Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều ý tưởng xanh vì môi trường

06:12, 22/12/2022

Bộ lọc không khí, thiết bị đa năng dùng trong nông nghiệp, nước rửa chén từ lá cây, bộ dụng cụ tự nhắc phân loại rác, vườn rau ống tre... là những mô hình mới được chọn trao giải tại cuộc thi Mô hình, ý tưởng sáng tạo xanh năm 2022.

Bộ lọc không khí, thiết bị đa năng dùng trong nông nghiệp, nước rửa chén từ lá cây, bộ dụng cụ tự nhắc phân loại rác, vườn rau ống tre... là những mô hình mới được chọn trao giải tại cuộc thi Mô hình, ý tưởng sáng tạo xanh năm 2022.

Các học sinh xem mô hình bộ thùng rác tự nhắc phân loại rác và rửa tay, tác phẩm đoạt giải nhất cuộc thi Mô hình, ý tưởng sáng tạo xanh năm 2022. Ảnh: B.Mai
Các học sinh xem mô hình bộ thùng rác tự nhắc phân loại rác và rửa tay, tác phẩm đoạt giải nhất cuộc thi Mô hình, ý tưởng sáng tạo xanh năm 2022. Ảnh: B.Mai

Theo đánh giá Ban tổ chức, đây đều là mô hình có tính ứng dụng cao, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống.

* Nhiều ý tưởng đến từ sân chơi học đường

Từng có các sáng kiến kinh nghiệm được nhiều thầy cô và học sinh thích thú, mới đây, thầy giáo Phan Đức Thành (Trường THCS Lý Tự Trọng, xã Xuân Quế, H.Cẩm Mỹ) chế tạo bộ thùng rác tự nhắc phân loại rác và rửa tay, sản phẩm đoạt giải nhất cuộc thi Mô hình, ý tưởng sáng tạo xanh năm 2022.

Thầy giáo Thành chia sẻ, từ quan sát thấy việc đổ rác hằng ngày của các em học sinh ở trường đa số không phân loại, không rửa tay ngay nên thầy có ý tưởng làm sản phẩm giúp cảm em thấy hứng thú khi làm việc này. Bộ sản phẩm gồm khung thép được chia làm 4 ngăn, 3 ngăn chứa 3 thùng rác (nguy hại, hữu cơ, vô cơ) và 1 ngăn để chứa hộp xử lý điều khiển và chậu rửa tay tự động. Sản phẩm sử dụng pin năng lượng mặt trời và được lắp các cảm biến có người đến gần thùng rác sẽ tự mở và đóng nắp, có âm thanh nhắc nhở phân loại rác, nhắc rửa tay. Kết thúc các thao tác là những lời cảm ơn thú vị. 

“Qua thử nghiệm ở trường học nơi tôi công tác cho thấy, các em khá thích thú khi đi bỏ rác, thực hiện phân loại, rửa tay theo lời nhắc. Sản phẩm có thể nhân rộng ra các trường học để hình thành thói quen tốt cho các em học sinh” - thầy Thành chia sẻ.

Nhận thấy việc kiểm soát nước tưới, độ ẩm trong trồng trọt là việc làm khó khăn với nhiều nông dân, nhóm cô trò Trường THCS Thạnh Phú (xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) chế tạo Hệ thống điều khiển và giám sát sử dụng IoT trong nông nghiệp sạch 4.0.

Em Nguyễn Tấn Mạnh, học sinh Trường THCS Thạnh Phú chia sẻ, với mong muốn giúp các cô chú trồng bưởi và hoa màu tiết kiệm thời gian, tiết kiệm nước tưới mà vẫn đạt năng suất tốt, em và nhóm bạn đã nghĩ ra ý tưởng làm thiết bị giám sát độ ẩm, tưới nước tự động. Được sự hỗ trợ của các cô giáo, nhóm đã hoàn thành sản phẩm và đưa vào ứng dụng. Cảm biến đo độ ẩm được lắp dưới đất, thông tin về độ ẩm đất sẽ được ghi nhận và truyền đến bộ phận xử lý, khi độ ẩm đất thấp hơn mức tối thiểu được thiết lập hệ thống sẽ tự động bơm nước và ngược lại, khi đạt độ ẩm tối đa hệ thống sẽ tự tắt. Hệ thống còn có thể phun sương để làm giảm độ nóng trong nhà màng.

Ngoài các sản phẩm kể trên, còn nhiều mô hình, ý tưởng xanh đến từ các cá nhân, nhóm như: Xe đẩy giúp người già, người bị tai biến có thể di chuyển được làm từ các thiết bị của xe đạp hư không còn sử dụng của cô giáo Trần Thị Quỳnh Như (Trường THCS Tân An, xã Tân An, H.Vĩnh Cửu); bộ thiết bị đa năng vừa làm cỏ, gieo hạt, vừa vận chuyển nông sản của thầy giáo Trần Văn Hiếu (Trường THCS Trần Hưng Đạo, xã Bảo Bình, H.Cẩm Mỹ)…

* Ứng dụng trong sản xuất và sinh hoạt

Bà Đặng Thị Thùy Dương, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT) chia sẻ, cuộc thi năm nay nhận được 66 mô hình, ý tưởng liên quan đến các chủ đề phát triển nông nghiệp sạch, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, giảm chất thải… Phần lớn ý tưởng có tính ứng dụng cao, trong đó có những mô hình đã ứng dụng vào thực tế và cho thấy hiệu quả.

Cũng theo bà Dương, môi trường hiện là mối lo chung của nhân loại, không riêng các nhà khoa học, cá nhân, tổ chức nào. Điều đáng mừng là ngày càng có nhiều bạn trẻ quan tâm, hành động, đóng góp ý tưởng cho công tác bảo vệ môi trường. Cuộc thi Mô hình, ý tưởng sáng tạo xanh là hình thức tìm kiếm, hỗ trợ các ý tưởng được phổ biến trong cộng đồng.

Vườn rau ống tre của sinh viên Trường đại học Công nghệ miền Đông (MIT), mô hình xanh phù hợp cho gia đình ở đô thị
Vườn rau ống tre của sinh viên Trường đại học Công nghệ miền Đông (MIT), mô hình xanh phù hợp cho gia đình ở đô thị

Ông Trần Quang Toại,  thành viên Ban giám khảo cuộc thi chia sẻ, trong cuộc sống có nhiều mô hình, ý tưởng hữu ích với môi trường, thiên nhiên được áp dụng thành công. Tuy nhiên, nếu được phổ biến, nhân rộng thì tính hiệu quả của mô hình sẽ được nhân lên nhiều lần, thậm chí làm thay đổi cả vấn đề. Sự ghi nhận của xã hội đối với đóng góp đó là động lực khuyến khích cá nhân, tổ chức tiếp tục hiến kế cho bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Chị Nguyễn Thị Bình (H.Long Thành) chia sẻ, trên mạng hiện có nhiều công thức chế tạo nước rửa chén thiên nhiên song chị muốn tìm công thức với nguyên liệu dễ kiếm, dễ làm. Sau nhiều lần thử nghiệm, chị đã chế ra công thức làm nước rửa chén bao gồm củ hoặc lá sả, vỏ cam hoặc bưởi, lá bạc hà. Các nguyên liệu làm sạch, cắt khúc, nấu chung với nước cho đến khi có màu vàng đậm là được, để nguội cho vào chai dùng dần. Nước lau nhà, rửa chén xong có thể đem tưới cây mà không sợ chết, gây hại cho đất.

“Tôi muốn sử dụng sản phẩm tốt cho sức khỏe gia đình và môi trường xung quanh chứ không chủ đích đi thi. Quá trình làm, nguyên liệu, cảm nhận khi sử dụng tôi đều chia sẻ trên mạng xã hội để mọi người có thể áp dụng” - chị Bình cho hay.

Theo thầy giáo Trần Văn Hiếu (Trường THCS Trần Hưng Đạo, H.Cẩm Mỹ), điểm nhấn Bộ thiết bị đa năng trong nông nghiệp được chế tạo từ các nông cụ, có đến 3 chức năng, trong đó có vận chuyển nông sản trong không gian nhỏ hẹp mà xe lớn không làm được. Khi không sử dụng nữa có thể tháo ra trở về các nông cụ ban đầu. Sản phẩm dùng hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời nên có thể giúp bà con nông dân giảm được chi phí sản xuất mà thân thiện với môi trường.

Ban Mai

Tin xem nhiều