó, cần thêm giải pháp bảo vệ nguồn nước sông, suối.

* Nhiều sông, suối ghi nhận ô nhiễm

Báo cáo kết quả quan trắc năm 2022 của Sở TN-MT cho thấy, nhiều vị trí sông, suối, hồ trên địa bàn tỉnh có các thông số vượt quy chuẩn cho phép.

Một trong số đó là sông Đồng Nai, đoạn qua TP.Biên Hòa, nhiều lần kiểm tra, thông số hữu cơ vượt quy chuẩn cho phép. Điển hình là khu vực làng cá bè Tân Mai, cù lao Ba Xê, nơi các suối chảy ra sông. Nguyên nhân là do nước thải sinh hoạt của  người dân, chất thải và thức ăn dư thừa của thủy sản.

Ông Vũ Đình Đàm, Giám đốc HTX thủy sản sinh thái P.Tân Mai (TP.Biên Hòa) cho rằng, sau các trận mưa lớn, rác thải từ các sông, suối nhỏ bị đẩy ra sông; kéo theo đó là nước và bùn thải. Hệ quả là nước bị đổi màu, có mùi hôi, rác nổi lềnh bềnh.

Năm 2022, Sở TN-MT thực hiện quan trắc chất lượng nước tại 166 vị trí. Đa phần nằm trong giới hạn quy chuẩn môi trường cho phép nhưng nhiều vị trí sông, suối, hồ tiếp nhận nước thải sinh hoạt chưa được xử lý ghi nhận chất lượng nguồn nước chưa được cải thiện, có thời điểm ô nhiễm nặng do chất thải hữu cơ.

Cũng tại TP.Biên Hòa, các chi lưu của sông Đồng Nai như: suối Linh, suối Săn Máu, suối Chùa, suối Bà Lúa, suối Tân Mai… kết quả quan trắc ghi nhận chất lượng nước luôn trong tình trạng ô nhiễm do hữu cơ, dinh dưỡng và vi sinh vượt quy chuẩn.

Còn tại H.Trảng Bom, các hồ: Sông Mây, Thanh Niên, Bà Long, Bàu Hàm đều phát hiện ô nhiễm. Trong đó, khu vực ô nhiễm nặng là thượng nguồn hồ Sông Mây - nơi tiếp nhận nước thải từ các hoạt động chăn nuôi, dân sinh và Khu công nghiệp Sông Mây. Không chỉ có ô nhiễm hữu cơ, nơi đây còn ghi nhận có kim loại nặng. Chẳng hạn vị trí suối Đỉa, hàm lượng chì vượt 2,4 lần (vào tháng 2-2022), suối Cầu Hai tổng dầu mỡ vượt quy chuẩn 10 lần (vào tháng 10-2022).

Mặc dù nhiều sông, suối ghi nhận ô nhiễm nhưng điều đáng mừng là các khu vực khai thác nước cấp như: Hồ Trị An, sông Đồng Nai (đoạn qua Nhà máy nước Thiện Tân, Trạm bơm Hóa An, Nhà máy nước Biên Hòa), hồ Cầu Mới tuyến 5 và 6, hồ Núi Le… chất lượng nước tương đối ổn định. Hầu hết các lần và các thông số quan trắc phù hợp mục đích khai thác cấp nước sinh hoạt.

* Cần đa dạng giải pháp bảo vệ

Những năm qua, Đồng Nai cũng như các địa phương trong lưu vực sông Đồng Nai đã có nhiều nỗ lực trong bảo vệ nguồn nước. Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa nhanh, nước thải sinh hoạt chưa được thu gom, xử lý. Bên cạnh đó, tình trạng lén xả chất thải chăn nuôi, công nghiệp chưa qua xử lý ra môi trường vẫn còn dẫn đến nguy cơ ô nhiễm nguồn nước.

Phó giám đốc Sở TN-MT Trần Trọng Toàn đánh giá, nước thải là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm sông, suối. Đối với nước thải sinh hoạt, hiện chỉ 3/245 ngàn m3/ngày được thu gom xử lý, còn lại xả trực tiếp ra môi trường. Tại các cụm công nghiệp, khoảng 900-1.000m3/ngày nước thải chưa có hệ thống đấu nối thu gom, xử lý.

“Nước thải sinh hoạt là áp lực lớn với môi trường sông, suối, hồ. Để xử lý vấn đề này cần nguồn vốn lớn từ ngân sách hoặc nguồn vay vốn ưu đãi khác” - ông Toàn chia sẻ.

Với quan điểm nhất quán không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, Đồng Nai đã và đang triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường. Đó là di dời, chấm dứt các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không phù hợp quy hoạch. Rút giấy phép đối với cơ sở khai thác khoáng sản coi nhẹ bảo vệ môi trường. Yêu cầu các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải và hệ thống quan trắc tự động nước thải từ xa. Cùng với đó là đầu tư các hạng mục thoát nước mưa, trạm xử lý nước thải sinh hoạt...

Trong các lần làm việc với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về môi trường, các vấn đề dân sinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh lưu ý, ô nhiễm nguồn nước rất nguy hiểm vì đe dọa sức khỏe, tính mạng của cả cộng đồng. Người đứng đầu Tỉnh ủy yêu cầu phải triển khai nhiều giải pháp để trả lại sự trong sạch cho các dòng sông, dòng suối. Cải tạo cảnh quan, biến nơi đây thành điểm nhấn, không gian hưởng thụ của cộng đồng.

Lê An

Tin xem nhiều