Báo Đồng Nai điện tử
En

Thách thức hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công

07:12, 08/12/2022

Nhiều đơn vị dự kiến không thể hoàn thành tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công theo kế hoạch đề ra khiến cho mục tiêu chung của tỉnh về giải ngân nguồn vốn này năm 2022 đứng trước nhiều thách thức.

Nhiều đơn vị dự kiến không thể hoàn thành tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công theo kế hoạch đề ra khiến cho mục tiêu chung của tỉnh về giải ngân nguồn vốn này năm 2022 đứng trước nhiều thách thức.

Việc hoàn thành mục tiêu giải ngân nguồn vốn đầu tư công đạt từ 95% trở lên trong năm 2022 của Đồng Nai vẫn còn rất nhiều thách thức. Trong ảnh: Thi công dự án Hương lộ 2, đoạn 1, giai đoạn 1
Việc hoàn thành mục tiêu giải ngân nguồn vốn đầu tư công đạt từ 95% trở lên trong năm 2022 của Đồng Nai vẫn còn rất nhiều thách thức. Trong ảnh: Thi công dự án Hương lộ 2, đoạn 1, giai đoạn 1. Ảnh: P.Tùng

* Tỷ lệ cao, nhưng chưa đạt kỳ vọng

Theo Sở KH-ĐT, năm 2022, tổng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh là hơn 13,6 ngàn tỷ đồng. Tính đến ngày 25-11, Đồng Nai đã giải ngân nguồn vốn hơn 7,9 ngàn tỷ đồng, đạt hơn 58% kế hoạch.

Đánh giá về tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đến thời điểm ngày 25-11, đại diện Sở KH-ĐT cho biết, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn của Đồng Nai đang cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Tuy nhiên, so với mục tiêu đề ra là giải ngân đạt 60% tổng nguồn vốn khi kết thúc quý III-2022 thì tỷ lệ giải ngân nguồn vốn của tỉnh vẫn còn thấp.

Đáng nói, tính đến ngày 25-11, trên địa bàn tỉnh ghi nhận đến 9 đơn vị được phân bổ nguồn vốn đầu tư công năm 2022 có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn 0%.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ TẤN ĐỨC, trước đây Đồng Nai thường phải “chạy đua” vào thời điểm cuối năm để hoàn thành mục tiêu thu ngân sách. Tuy nhiên, những năm gần đây, thu ngân sách của tỉnh thường “về đích” vào thời điểm tháng 10, 11. Năm 2022, tính đến giữa tháng 11, thu ngân sách tỉnh đã đạt hơn 61 ngàn tỷ đồng, đạt 111% so với kế hoạch. Trong khi đó, việc thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công lại không đạt như kỳ vọng. “Có tiền không tiêu được, hiện tỉnh rất lo đối với nhiệm vụ giải ngân nguồn vốn đầu tư công” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho hay.

Nguyên nhân tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chậm là do có gần 1,2 ngàn tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh phải đến giữa năm 2022 mới được giao chỉ tiêu bổ sung do chưa đủ điều kiện phân bổ từ đầu năm. Bên cạnh việc giao vốn chậm, khó khăn lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân nguồn vốn là những vướng mắc trong khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn chưa được tháo gỡ. Ảnh hưởng của việc biến động giá cả vật tư, nguyên liệu, giá nhân công… khiến một số nhà thầu thi công cầm chừng, thậm chí dừng thi công, bỏ cọc phải tổ chức đấu thầu lại cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân nguồn vốn.

Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công đạt thấp còn có nguyên nhân rất lớn từ sự chủ quan, thiếu quyết liệt của các chủ đầu tư. Cùng với đó, sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan, đặc biệt là trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, nhiều năm qua, UBND tỉnh đã triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp trong thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công ngay từ đầu năm. Mặc dù vậy, việc giải ngân nguồn vốn vẫn bị động ngay từ những tháng đầu, quý đầu của mỗi năm.

“Kịch bản” đầu năm chậm trễ, cuối năm tăng tốc trong giải ngân nguồn vốn đầu tư công tiếp tục lặp lại trong năm 2022. “Sau khi thực hiện giao kế hoạch, UBND tỉnh đã có nhiều biện pháp, giải pháp chỉ đạo quyết liệt đối với các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp giải ngân vốn. Tuy nhiên, đến thời điểm ngày 25-11-2022, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn của tỉnh dù vượt ngưỡng bình quân chung của cả nước nhưng so với các địa phương trong khu vực vẫn còn thấp” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho hay.

* Nhiều đơn vị dự kiến không đạt mục tiêu giải ngân vốn

Năm 2022, Đồng Nai đặt mục tiêu giải ngân đạt từ 95% trở lên đối với nguồn vốn đầu tư công được giao chỉ tiêu kế hoạch. Để hoàn thành mục tiêu này, quỹ thời gian còn lại chỉ còn khoảng 1,5 tháng. Đây là thách thức rất lớn đối với tỉnh trong việc hoàn thành mục tiêu giải ngân nguồn vốn đầu tư công đã đặt ra, đặc biệt trong bối cảnh nhiều đơn vị được dự báo sẽ không thể đạt được tỷ lệ giải ngân nguồn vốn như kỳ vọng.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh được giao nguồn vốn đầu tư công là 318 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương trong năm 2022. Tính đến thời điểm giữa tháng
11-2022, đơn vị này mới chỉ giải ngân được khoảng 20% nguồn vốn được giao.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Ngô Thế Ân cho biết, năm 2022, việc thực hiện hồ sơ các dự án gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, biến động giá vật tư, vật liệu. Chính vì vậy, việc giải ngân nguồn vốn cũng gặp rất nhiều khó khăn. “Đối với nguồn vốn được bố trí từ nguồn ngân sách địa phương, năm 2022, đơn vị sẽ nỗ lực để đạt tỷ lệ giải ngân trên 80% tổng nguồn vốn được bố trí” - ông Ngô Thế Ân cho biết.

Tương tự, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cũng rất khó để hoàn thành việc giải ngân đạt từ 95% trở lên đối với nguồn vốn được giao kế hoạch.

Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Nguyễn Anh Tuấn cho biết, năm 2022, đơn vị được giao nguồn vốn 654 tỷ đồng gồm 309 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương và 345 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương. “Với nguồn vốn ngân sách địa phương, tỷ lệ giải ngân đến hết năm đạt khoảng 70% tổng nguồn vốn được bố trí. Với nguồn vốn ngân sách trung ương, khả năng chỉ giải ngân được khoảng 60/345 tỷ đồng được giao” - ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay.

Với các địa phương cấp huyện, dự kiến cũng sẽ có khá nhiều đơn vị không thể đạt được tỷ lệ giải ngân nguồn vốn như kế hoạch đã đề ra.

Chủ tịch UBND H.Định Quán Trần Nam Biên cho biết, việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn huyện thời gian qua gặp nhiều khó khăn nên tỷ lệ đạt thấp. Hết năm 2022, H.Định Quán dự kiến chỉ giải ngân đạt khoảng 88% đối với nguồn vốn hơn 17 tỷ đồng vốn đầu tư công do UBND H.Định Quán giao chỉ tiêu kế hoạch. Với nguồn vốn gần 37 tỷ đồng do UBND tỉnh giao chỉ tiêu kế hoạch, dự kiến chỉ giải ngân được khoảng 50%.

Ngoài H.Định Quán, dự kiến sẽ có thêm 4 địa phương khác gồm: Thống Nhất, Tân Phú, Vĩnh Cửu và Trảng Bom không thể hoàn thành mục tiêu giải ngân nguồn vốn đầu tư công đối với nguồn vốn do UBND tỉnh giao chỉ tiêu kế hoạch.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều