Hiện nay, ngành dệt may thế giới đã đặt ra kịch bản cho năm 2023. Nhiều khả năng nhu cầu mặt hàng dệt may sẽ giảm từ 50-60 tỷ USD so với năm 2022. Việc này sẽ khiến nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn vì thiếu đơn hàng.
Hiện nay, ngành dệt may thế giới đã đặt ra kịch bản cho năm 2023. Nhiều khả năng nhu cầu mặt hàng dệt may sẽ giảm từ 50-60 tỷ USD so với năm 2022. Việc này sẽ khiến nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn vì thiếu đơn hàng.
Sản xuất quần áo xuất khẩu tại Công ty CP Đồng Tiến ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Giang |
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), năm 2023, tổng nhu cầu của thị trường dệt may thế giới có thể giảm xuống chỉ còn 716 tỷ USD và năm 2024 cũng tương đương như vậy. Như vậy trong năm tới, thị trường dệt may thế giới sẽ tiếp tục ảm đạm, việc cạnh tranh với mặt hàng cùng loại với các quốc gia, vùng lãnh thổ khác sẽ khốc liệt hơn.
* Nhiều rủi ro phải vượt qua
Trong năm 2022, dù ngành dệt may Việt Nam vẫn về đích với tổng kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD, tăng 8,8% so với năm trước đó, nhưng dệt may Việt Nam lại bị mất đi vị trí quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ 2 trên thế giới vì Bangladesh đã vượt qua chiếm giữ vị trí này.
Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu dệt may lớn thứ 3 trên thế giới (sau Trung Quốc và Bangladesh). Trong 3 tháng cuối năm nay, ngành dệt may gặp rất nhiều khó khăn vì đơn hàng giảm trên 20-50% so với dịp đầu năm, nhiều DN buộc phải cho công nhân nghỉ việc luân phiên hoặc nghỉ 2-3 ngày/tuần.
Theo Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Đồng Nai 11 tháng năm 2022 là hơn 1,7 tỷ USD, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến năm nay dệt may sẽ đạt hơn 1,8 tỷ USD. |
Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường đánh giá: “Dự báo năm 2023, dệt may thế giới sẽ suy giảm 6-11% so với năm 2022 và tổng nhu cầu của người tiêu dùng với mặt hàng này còn 716-678 tỷ USD. Tuy lạm phát tại các nước lớn đã “hạ nhiệt” nhưng vẫn tiếp tục khó khăn, sức mua vẫn yếu. Các thị trường lớn của dệt may Việt Nam như: Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ giảm đơn hàng và chỉ đặt những đơn hàng trong ngắn hạn”.
“Miếng bánh” thị phần của ngành dệt may năm sau được cho là sẽ cạnh tranh khốc liệt hơn khi các nước đều cạnh tranh tìm đơn hàng mới. Các nhãn hàng sẽ ưu tiên cho những nhà máy sản xuất có chất lượng tốt, giá cạnh tranh và mọi thủ tục xuất - nhập khẩu thuận lợi. Việt Nam tuy vẫn giữ được vị trí cao trong ngành dệt may của thế giới nhưng tốc độ tăng trưởng đã chậm lại và việc tái đầu tư cho ngành so với các nước trong khu vực còn thấp.
Phó chủ tịch Vitas Trương Văn Cẩm cho biết: “Dự kiến đầu năm 2023, thị trường Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại và rủi ro là có thể đẩy giá hàng hóa toàn cầu lên cao và có thể gây ra áp lực cho chuỗi cung ứng. Tuy khó khăn nhưng dệt may Việt Nam vẫn đặt ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu khoảng 47-48 tỷ USD. Để đạt được kết quả trên, các DN nên phát triển theo hướng bền vững. Vitas sẽ kiến nghị Chính phủ có những chính sách kịp thời hỗ trợ ngành như: bỏ thuế với vải sợi sản xuất tiêu thụ trong nước, giảm thuế VAT, đơn giản thủ tục DN tiếp cận gói vay ưu đãi 350 ngàn tỷ đồng”.
* Tham gia vào chuyển đổi số
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số sẽ giúp cho ngành dệt may Việt Nam trụ vững và tiếp tục phát triển. Năm 2022, ngành dệt may Bangladesh vượt qua Việt Nam là do họ đã đi nhanh hơn trong chuyển đổi số để tham gia vào sản xuất xanh. Trong những tháng cuối năm 2022, dệt may Việt Nam đơn hàng giảm mạnh thì Bangladesh vẫn giữ mức tăng trưởng rất cao, trên 30% so với cùng kỳ năm trước.
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia và Ủy viên Ủy ban quốc gia về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương chia sẻ: “Trên thế giới, trung bình dành 2-3% doanh thu cho chuyển đổi số nhưng Việt Nam chỉ có 0,3%. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi của DN theo hướng sản xuất xanh. DN dệt may muốn trụ vững và phát triển buộc phải “xanh” hóa. Năm 2023, DN dệt may tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức là đơn hàng giảm, chuỗi cung ứng rủi ro. Vì vậy, DN dệt may Việt Nam nên cơ cấu lại, chủ động tìm hiểu để hưởng các chính sách ưu đãi của Chính phủ và thích ứng, chuyển số và “xanh” hóa để thu hút các đơn hàng”.
Hiện nay, ngành dệt may Việt Nam đưa ra chiến lược phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng 5-6%/năm và sẽ đạt 70 tỷ USD vào năm 2030. Trong đó, các DN sẽ chuyển dần từ trọng tâm phát triển nhanh sang phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn. Đồng thời, ngành dệt may hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Xuất khẩu trong nước bằng thương hiệu riêng mang tầm khu vực và thế giới.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, năm 2022, ngành dệt may chịu những tác động lớn từ dịch bệnh Covid-19 và căng thẳng giữa Nga - Ukraine nhưng vẫn về đích, góp phần cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Ngành dệt may giải quyết việc làm cho khoảng 2 triệu lao động trực tiếp và gần 1 triệu lao động gián tiếp.
Trong năm tới, tình hình kinh tế toàn cầu vẫn khó khăn, sức mua yếu, tác động tiêu cực đến ngành dệt may. Do đó, các DN phải chủ động thích ứng, tham gia chuyển đổi số hướng đến sản xuất xanh để nhận được nhiều đơn hàng, hoàn thành mục tiêu đã đề ra. Bộ Công thương sẽ hỗ trợ ngành tháo gỡ khó khăn về chính sách, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Hương Giang