Báo Đồng Nai điện tử
En

Dấu ấn công nghiệp ở Đồng Nai

08:04, 28/04/2023

Các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã trải qua biết bao thăng trầm để hình thành và phát triển trên vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, kể từ khi các bậc tiền nhân khai phá vùng đất phương Nam đến khi trở thành địa phương có công nghiệp phát triển hàng đầu cả nước.

Các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã trải qua biết bao thăng trầm để hình thành và phát triển trên vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, kể từ khi các bậc tiền nhân khai phá vùng đất phương Nam đến khi trở thành địa phương có công nghiệp phát triển hàng đầu cả nước.

Khu công nghiệp Biên Hòa 1 - khu công nghiệp đầu tiên của cả nước chuẩn bị kết thúc sứ mệnh của mình. Ảnh: Phạm Tùng
Khu công nghiệp Biên Hòa 1 - khu công nghiệp đầu tiên của cả nước chuẩn bị kết thúc sứ mệnh của mình. Ảnh: Phạm Tùng

* Những bước đầu của ngành công nghiệp Đồng Nai

Lịch sử còn ghi, vào tháng 12-1861, liên quân Pháp - Tây Ban Nha tiến đánh thành Biên Hòa và không lâu sau đó, vào ngày 18-12-1861, thành Biên Hòa rơi vào tay thực dân Pháp.

Đồng Nai cũng là vùng đất hội tụ nhân dân từ mọi miền đất nước về chung tay xây dựng và phát triển cuộc sống từ hơn 300 năm trước: “Nhà Bè nước chảy chia hai. Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”.

Nền kinh tế ở Biên Hòa và Nam kỳ khi mới khai phá cho đến thời điểm này vốn dĩ dựa vào nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại thì dưới thời Pháp thuộc đã có sự thay đổi. Cuốn Hành trình xuyên thế kỷ những dấu ấn và giá trị trường tồn của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho biết, dưới tác động từ các chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, đầu thế kỷ XX, với sự ra đời của một loạt nhân tố kinh tế mới, nền kinh tế nông nghiệp không còn giữ vai trò độc tôn như trước mà bắt đầu có biến đổi.

Cụ thể, kinh tế nông nghiệp, nhất là ở Nam kỳ, bắt đầu bị thu hút vào guồng máy sản xuất hàng hóa. Đây là một bước chuyển quan trọng, hướng nông nghiệp vào nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Thủ công nghiệp sau một thời gian bị chững lại trước sức ép của hàng hóa Pháp lúc này phát triển mạnh mẽ. Một số ngành tách khỏi nông nghiệp trở thành ngành sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Riêng nền công nghiệp hiện đại thật sự ra đời và bắt đầu có sự lớn mạnh ở một số ngành nhất định, chủ yếu là ngành xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Bên cạnh đó, ngành khai thác mỏ và công nghiệp chế biến cũng được coi là ngành công nghiệp hoàng kim với thời kỳ thuộc địa Pháp.

Địa chí Đồng Nai ghi nhận, vào năm 1870, ông Kresser lập một xưởng đường ở Biên Hòa, là chi nhánh công ty lọc đường Hong Kong và cũng là cơ sở công nghiệp hiện đại đầu tiên ở Biên Hòa lúc bấy giờ. Năm 1880, nhà tư bản Lancelot mở nhà máy đường Lạc An. Năm 1897, nhà tư sản Blondel mở một trại cưa thủ công ở làng Tân Mai. Năm 1907, Công ty Kỹ nghệ và lâm nghiệp Biên Hòa được xây dựng và thành lập Hãng cưa Tân Mai (BIF) - là nhà máy công nghiệp cỡ lớn đầu tiên tại Biên Hòa. Đến cuối thập niên 50 của thế kỷ XX, công nghiệp ở Đồng Nai bắt đầu khởi động với việc xây dựng Nhà máy giấy Đồng Nai COGIDO và Nhà máy giấy Tân Mai COGIVINA.

Thực tế, chủ trương của thực dân Pháp trong lĩnh vực công nghiệp là hạn chế phát triển công nghiệp nặng, công nghiệp thuộc địa không được làm ảnh hưởng đến sự phát triển công nghiệp chính quốc, chỉ giới hạn trong việc cung cấp những nguyên liệu hay vật phẩm mà Pháp không có. Thực dân Pháp chỉ duy trì nền sản xuất Việt Nam ở mức độ lạc hậu nhất với mưu đồ kiếm được lợi nhuận cao nhất, chắc ăn nhất. Do đó, theo một số nhà nghiên cứu thì đây là một “cơ cấu kinh tế mà hiện đại luôn đi kèm với sự lạc hậu”.

* Đến “cái nôi” của công nghiệp cả nước

Trong hành trình trở thành cái nôi công nghiệp của cả nước, ngành công nghiệp ở Đồng Nai đánh dấu bước phát triển theo mô hình sản xuất công nghiệp tập trung với sự ra đời của Công ty Quốc gia khuếch trương khu kỹ nghệ (KKN) SONADEZI vào năm 1963.

Theo lịch sử của Công ty Sonadezi thì trong 12 năm, từ năm 1963-1975, Sonadezi đã thành lập nhiều khu kỹ nghệ (KKN) như: KKN Biên Hòa (ngày 25-3-1963), KKN Tây Đô (ngày 6-1-1968), KKN Đà Nẵng (ngày 3-11-1971), KKN Tân Mai (ngày 15-4-1974), KKN Long Bình (ngày 21-5-1974), KKN Cam Ranh (ngày 21-5-1974) với tổng diện tích 511ha.

Trong số các KKN do Sonadezi thành lập, KKN Biên Hòa, nay là Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1 là dự án mang ý nghĩa lịch sử trong quá trình hình thành và phát triển của Sonadezi và cũng là KCN đầu tiên trong cả nước. KKN Biên Hòa đặt tại Q.Đức Tu, tỉnh Biên Hòa (cũ). Đây là KKN lớn, giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Có thể nói, thành tựu của KKN Biên Hòa là một minh chứng sinh động cho sự thành công của mô hình KKN tại Việt Nam trong giai đoạn những năm 1960 và nửa đầu những năm 1970.

KKN Biên Hòa cách Sài Gòn 20km, phía Đông giáp xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa, phía Tây giáp Rạch Cát và nhánh sông Đồng Nai, phía Bắc giáp quốc lộ 15 và phía Nam giáp sông Đồng Nai.

Theo một số tài liệu lịch sử về sự ra đời của KKN Biên Hòa, ngày 21-5-1963, chính quyền Sài Gòn ký sắc lệnh 49-KT thành lập KKN Biên Hòa do Công ty Quốc gia khuếch trương các KKN Sonadezi quy hoạch. Đến ngày 12-8-1963, KKN được khởi công (theo sắc lệnh số 82-KT) tiến hành trưng thu, bồi thường giải tỏa đất đai cho dân trong vùng. Công ty Quốc gia khuếch trương các KKN có được 2 nguồn vốn đóng góp của Ngân hàng Phát triển kỹ nghệ và Thương cảng Sài Gòn lên đến 40 triệu đồng.

Theo luận văn KKN Biên Hòa của Ip A Sám (1973), KKN đã được xây dựng trên diện tích 1.229.515m2, huy động 6.355 công nhân, tổng số vốn 7.470 triệu đồng, trong đó trị giá thiết bị máy móc 2.591 triệu đồng, thương vụ hàng năm đạt trên 8.403 triệu đồng.

Từ năm 1963-1975, trong KKN Biên Hòa đã có 94 nhà máy được cấp giấy phép xây dựng, trong đó có 38 xí nghiệp được đưa vào hoạt động trước ngày 30-4- 1975 với số lượng công nhân là 6.082 người.

KKN Biên Hòa sản xuất nhiều chủng loại hàng hóa, trong đó có một số nhà máy có số lượng công nhân lao động tương đối đông như: Nhà máy Cogido (700 người), Nhà máy Amiăng (650 người), nhà máy làm đồ hộp xuất khẩu (417 người). Những hãng xưởng còn lại có số lượng công nhân lao động từ 300 người trở xuống. KKN Biên Hòa hầu như không có nhà máy lớn, chủ yếu là các nhà máy sản xuất chế biến hàng tiêu dùng (công nghiệp nhẹ), nhà máy lắp ráp vốn bỏ ra không lớn, thời gian xây dựng ngắn, lại thu hồi vốn nhanh, lãi nhiều. KCN lớn nhất miền Nam hồi bấy giờ gồm 17 ngành sản xuất chế biến: nông sản thực phẩm, gỗ diêm, thiết bị ắc quy, điện tử, hóa chất, gạch chịu lửa, vật liệu xây dựng, may mặc, giấy, luyện kim đen, chế tạo cơ khí, dây và cáp điện, bê tông, tấm lợp, cao su, bóng đèn, thủy tinh…

Sau 6 thập niên hình thành và hoạt động, KCN Biên Hòa 1 - KCN đầu tiên của cả nước chuẩn bị kết thúc sứ mệnh của mình. KCN Biên Hòa 1 sẽ được chuyển đổi công năng thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường nước sông Đồng Nai và mở rộng thêm không gian phát triển đô thị của TP.Biên Hòa.

* Hình thành đội ngũ công nhân công nghiệp

Cùng với sự phát triển công nghiệp thì giai cấp công nhân ở Đồng Nai cũng manh nha từ những năm cuối thế kỷ XIX, chính thức ra đời khi thực dân Pháp thực hiện công cuộc khai thác thuộc địa ở địa phương những năm đầu thế kỷ XX.

Theo Lịch sử giai cấp công nhân Đồng Nai thì năm 1906, tư bản Pháp chính thức thành lập Công ty Đồn điền Suzannah ở Dầu Giây (nay thuộc H.Thống Nhất) và sau đó là hàng loạt công ty đồn điền khác. Để đảm bảo lao động, tư bản Pháp thực hiện chính sách mộ phu từ những nông dân nghèo khổ bị địa chủ phong kiến áp bức bóc lột nặng nề ở miền Trung, miền Bắc, đưa vào các đồn điền cao su ở miền Đông. Đặc biệt, từ năm 1912, khi Công ty Kỹ nghệ và lâm nghiệp Biên Hòa đi vào hoạt động thì một lớp công nhân công nghiệp đã hình thành ở Biên Hòa.

Giai cấp công nhân ở Biên Hòa ngày càng phát triển hơn khi có KKN Biên Hòa. Đó là đội ngũ công nhân hiện đại, có tay nghề cao, có trình độ chuyên môn kỹ thuật, có ý thức giác ngộ dân tộc và giai cấp. Ngay từ khi mới hình thành, công nhân Biên Hòa đã đứng lên đấu tranh với mục tiêu đòi cải thiện đời sống, lao động trước những sự đàn áp, kỷ luật lao động khắc nghiệt. Có thể kể đến các cuộc đấu tranh của công nhân Đồn điền Cao su Cam Tiêm (năm 1926), Phú Riềng (các năm 1928, 1929), Nhà máy Cưa BIF…

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giai cấp công nhân ở Biên Hòa - Đồng Nai là lực lượng chính để xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, xây dựng căn cứ địa, cung cấp hậu cần, đội ngũ giao liên, lực lượng đấu tranh chính trị, binh vận, góp phần làm nên những chiến công có ý nghĩa lịch sử. Đặc biệt là giai cấp công nhân ở Biên Hòa - Đồng Nai thực hiện cuộc nổi dậy giải phóng hoàn toàn KKN Biên Hòa - KCN lớn nhất ở miền Nam và toàn bộ đồn điền cao su vào thời điểm mùa xuân năm 1975.

KKN Biên Hòa có thể coi là bộ mặt của nền công nghiệp miền Nam. Đến trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tại đây tập trung 8.670 công nhân (trong đó khoảng 2.700 nữ công nhân) với trình độ sử dụng kỹ thuật tương đối cao. Nhiều nhà máy có mức trang bị máy móc thiết bị công nghệ cao. Tuy nhiên, với nền kinh tế thực dân mới, nền công nghiệp của miền Nam lúc bấy giờ vẫn là nền công nghiệp lệ thuộc nước ngoài.

Lâm Viên – Nhật Hạ

Tin xem nhiều