Một trong những ý kiến đóng góp cho ngành Du lịch Đồng Nai tại buổi gặp gỡ các doanh nghiệp du lịch (DNDL) trong và ngoài tỉnh mới đây do Trung tâm Xúc tiến du lịch Đồng Nai tổ chức chính là cần nâng cấp đội ngũ nhân lực phục vụ trong ngành Du lịch.
Một trong những ý kiến đóng góp cho ngành Du lịch Đồng Nai tại buổi gặp gỡ các doanh nghiệp du lịch (DNDL) trong và ngoài tỉnh mới đây do Trung tâm Xúc tiến du lịch Đồng Nai tổ chức chính là cần nâng cấp đội ngũ nhân lực phục vụ trong ngành Du lịch.
Nhân viên thuyết minh giới thiệu đến khách du lịch tại Văn miếu Trấn Biên. Ảnh: N.Liên |
Theo các DNDL, dù đã có những sản phẩm tương đối tốt nhưng đội ngũ nhân sự phục vụ trong ngành Du lịch của Đồng Nai, nhất là bộ phận tiếp tân, nhân viên phục vụ tại các điểm đến vẫn chưa được đào tạo bài bản, thiếu chuyên nghiệp.
* Còn thiếu chuyên nghiệp
Sau 2 ngày khảo sát các điểm đến trên địa bàn TP.Biên Hòa, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Trang Thanh Travel Nguyễn Trung Tây Đô cho biết, Đồng Nai cần đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực, tập huấn thường xuyên những kỹ năng làm du lịch cho nhân viên để nâng cao tính chuyên nghiệp cho đội ngũ này. Nhân viên phục vụ trong các điểm đến đều phải biết về những nét chung, đặc trưng về điểm du lịch của mình để có thể trả lời những thông tin chung hoặc các dịch vụ tại điểm đến khi du khách hỏi thăm… Bên cạnh việc nâng cấp đội ngũ nhân lực, ông Tây Đô cũng cho rằng, Đồng Nai cần phát triển thêm các dịch vụ khai thác tiềm năng. Đây là điểm yếu của hầu hết các khu du lịch hiện nay.
Phát biểu tại hội nghị sơ kết liên kết phát triển du lịch Đông Nam bộ mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG cho biết, thời gian qua, công tác triển khai liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ đã đạt được những kết quả nhất định. Các tỉnh, thành trong vùng đã nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động như: hội nghị kích cầu, khảo sát sản phẩm du lịch, bồi dưỡng nguồn nhân lực, tổ chức các hội chợ, triển lãm về du lịch để quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong việc phục hồi và phát triển du lịch. Đây cũng là những giải pháp mà Đồng Nai hướng tới trong những năm tiếp theo. |
Không chỉ tại các điểm đến du lịch vui chơi giải trí, Đồng Nai có một kho tàng các di tích, đình, chùa nhưng tiềm năng này vẫn đang bị ngủ yên và thiếu đội ngũ phục vụ chuyên nghiệp như: thuyết minh viên cho khách tới tham quan, chưa tạo được những sự kiện xung quanh để thu hút dư luận, phát triển các dịch vụ đối với mô hình du lịch khám phá các giá trị văn hóa, lịch sử.
Theo bà Phan Yến Ly, Phó giám đốc Công ty TNHH Sự kiện và truyền thông Cười Lên Nào (TP.HCM), khi đến một số điểm du lịch trên địa bàn Đồng Nai, nhất là tham quan các di tích, văn miếu, đền thờ… vẫn thiếu những thuyết minh viên có kiến thức vững, có khả năng truyền tải hết những ý nghĩa, đặc trưng về văn hóa, lịch sử và kiến trúc về các điểm đến nên vẫn chưa thỏa mãn hết những nhu cầu về thuyết minh trong du lịch. Bà Ly chia sẻ, các DNDL thường đưa khách theo đoàn nên rất cần có một bộ thuyết minh cho các di tích, đình chùa với nội dung chuẩn, bảo đảm đúng và đủ các nội dung cần truyền tải tới du khách. Khi có bộ thuyết minh chung rồi, các DNDL mới mạnh dạn đưa khách đi tham quan và giới thiệu với mọi người.
* Việc cần làm ngay
Để du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh trong những năm tới, Nghị quyết phát triển du lịch Đồng Nai trở thành ngành kinh tế quan trọng của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã nhận định, Đồng Nai có sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng và thu hút một số dự án đầu tư du lịch trọng điểm có ý nghĩa lan tỏa, thúc đẩy du lịch phát triển. Hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho khoảng 4 ngàn lao động trực tiếp và 7,5 ngàn lao động gián tiếp (bán hàng, dịch vụ giữ xe, dịch vụ vận chuyển...). Tuy nhiên, nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, thái độ phục vụ.
Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Thị Mộng Bình cho biết, thời gian tới, Sở tiếp tục nâng cao chất lượng, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Đồng Nai theo tinh thần của nghị quyết. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp trong ứng xử văn minh, thân thiện với khách du lịch, bảo vệ môi trường du lịch, trong đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch và trong thực hiện xây dựng thương hiệu du lịch Đồng Nai.
Theo bà Bình, thông qua nhiều hình thức, nhiều nguồn sẽ tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ du lịch cho những người làm công tác quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp. Đặc biệt, Sở sẽ chú trọng xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên tại các di tích lịch sử; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cộng đồng dân cư tham gia kinh doanh du lịch và góp phần quảng bá điểm đến, hình ảnh du lịch của địa phương.
Ngọc Liên