Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng cao giá trị hình ảnh cho hàng Việt

08:04, 26/04/2023

Thời gian qua, công tác tuyên truyền, quảng bá để người dân nhận thức đúng đắn về cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (gọi tắt là cuộc vận động) được các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tích cực thực hiện.

Thời gian qua, công tác tuyên truyền, quảng bá để người dân nhận thức đúng đắn về cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (gọi tắt là cuộc vận động) được các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tích cực thực hiện.

Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm hạt dinh dưỡng, nông sản sấy khô của Việt Nam tại Co.opmart Biên Hòa. Ảnh: H.Hà
Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm hạt dinh dưỡng, nông sản sấy khô của Việt Nam tại Co.opmart Biên Hòa. Ảnh: H.Hà

Trong bối cảnh công nghệ phát triển, thị hiếu tiêu dùng có nhiều thay đổi, nhiều người tiêu dùng mong muốn các sản phẩm hàng Việt Nam ngày càng tạo được nhiều điểm nhấn, nâng cao giá trị hình ảnh, mở rộng các kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Qua đó, ngày càng thu hút người tiêu dùng, nâng cao sức cạnh tranh với hàng ngoại.

* Cải thiện tính nhận diện ở các kênh bán lẻ

Hiện nay, làn sóng phát triển của doanh nghiệp (DN) ngoại đã khiến nhiều DN, đơn vị bán lẻ trong nước chịu nhiều sức ép. Hầu hết các phân khúc bán lẻ, dịch vụ hiện nay ở Việt Nam đều có sự hiện diện của các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, để các DN nội địa có thể “chuyển mình”, cạnh tranh sòng phẳng với các DN, thương hiệu nước ngoài, cần phải đa dạng các mô hình, kênh phân phối bán lẻ và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Thời gian gần đây, các nhà bán lẻ trong nước đã nỗ lực khắc phục điểm yếu trong việc liên kết giữa nhà phân phối và nhà sản xuất, giữa các nhà phân phối với nhau. Cụ thể như các nhà bán lẻ nội địa mới đã thành công khi không chỉ xuất hiện tại siêu thị, trung tâm thương mại mà còn có mặt trên kệ hàng của nhiều chuỗi cửa hàng, siêu thị tiện lợi như: GS25, Circle K, Winmart+… tại các khu dân cư, đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng ngày của người dân.

Việt Nam là thị trường tiềm năng của ngành bán lẻ, dịch vụ với lượng dân số đông, trẻ và yêu thích kết nối. Hơn nữa, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, thu nhập gia tăng... là những yếu tố giúp thị trường bán lẻ tăng trưởng nhanh. Đây chính là cơ hội để DN bán lẻ tận dụng sự phát triển của công nghệ, cạnh tranh thành công với các DN, tập đoàn bán lẻ nước ngoài.

Chị Thu Hạnh (P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) cho biết, các DN, dịch vụ bán lẻ cần tập trung vào những chiến lược phát triển ngay tại chỗ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nội địa. “Đặc biệt, ngày nay các DN cần cập nhật nhanh nhạy ứng dụng thương mại điện tử, khai thác sâu các kênh bán hàng trực tuyến, tích hợp đa kênh phương tiện trong thương mại điện tử... để tạo ra nhiều giá trị cho cả nhà bán lẻ và khách hàng trong xu thế mới” - chị Hạnh chia sẻ.

Ghi nhận đánh giá từ hệ thống phân phối theo kết quả khảo sát mới được công bố từ Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao cho thấy, đa số người bán đánh giá sản phẩm của DN đạt hàng Việt Nam chất lượng cao được nhiều người mua (đạt khoảng 80%). Ngoài ra, còn có các yếu tố như: thương hiệu uy tín (60%), sản phẩm đa dạng chủng loại (47%) hay giá bán cạnh tranh (39%). Đặc biệt, có trên 50% đánh giá DN hàng Việt Nam chất lượng cao có nhiều sản phẩm mới hoặc được cải tiến trong năm qua. Đây là tín hiệu đáng mừng, sự ghi nhận của các điểm bán lẻ là động lực để cộng đồng DN hàng Việt Nam chất lượng cao nỗ lực hơn nữa trong việc đáp ứng nhu cầu thị trường và mong đợi của người tiêu dùng.

Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Kim Hạnh chia sẻ, để đáp ứng nhu cầu và mong muốn của người tiêu dùng, các DN trong nước không chỉ quan tâm cải thiện chất lượng sản phẩm đơn thuần theo tiêu chí “ngon, rẻ” mà còn nên hướng tới cải tiến sản phẩm sao cho an toàn với sức khỏe người dùng, bền vững với môi trường. Cùng với đó, cộng đồng DN cần nỗ lực không ngừng tạo sự khác biệt trong cạnh tranh, bắt kịp xu hướng và thúc đẩy người tiêu dùng lựa chọn hàng Việt nhiều hơn.

* Đa dạng hình thức truyền thông cho hàng Việt

Theo Sở Công thương, trong quý I-2023, Sở đã phối hợp với các đơn vị, hội, hiệp hội, địa phương trong tỉnh triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá dành cho hàng Việt. Trong đó, Sở phối hợp với Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng tỉnh, các cơ quan báo chí trong tỉnh triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15-3) trên địa bàn.

Đồng thời, triển khai kế hoạch tuyên truyền Tuần lễ Thương hiệu quốc gia chào mừng Ngày Thương hiệu Việt Nam (20-4). Đây là hoạt động nhằm tôn vinh, quảng bá thương hiệu và hình ảnh Việt Nam, tăng cường công tác tuyên truyền về phát triển thương hiệu quốc gia trong cộng đồng DN và xã hội trên địa bàn tỉnh.

Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh (Ban Chỉ đạo 264) Vũ Đình Trung chia sẻ, thời gian tới, các thành viên Ban Chỉ đạo 264 tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về cuộc vận động; triển khai, kết nối các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu, kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh.

Trong năm nay, Ban Chỉ đạo 264 tỉnh dự kiến sẽ tổ chức cuộc thi ảnh với chủ đề Tôi tin dùng hàng Việt. Đây là hoạt động góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền, mở rộng các kênh quảng bá cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đưa hình ảnh các sản phẩm hàng Việt, hàng hóa thế mạnh của Đồng Nai đến gần hơn với người tiêu dùng…

Theo nhiều chuyên gia, trải qua đại dịch Covid-19 là một “phép thử” cho các DN sản xuất trong nước, nhà bán lẻ khi phải thay đổi và thích nghi với bối cảnh mới. Điều này giúp cho các DN trong nước nói chung và DN địa phương nói riêng củng cố thêm nội lực, nâng cao giá trị thương hiệu, hình ảnh cho các sản phẩm địa phương để đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Hải Quân

Tin xem nhiều