Báo Đồng Nai điện tử
En

Gắn sản phẩm GAP với chuỗi liên kết

08:04, 20/04/2023

Đồng Nai đang có chính sách nhân rộng diện tích sản xuất an toàn theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP… Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ nông sản sạch còn nhiều khó khăn, chưa có chuỗi liên kết hiệu quả nên đầu tư rồi khó duy trì vì nông dân không tái chứng nhận cho sản phẩm GAP.

Đồng Nai đang có chính sách nhân rộng diện tích sản xuất an toàn theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP… Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ nông sản sạch còn nhiều khó khăn, chưa có chuỗi liên kết hiệu quả nên đầu tư rồi khó duy trì vì nông dân không tái chứng nhận cho sản phẩm GAP.

Vùng chuyên canh rau HTX Rau an toàn Lộc Tiến (xã Xuân Hiệp, H.Xuân Lộc). Ảnh: B.NGUYÊN
Vùng chuyên canh rau HTX Rau an toàn Lộc Tiến (xã Xuân Hiệp, H.Xuân Lộc). Ảnh: B.NGUYÊN

Để sản xuất an toàn có đầu ra ổn định, có giá tốt, song song với việc hỗ trợ nông dân đầu tư, nhân rộng diện tích GAP, cần hỗ xây dựng được chuỗi liên kết thực sự bền vững

* Bấp bênh về thị trường

Sau đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay, tình hình kinh tế khó khăn là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều mặt hàng nông sản rớt giá vì gặp khó khăn về đầu ra. Đây cũng là khó khăn chung của nông sản sản xuất theo quy trình an toàn, trong đó có sản phẩm GAP.

Để sản xuất đạt chứng nhận GAP, nông dân phải tuân thủ theo một quy trình nghiêm ngặt từ khâu sản xuất đến thu hoạch, đóng gói. Nông dân chấp nhận đầu tư nhiều hơn về cả chi phí sản xuất và công chăm sóc để làm nông sản an toàn với kỳ vọng bán được với giá tốt, đầu ra ổn định hơn, nhất là khi thị trường biến động. Nhưng trên thực tế, nông sản sạch hiện chủ yếu bán cho thương lái với giá hàng thường khiến nông dân đầu tư sản xuất sạch càng gặp khó khăn.

Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có hơn 2 ngàn ha cây trồng chủ lực đạt chứng nhận sản xuất an toàn, tăng 418ha so với năm trước đó. Trong đó, rau VietGAP có gần 303ha, cây ăn trái các loại đạt hơn 1,1 ngàn ha…

Từ đầu năm đến nay, nông dân trồng rau trên địa bàn tỉnh lao đao do giá rau bán ra dưới giá thành sản xuất. Các vùng chuyên canh rau VietGAP ở Đồng Nai cũng gặp chung khó khăn trên. Các xã viên của HTX Rau an toàn Lộc Tiến (xã Xuân Hiệp, H.Xuân Lộc) đồng lòng chuyển đổi sang sản xuất an toàn, sản phẩm rau xà lách gai đã được cấp chứng nhận VietGAP với kỳ vọng vùng rau sạch này có đầu ra ổn định hơn. Tuy nhiên, cả năm qua, các xã viên của HTX gặp rất nhiều khó khăn khi giá rau thường bán dưới giá thành sản xuất. Điều khiến các xã viên thất vọng là đầu tư rất nhiều tâm sức để hình thành được vùng chuyên canh rau sạch nhưng sản phẩm hiện vẫn chủ yếu bán cho thương lái với giá thấp.

Cùng nỗi lòng trên, ông Vũ Văn Đông, nông dân trồng bưởi tại xã Tà Lài (H.Tân Phú) lo lắng, năm vừa qua, nhiều thời điểm, giá bưởi xuống thấp dưới giá thành sản xuất khiến nông dân thua lỗ. Trước đó, các xã viên của HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Tà Lài bỏ vốn đầu tư trồng bưởi đạt chứng nhận VietGAP với lòng tin là trái cây sạch sẽ bán được với giá tốt và có đầu ra ổn định. Thực tế, đến nay sản phẩm bưởi VietGAP của các xã viên vẫn chủ yếu bán cho thương lái với giá hàng thường; trái bưởi sạch cũng không được ưu tiên chọn mua khi sản phẩm này dội chợ vì thị trường cung lớn hơn cầu.

* Cần chuỗi liên kết mạnh

Nhu cầu về thực phẩm sạch trên thị trường ngày càng lớn, nhưng trong thực tế nhiều mô hình sản xuất theo chuẩn GAP tại Đồng Nai từ nhiều năm nay vẫn đang gặp khó khăn về đầu ra.

Theo nhiều HTX sản xuất theo quy trình VietGAP, khó khăn lớn nhất là sản phẩm sạch chủ yếu vẫn bán qua thương lái và hầu như không có sự khác biệt nào về giá so với sản phẩm thường. Đây là lý do khiến một số HTX sản xuất rau, quả sạch hoặc chăn nuôi đã không làm tái chứng nhận VietGAP, GlobalGAP dù đã mất nhiều công sức gầy dựng.

Trong đó có nguyên nhân đa số các HTX sản xuất theo quy trình VietGAP chỉ mới phát huy được vai trò trong khâu hướng dẫn, triển khai đến nông dân về kỹ thuật trong sản xuất. Nông dân vẫn phải tự xoay xở tìm đầu ra cho sản phẩm, luôn đối mặt với sự bấp bênh của thị trường. Một số HTX đã xây dựng được chuỗi liên kết có sự tham gia của doanh nghiệp, sản phẩm cung cấp được vào các kênh tiêu thụ hiện đại như cửa hàng thực phẩm an toàn, siêu thị nhưng vẫn kém bền vững. Khi thị trường gặp khủng hoảng thừa thì các đối tác trên dễ dàng hủy hợp đồng tiêu thụ với xã viên.

Bà Nguyễn Thị Kim Mai, chủ trang trại trái cây an toàn Kim Mai (xã Phú Ngọc, H.Định Quán) chia sẻ, sản xuất sạch còn ít và yếu ớt. Nông dân cũng rất e ngại đầu tư sản xuất sạch vì thường tốn thêm công và chi phí nhưng sản phẩm sạch vẫn bán như hàng chợ. Nguyên nhân do thị trường nông sản sạch chưa tạo được lòng tin của người tiêu dùng vì thiếu sự minh bạch. Ở đây rất cần vai trò của Nhà nước trong khâu quản lý cũng như trong việc quảng bá, kết nối thị trường cho nông sản sạch.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Phước, Tổ trưởng Tổ hợp tác Mít Lộc Thịnh (xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất) so sánh, khi áp dụng quy trình sản xuất sạch, thời gian đầu cây trồng cho năng suất, sản lượng thấp hơn so với cách làm truyền thống. Trong khi đó, giá cả nông sản an toàn hiện bán ra không cao hơn so với sản phẩm thường, đầu ra chưa ổn định khiến nông dân e ngại đầu tư.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều