Dù khó khăn trong tìm đơn hàng nhưng đến hết tháng 11-2022, Đồng Nai đã có 6 nhóm hàng kim ngạch xuất khẩu vượt 1 tỷ USD. Đây đều là những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, chiếm gần 58% trong tổng kim ngạch xuất khẩu và có xuất siêu khá lớn.
Dù khó khăn trong tìm đơn hàng nhưng đến hết tháng 11-2022, Đồng Nai đã có 6 nhóm hàng kim ngạch xuất khẩu vượt 1 tỷ USD. Đây đều là những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, chiếm gần 58% trong tổng kim ngạch xuất khẩu và có xuất siêu khá lớn.
Sản xuất linh kiện máy móc xuất khẩu tại Công ty TNHH Trans-Machine Technologies Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2 (H.Nhơn Trạch). Ảnh: K.Minh |
Theo Sở Công thương, 6 nhóm hàng có tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 13,1 tỷ USD gồm: giày dép; máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng; sản phẩm gỗ; dệt may; xơ sợi dệt; phương tiện vận tải và phụ tùng. Trong đó, dẫn đầu là giày dép; xếp thứ hai là máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng.
* Giữ mức tăng trưởng cao
Từ tháng 10-2022, ngành giày dép phải đối mặt với nhiều khó khăn do đơn hàng giảm mạnh so với dịp đầu năm. Thế nhưng, sản xuất giày dép của Đồng Nai trong 11 tháng của năm 2022 vẫn đạt kỷ lục mới với kim ngạch xuất khẩu hơn 4,8 tỷ USD, tăng hơn 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước và xuất siêu 4,3 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu chính của nhóm hàng trên là Hoa Kỳ, châu Âu và Trung Quốc. Dự kiến năm nay xuất khẩu giày dép vẫn đạt hơn 5,2 tỷ USD.
Tổng giám đốc điều hành khu vực Việt Nam của Tập đoàn Phong Thái Lê Quốc Thanh cho biết: “Tại Đồng Nai, Tập đoàn có 5 công ty chuyên sản xuất giày dép xuất khẩu. Trong 3 quý đầu năm, đơn hàng dồi dào nên sản xuất giày dép tăng trưởng khá tốt, nhưng quý IV do ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu nên đơn hàng sụt giảm. Tuy nhiên, tổng sản lượng giày dép sản xuất năm nay vẫn tăng trưởng cao hơn năm trước vì dịch bệnh Covid-19 đã được khống chế”.
Sản xuất máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng trong 11 tháng của năm 2022 đạt hơn 2,4 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Lĩnh vực này khoảng 4 năm trở lại đây thu hút rất nhiều doanh nghiệp (DN) nước ngoài và DN trong nước đầu tư vào. Trong đó, các DN ở Đồng Nai đa số cung cấp linh kiện máy móc thiết bị cho những thị trường lớn trên thế giới như: châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản…
Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Việt Nam Kaneko (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2, H.Nhơn Trạch) cho hay: “Sản phẩm của công ty là các loại van cho máy móc công nghiệp, ngành lọc dầu, tàu biển, máy bay… Năm nay, công ty cũng chịu ảnh hưởng về giá nguyên liệu, chi phí vận chuyển tăng cao, song đơn hàng cho sản xuất vẫn ổn định. Hiện sản phẩm của công ty cung ứng cho khoảng 100 thị trường trên thế giới nên có thể điều tiết sản lượng cho phù hợp và vẫn giữ mức tăng trưởng khá”.
Ngoài ra, ngành dệt may đến nay kim ngạch xuất khẩu đạt 1,7 tỷ USD, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm trước. Còn các ngành khác như: sản phẩm gỗ, phương tiện vận tải và phụ tùng mức tăng trưởng từ 4,5-5,5%. Riêng xơ sợi dệt xuất khẩu giảm nhưng sản xuất vẫn tăng cao do các DN mở rộng tiêu thụ ở thị trường nội địa.
* Mở thêm thị trường xuất khẩu
Hiện nay, các DN ở Đồng Nai đã có giao thương với hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới nhưng hàng hóa xuất khẩu vẫn tập trung vào một số thị trường lớn như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN. Các nước khác, Đồng Nai có giao thương nhưng kim ngạch rất ít. Châu Âu là thị trường có 27 quốc gia, DN có rất nhiều lợi thế vì Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu đã ký kết và có hiệu lực với nhiều dòng thuế xuất nhập khẩu đã và đang giảm về 0%. Thế nhưng, DN Đồng Nai mới khai thác được 4-5 thị trường trong liên minh này, còn lại hơn 20 thị trường vẫn còn bỏ ngỏ.
Sản xuất linh kiện máy móc xuất khẩu tại một doanh nghiệp của Nhật Bản trong Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2 (H.Nhơn Trạch). Ảnh: Hương Giang |
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng, để bù đắp lại đơn hàng vào các thị trường chính đang bị sụt giảm, DN nên khai thác thêm những thị trường khác. Gần 3 năm qua, dịch bệnh Covid-19 và hàng loạt diễn biến bất lợi cho nền kinh tế toàn cầu nhưng DN Việt Nam đã rất linh hoạt trong điều hành sản xuất, xuất khẩu. Đây vừa là thách thức cũng là cơ hội để DN tìm cách mở rộng tiêu thụ hàng hóa ra những thị trường khác để tránh lệ thuộc quá lớn vào một vài thị trường, khi xảy ra biến cố rất khó xoay xở. Hiện Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại song phương, đa phương, DN có thể nghiên cứu đưa hàng hóa vào những thị trường trên để hưởng các ưu đãi về thuế, tăng khả năng cạnh tranh.
Theo nhận định của các DN, hiệp hội thì khả năng khó khăn về đầu ra cho nhiều ngành hàng sẽ còn kéo dài đến giữa năm 2023. Vì thế, DN phải chủ động tìm thêm thị trường mới để duy trì sản xuất, xuất khẩu.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết: “Sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của tỉnh đang gặp khó khăn do đơn hàng giảm. Tỉnh sẽ hỗ trợ DN bằng cách tổ chức các đợt xúc tiến thương mại trong nước, nước ngoài để tìm thêm cơ hội hợp tác, kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất khẩu”.
Năm nay, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng dự tính kim ngạch xuất khẩu của tỉnh vẫn tăng gấp 2 lần so với kế hoạch năm. Theo kế hoạch năm 2023, xuất khẩu của Đồng Nai vẫn tăng khoảng 8,5%.
Khánh Minh