Báo Đồng Nai điện tử
En

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong ghi nhãn hàng hóa

07:12, 07/12/2022

Là quốc gia có nền kinh tế định hướng xuất khẩu nên ngoại thương của Việt Nam có tỉ trọng cao gấp đôi so với GDP. Trong quá trình làm thủ tục xuất - nhập khẩu, thông quan… hàng hóa, doanh nghiệp (DN) gặp những vướng mắc, khó khăn, trong đó có việc ghi nhãn hàng hóa.

Là quốc gia có nền kinh tế định hướng xuất khẩu nên ngoại thương của Việt Nam có tỉ trọng cao gấp đôi so với GDP. Trong quá trình làm thủ tục xuất - nhập khẩu, thông quan… hàng hóa, doanh nghiệp (DN) gặp những vướng mắc, khó khăn, trong đó có việc ghi nhãn hàng hóa.

Doanh nghiệp sản xuất, lưu thông hàng hóa nội địa và xuất khẩu cần thường xuyên cập nhật chính sách về ghi nhãn hàng hóa (ảnh minh họa)
Doanh nghiệp sản xuất, lưu thông hàng hóa nội địa và xuất khẩu cần thường xuyên cập nhật chính sách về ghi nhãn hàng hóa (ảnh minh họa)

Đồng Nai là một trong 6 địa phương của cả nước có dự án Tạo thuận lợi thương mại cho DN đang được triển khai đến hết năm 2023.

* Nhiều quy định DN quan tâm

Trước đây, hàng hóa sản xuất lưu thông trên thị trường (cả nội địa lẫn xuất khẩu) được quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa. Qua thời gian, việc thực thi nghị định có nhiều bất cập cần sửa đổi và Nghị định 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP được ra đời.

Từ năm 2022, Nghị định 111 có hiệu lực thi hành, trong đó, có những quy định mới mà cộng đồng DN rất quan tâm. Cụ thể, hàng hóa sản xuất trong nước để xuất khẩu sẽ được ghi nhãn theo pháp luật của nước nhập khẩu, trong trường hợp nếu nhãn của sản phẩm có thể hiện xuất xứ hàng hóa Việt Nam thì nội dung xuất xứ đó phải đảm bảo đáp ứng quy định liên quan của pháp luật Việt Nam.

Đối với hàng nhập khẩu, trên nhãn gốc của hàng hóa bắt buộc phải thể hiện tên hàng hóa, tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hoặc nơi hàng hóa được hoàn thiện cuối cùng (trường hợp trên nhãn gốc không thể hiện xuất xứ hoặc nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa thì bắt buộc phải thể hiện nội dung này trong hồ sơ nhập khẩu kèm theo).

Ngoài ra, với xuất xứ hàng hóa nói chung (cả lưu thông trong nước lẫn xuất khẩu, nhập khẩu), nghị định cho phép các DN tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình, đồng thời bổ sung cách ghi đối với những trường hợp không xác định được xuất xứ, đó là phải ghi rõ, minh bạch về nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa, ví dụ như “lắp ráp tại”, “đóng chai tại”…

Ông Hoàng Văn Thân, đại diện Công ty TNHH Nox Asean (ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6) cho biết DN rất quan tâm các vấn đề liên quan đến hàng hóa, ghi nhãn hàng hóa và tự chứng nhận nguồn gốc xuất xứ... Khi những quy định mới được ban hành, các DN cần nắm bắt để tránh xảy ra sai sót, nhất là khi có hiệu lực được một thời gian nhưng DN lại chưa hiểu hết, từ đó gặp các rắc rối không đáng có.

* Tạo thuận lợi thương mại cho DN

Theo các chuyên gia, việc đưa ra các quy định chi tiết về nhãn hàng hóa sẽ là một trong những giải pháp phù hợp giúp các cơ quan quản lý nhà nước và các lực lượng chức năng nâng cao công tác kiểm tra và đấu tranh với gian lận xuất xứ hàng hóa. Bên cạnh đó, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất - nhập khẩu hàng hóa.

Trên thực tế, thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập trong vấn đề này. Cụ thể, nhiều mặt hàng vốn chỉ trải qua các công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản tại Việt Nam cũng được gắn nhãn “hàng Việt Nam”, “xuất xứ tại Việt Nam”, “sản xuất tại Việt Nam”…  để lưu thông, nhưng các cơ quan chức năng không có căn cứ xử lý. Nhiều loại hàng hóa nước ngoài cũng trà trộn, mượn danh “xuất xứ Việt Nam” để hưởng lợi bất hợp pháp từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, hoặc lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước nhập khẩu. Những điều này ảnh hưởng đến uy tín của các DN nói riêng và sản phẩm của Việt Nam khi tham gia thị trường quốc tế.

Với những quy định mới, các DN, nhất là những đơn vị liên quan đến xuất - nhập khẩu cần phải được cập nhật nội dung thường xuyên để áp dụng đúng. Từ năm 2020, Đồng Nai phối hợp với dự án Tạo thuận lợi thương mại (USAID TFP) triển khai dự án này ở địa phương. Đây là dự án do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ tại Việt Nam với số vốn 21,7 triệu USD, thực hiện đến hết năm 2023.

Thông qua các lớp tập huấn, hội thảo, dự án USAID TFP nhằm loại bỏ những bất cập trong thủ tục thông quan, hỗ trợ áp dụng và triển khai cách tiếp cận dựa trên đánh giá rủi ro tại các cơ quan hải quan và quản lý chuyên ngành của Việt Nam đối với hàng hóa xuất - nhập khẩu, từ đó tăng cường việc thực thi Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó giám đốc dự án USAID TFP cho biết, ngay từ khi dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa kiểm soát được hoàn toàn, đơn vị đã phối hợp với địa phương tổ chức các hội thảo theo hình thức trực tuyến. Đã có ít nhất 5 chương trình được thực hiện tại Đồng Nai. Đồng Nai là một trong 6 địa phương của cả nước được lựa chọn để triển khai dự án Tạo thuận lợi thương mại. Thông qua đó, cơ quan chức năng, nhà quản lý, cũng như DN sẽ tiếp cận tốt hơn các quy định của pháp luật.

“Theo quan sát của chúng tôi, những vướng mắc của DN trong việc ghi nhãn hàng hóa đang có chiều hướng gia tăng so với những năm trước. Việc phân loại hàng hóa trong thực hiện nhiệm vụ hải quan sẽ rất khó khăn. Chúng tôi sẽ nỗ lực phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức các chương trình nhằm tạo thuận lợi cho DN nói riêng và cả trong công tác của cơ quan hải quan” - ông Sơn chia sẻ.

Văn Gia

Tin xem nhiều