Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa rút khỏi thị trường

07:12, 13/12/2022

Trong năm 2022, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã rút khỏi thị trường vì gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Số DN phải giải thể cao hơn 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước, đồng thời có hàng trăm DN tạm dừng hoạt động.

Trong năm 2022, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã rút khỏi thị trường vì gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Số DN phải giải thể cao hơn 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước, đồng thời có hàng trăm DN tạm dừng hoạt động.

UBND tỉnh tổ chức hội nghị giao thương để doanh nghiệp Đồng Nai tìm thêm đối tác. Ảnh: K.Minh
UBND tỉnh tổ chức hội nghị giao thương để doanh nghiệp Đồng Nai tìm thêm đối tác. Ảnh: K.Minh

Theo Sở KH-ĐT, tính từ đầu năm đến giữa tháng 11-2022, trên địa bàn tỉnh có 464 DN giải thể, tăng hơn 56% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, có 561 chi nhánh, địa điểm kinh doanh và văn phòng đại diện chấm dứt hoạt động, tăng 54% và hơn 1,1 ngàn DN tạm ngừng kinh doanh, tăng hơn 67%.

* Nhiều DN nhỏ giải thể

Năm 2022, kinh tế toàn cầu biến động do ảnh hưởng từ chính sách Zero Covid-19 của Trung Quốc, giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất cước vận tải tăng cao, căng thẳng giữa Nga - Ukraine... Những vấn đề trên đã khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, lạm phát gia tăng, sức mua giảm. Nhiều DN nhỏ và vừa thuộc khu vực kinh tế tư nhân tại Đồng Nai đã không trụ nổi buộc phải giải thể hoặc chấm dứt hoạt động vì kinh doanh không hiệu quả. Đây là năm Đồng Nai có số lượng DN giải thể và tạm dừng kinh doanh cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên cho biết: “Từ đầu năm đến nay, kinh tế gặp nhiều khó khăn, các DN trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực phục hồi và phát triển, kết quả nhiều chỉ tiêu về kinh tế vẫn giữ được mức tăng trưởng khá. Tuy nhiên, còn nhiều DN nhỏ và vừa hoạt động không hiệu quả buộc phải giải thể hoặc dừng hoạt động do thiếu đơn hàng. Dự kiến tình hình khó khăn có thể sẽ kéo dài đến đầu năm 2023, do đó các DN phải có giải pháp phù hợp để duy trì sản xuất, kinh doanh”.

Nhiều DN cho hay, họ đang phải cố gắng cầm cự, chấp nhận sản xuất đơn hàng hoặc kinh doanh không lợi nhuận để vượt qua thời điểm này và hy vọng sang năm tới tình hình sẽ khá hơn.

Ông N.V.T. Giám đốc Công ty TNHH May Thiên Ân (H.Nhơn Trạch) chia sẻ: “Công ty của tôi có hơn 20 lao động, chuyên may gia công một số chi tiết cho các công ty sản xuất quần áo xuất khẩu. Công ty hoạt động được 5 năm, nhưng chưa bao giờ gặp khó khăn như hiện tại. Hơn 3 tháng nay, công ty không nhận được đơn hàng nên đã tạm dừng hoạt động, đợi qua năm sau tình hình kinh tế khá hơn, có đơn hàng trở lại mới tiếp tục khôi phục sản xuất”.

Các DN phải giải thể, tạm dừng hoạt động kinh doanh có ngành nghề đa dạng như: sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, chế biến nông sản, xây dựng... Những DN trên hầu hết có quy mô nhỏ, số lượng lao động từ 5-30 người, vốn ít nên gặp khó khăn trong vài tháng liền rất khó trụ nổi, vì không kham được chi phí thuê mặt bằng, trả lương cho người lao động.

* Cơ hội, thách thức đan xen

Từ đầu năm đến nay, tại Đồng Nai có nhiều DN phải giải thể hoặc tạm dừng hoạt động, nhưng vẫn có hơn 3,8 ngàn DN thành lập mới với tổng vốn đăng ký hơn 29,3 ngàn tỷ đồng. Điều này cho thấy cơ hội và thách thức luôn đan xen, vẫn có nhiều DN tìm ra thời cơ để phát triển sản xuất kinh doanh.

Theo dự báo, kinh tế thế giới tiếp tục có những biến động, khó khăn đến đầu năm 2023, các DN phải có những giải pháp riêng để phục hồi và phát triển.

Giám đốc Sở Công thương Trương Thị Mỹ Dung cho biết: “Trong năm 2022, Sở Công thương đã phối hợp tổ chức nhiều đợt xúc tiến thương mại, giúp DN tìm thêm các đối tác cung ứng hàng hóa cho nhau và mở rộng xuất khẩu. Sở đã đề xuất UBND tỉnh bố trí thêm nguồn kinh phí cho hoạt động xúc tiến thương mại, giúp DN vừa và nhỏ trong nước quảng bá sản phẩm, tăng lượng tiêu thụ trong nước, xuất khẩu”.

Cũng theo bà Dung, xuất khẩu của khối DN có nguồn vốn đầu tư trong nước hơn 5 tỷ USD, nhưng hỗ trợ để xúc tiến thương mại được hơn 2 tỷ đồng là rất thấp. Sở Công thương liên hệ với Cục Thương mại, các tham tán thương mại tại các nước để kịp thời nắm bắt thông tin về thị trường, hỗ trợ DN. Như vậy, DN sẽ chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp với những thị trường dự tính sẽ đưa hàng hóa vào.

Thời điểm này, các DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh đối mặt với rất nhiều khó khăn về vốn vay, giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vẫn tiếp tục tăng; trong khi đơn hàng lại hiếm do sức mua giảm. Vì thế, dù vào mùa cao điểm của sản xuất hàng hóa dịp Tết nhưng các DN đều tính toán rất kỹ để sản phẩm làm ra có thể tiêu thụ được.

Khánh Minh

Tin xem nhiều