Sau giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30-4-1975, Đồng Nai từ một tỉnh nông nghiệp đã vươn lên thành trung công nghiệp của cả nước. Tỉnh cũng là nơi đón dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rất sớm từ năm 1989. Các doanh nghiệp (DN) FDI đầu tư vào tỉnh đã thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh.
Sau giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30-4-1975, Đồng Nai từ một tỉnh nông nghiệp đã vươn lên thành trung công nghiệp của cả nước. Tỉnh cũng là nơi đón dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rất sớm từ năm 1989. Các doanh nghiệp (DN) FDI đầu tư vào tỉnh đã thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng trao đổi với các đối tác Hàn Quốc. Ảnh: K.Minh |
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), đến cuối tháng 4-2023, các DN FDI đầu tư vào tỉnh hơn 33,4 tỷ USD, giải quyết việc làm cho hơn nửa triệu lao động trong và ngoài tỉnh. Đồng Nai hiện là một trong 6 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI.
* Giá trị ngành công nghiệp tăng hơn 200 lần
Theo Chủ tịch UBND tỉnh CAO TIẾN DŨNG, DN FDI đầu tư vào tỉnh thành công sẽ tăng lợi thế cạnh tranh của Đồng Nai. Đồng thời, góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh phát triển vững mạnh và là cầu nối giúp Đồng Nai tiếp tục thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư FDI khác. Chính quyền Đồng Nai cam kết sẽ tạo mọi điều kiện để DN triển khai dự án được thuận lợi, giữ môi trường sản xuất, kinh doanh ổn định cho DN. |
Trước năm 1986, đất nước ta đứng trước những khó khăn lớn về kinh tế, chính trị, xã hội. Thời điểm đó, nền kinh tế Việt Nam lâm vào tình trạng khủng hoảng nặng nề, lạm phát cao, sản xuất đình trệ, cơ sở kỹ thuật lạc hậu và thiếu vốn trầm trọng. Trong bối cảnh đó, Đảng ta đã khởi xướng chính sách đổi mới toàn diện, coi thu hút vốn đầu tư FDI là một bộ phận quan trọng trong đường lối đổi mới của Đảng, ngày 29-12-1987, Quốc hội thông qua Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng và Nhà nước, Đồng Nai đã có nhiều nỗ lực cải cách cơ chế quản lý kinh tế trên địa bàn tỉnh và đạt nhiều thành quả trong phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Đặc biệt là trong thu hút vốn FDI để phục vụ phát triển kinh tế của tỉnh. Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành tiên phong trong thu hút dòng vốn FDI của cả nước.
Từ năm 1989-1993, là giai đoạn tỉnh tiếp cận nguồn vốn đầu tư FDI. Dự án FDI đầu tiên tại Đồng Nai được cấp phép vào tháng 9-1989 trong lĩnh vực dịch vụ vận tải taxi. Giai đoạn này, tuy đã có các dự án FDI lớn của các DN như: Vedan, Vmep, Hualon nhưng còn trong giai đoạn xây dựng nên sự tác động đến hiệu quả kinh tế - xã hội chưa rõ nét. Đến giai đoạn 1994-1998, đầu tư FDI bắt đầu tạo sự đột phá lớn trong phát triển công nghiệp và các lĩnh vực khác của nền kinh tế - xã hội với nhiều dự án của các nhà đầu tư lớn như: Fujitsu, Kao, Samsung, Kolon, Chrysler, CP, Cargill...
Gia đoạn 1999-2010, dòng vốn FDI góp phần để kinh tế Đồng Nai tăng trưởng ổn định. Nhiều tập đoàn FDI đầu tư những dự án lớn vào tỉnh như: Tập đoàn Formosa (Đài Loan) với vốn đầu tư 951 triệu USD, Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) với vốn gần 600 triệu USD, dự án Khu dân cư Long Tân - Phú Hội 290 triệu USD, dự án Khu dân cư Water Front 750 triệu USD...
Theo ông Kim Chi Hyung, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hyosung Việt Nam (Khu công nghiệp Nhơn Trạch V, H.Nhơn Trạch), sau một thời gian đầu tư vào Đồng Nai hiệu quả, Tập đoàn Hyosung đã liên tục tăng vốn để mở rộng sản xuất. Đến nay, Hyosung đã đầu tư vào tỉnh hơn 1,8 tỷ USD và trở thành DN FDI có vốn đầu tư lớn nhất tại Đồng Nai.
Từ năm 2011 đến nay, Đồng Nai thu hút FDI có chọn lọc, ưu tiên ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao. Có nhiều dự án lớn, ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ đã đầu tư vào tỉnh là Công ty TNHH Lixil Việt Nam 441 triệu USD, Công ty TNHH SMC Manufacturing hơn 111 triệu USD, Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai 660 triệu USD… Nhiều tập đoàn FDI liên tục tăng vốn đầu tư vào tỉnh như: Schaeffler, Meggitt, Formosa, Nestlé, Bosch, CP…
Theo Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên, đến nay đã có 43 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh với tổng vốn đăng ký khoảng 33,4 tỷ USD. Vốn FDI góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giải quyết việc làm ổn định cho hơn nửa triệu lao động trong và ngoài tỉnh. Do thu hút đầu tư có chọn lọc và ưu tiên cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nên Đồng Nai đi đầu trong xuất siêu so với cả nước.
Dòng vốn FDI đa số đổ vào lĩnh vực công nghiệp nên đã giúp cho giá trị ngành công nghiệp của Đồng Nai tăng hơn 200 lần so với hơn 3 thập niên trước. Đồng Nai hiện vẫn là điểm đến của nhiều tập đoàn đa quốc gia.
* Tìm cơ hội đầu tư nhiều lĩnh vực
Trải dài hơn 30 năm qua, Đồng Nai luôn là nơi được các tập đoàn FDI chú ý và muốn đầu tư vào. Nhiều tập đoàn FDI đã chọn tỉnh là nơi đầu tiên đặt nhà máy sản xuất và sau khi thành công mới mở rộng ra nhiều tỉnh thành khác như: CP, Amata, Nestlé, Bosch, Hyosung, Formosa…
Với lợi thế về hạ tầng kỹ thuật, trong những năm tới, Đồng Nai sẽ tiếp tục là nơi được nhiều DN FDI muốn đầu tư mới và mở rộng đầu tư trên lĩnh vực công nghiệp, thương mại dịch vụ, bất động sản, du lịch…
Ông Wu Ming Ying, Hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Đồng Nai, cho biết: “Hiện nay, các DN Đài Loan đã đầu tư vào tỉnh hơn 5,4 tỷ USD và dự tính trong thời gian tới tiếp tục tăng lên. Tỉnh Đồng Nai hiện còn nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, logistics, bất động sản. Đặc biệt tới đây, các khu công nghiệp thành lập mới hoàn thành hạ tầng sẽ thu hút nhiều DN của Đài Loan cũng như các nước khác đến đầu tư”.
Lĩnh vực hạ tầng của Đồng Nai cũng đang được các tập đoàn FDI để mắt, với mong muốn sẽ tham gia các hạng mục của dự án Sân bay Long Thành và dự án xung quanh sân bay.
Phó tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP.HCM Kwon Sun Chil cho hay: “Hàn Quốc đang dẫn đầu các quốc gia, vùng lãnh thổ trong đầu tư vào tỉnh với gần 430 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 7,2 tỷ USD. Các dự án Hàn Quốc đầu tư vào tỉnh hoạt động ổn định, đóng góp cho ngân sách địa phương và giải quyết việc làm cho hơn 171 ngàn lao động. Hiện nhiều DN Hàn Quốc đang tìm hiểu môi trường đầu tư của tỉnh với dự kiến sẽ triển khai các dự án trên một số lĩnh vực công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật, thương mại dịch vụ, năng lượng tái tạo”.
Tương tự, phía Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP.HCM, Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam… cũng cho biết đang làm cầu nối cho DN các nước này đến Đồng Nai tìm cơ hội tham gia vào các dự án. Khi suy thoái kinh tế toàn cầu qua đi, Đồng Nai sẽ đón được “làn sóng” FDI chất lượng cao, vốn lớn vào những lĩnh vực tỉnh đang mời gọi đầu tư. Tuy nhiên, tỉnh nên chuẩn bị đầy đủ các yếu tố để khi DN FDI vào có thể triển khai dự án như: các thủ tục pháp lý nhanh gọn, đất đai...
Hiện nay, nhiều tập đoàn của Hàn Quốc, Anh, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc… đang dự tính đầu tư vào tỉnh trên nhiều lĩnh vực với số vốn đầu tư từ vài chục đến hàng trăm triệu USD như: Tập đoàn Shire Oak International (Anh) với lĩnh vực năng lượng tái tạo, Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) thương mại dịch vụ, Tập đoàn LG (Hàn Quốc)… |
Khánh Minh